Kỳ tích của một ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thuỷ sản Việt Nam) – Kiên Hải, một huyện đảo trù phú thuộc tỉnh Kiên Giang, là nơi có rất nhiều đảo lớn nhỏ, trù phú nhất là Hòn Tre, Hòn Sơn Rái và quần đảo Nam Du. Chỉ riêng quần đảo Nam Du cũng đã có tới 21 đảo lớn nhỏ, hầu hết cư dân đều sống bằng nghề đánh bắt hải sản và nuôi cá lồng bè, nổi tiếng nhất là ở hòn Ngang, nay là xã Nam Du.

Sống chết với nghề

Nhờ kinh tế phát triển và hải sản được coi là thế mạnh của xã đảo, nhiều bà con ngư dân ở đây đã chủ động đầu tư khai thác và nuôi trồng hải sản. Một trong những người làm ăn có hiệu quả nhất ông Huỳnh Minh Bửu ở ấp An Phú, Hòn Ngang (xã Nam Du). Ông bắt đầu nuôi cá bóp (Rachycentron canadum)  từ năm 2007 và từ đó đến nay năm nào cũng thành công mỹ mãn.

Ông Huỳnh Minh Bửu (trái) – người lập kỳ tích về sản xuất cá bóp giống ở Hòn Ngang

 

Theo ông Bửu, so với các loại cá khác, cá bóp dễ nuôi, mau lớn, phát triển bền vững lại ít gặp rủi ro, tỉ lệ hao hụt chỉ khoảng 5%. Ngoài ra, cá bóp là loại ăn tạp, nên không sợ thiếu mồi. Ông cho biết, sau 9 tháng cho ăn đầy đủ, cá có thể nặng trên 7 kg/con. Bình quân mỗi năm, ông xuất lồng 2 đợt, mỗi đợt từ 5 – 7 tấn. Hiện, ông đang sở hữu 800 con cá thương phẩm có trọng lượng từ 7 – 10 kg/con. Cá bóp có thịt thơm ngon, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, giá dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg. 

Tuy nhiên, muốn cho lợi nhuận cao, người nuôi phải biết chọn lựa con giống, nắm vững kỹ thuật chăm sóc, nhất là mồi phải sạch và hàng tháng phải vệ sinh lồng bè. Có thế cá mới lớn nhanh, khoẻ mạnh, giảm thiểu rủi ro và phát triển bền vững, ông Bửu chia sẻ.

Tuy nhiên hiện nay, trở ngại lớn nhất đối với người nuôi cá bóp là nguồn giống không ổn định. Nhiều chủ bè bấy lâu nay đã mua con giống trôi nổi không qua kiểm dịch, dễ gây dịch bệnh. Một số hộ chủ yếu dựa vào con giống tự nhiên nhưng quá ít, không đủ cung.

Chính vì khó khăn và bất cập về này, ông Huỳnh Minh Bửu mới có ý tưởng sản xuất con giống nhân tạo. Ông đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, dồn hết công sức vào việc kích thích cho cá sinh sản. Bước đầu, ông đã thành công trong việc chăm sóc, cho đẻ nhưng đáng tiếc cá bột chỉ sống đươc vài ngày là từ từ chết. Mặc dù thất bại nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi, thường xuyên liên hệ với các trường đại học, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II và nhiều cơ sở sản xuất cá giống để học hỏi và nghiên cứu, thí nghiệm với một tinh thần say mê.

 

Biển trả ơn người

Anh Huỳnh Nhật Tân, con trai của ông Bửu, cũng là người “say mê” cá bóp tâm sự: “Để có được kết quả như ngày hôm nay, tôi và ba tôi đã trải qua bao năm tháng miệt mài vất vả, lúc nào cũng nặng lòng với biển đảo, lặn lội sưu tầm tài liệu, học hỏi kinh nghiệm, dày công thử nghiệm bằng nhiều phương pháp kỹ thuật khác nhau trong suốt quá trình ương nuôi cá bột, tốn hơn nửa tỷ bạc mới thu đạt được kết quả”. Anh Tân khẳng định: “Nguồn nước, thức ăn chính là những yếu tố quan trọng giúp anh thành công. Nhờ vậy, sau khi cá ép xong, cha anh đã đưa toàn bộ cá bột về Bãi Ớt, thuộc khu vực Ba Hòn – Kiên Giang để tiếp tục ương trong một hệ thống bể. Sau một tháng nuôi dưỡng, chăm sóc, tỷ lệ cá sống khá cao vì môi trường nước ở đây rất lý tưởng đối với loài cá này.

 

Cá bóp giống 2 tháng tuổi tại bè cá của ông Huỳnh Minh Bửu

 

Ông Bửu cho biết, để đảm bảo quy trình ương nuôi sạch, ông không sử dụng kháng sinh và các loại hóa chất thuộc danh mục cấm sử dụng. Ngoài ra, nhằm giúp cho cá phát triển nhanh, an toàn, sạch bệnh và bền vững, ông phải sử dụng thức ăn nhập từ Mỹ đối với cá con trong tháng. Đối với khách hàng, ông chia sẻ cho họ những thông tin, kinh nghiệm quý báu về kỹ thuật chăm sóc, cách thức quản lý nguồn nước, dịch bệnh, môi trường… Nhờ vậy, nhiều người đã thành công sau khi chọn con giống của ông, như ông Tùng, ông Hiền ở xã Nam Du (Hòn Ngang).

Hôm tôi đến thăm bè cá giống tại Hòn Ngang cũng là lúc ông đang giao con giống cho khách hàng với giá 35.000 đồng/con loại 1 tháng tuổi (1,2dm) và loại 60.000 đồng/con loại 2 tháng tuổi (2,2dm). Với ông, “chất lượng làm nên thương hiệu”, nhiều khách hàng đã tìm đến ông mua cá giống, đa số là những hộ nuôi ở vùng biển đảo Kiên Hải, Kiên Lương, Phú Quốc và cả Nha Trang (Khánh Hòa). Từ tháng 2/2011 đến nay, ông đã bán ra trên 50.000 con giống và đang tiếp tục sản xuất với số lượng lớn.

Nuôi cá bóp tuy vốn đầu tư hơi cao nhưng đổi lại thời gian nuôi ngắn, rủi ro thấp, đầu ra ổn định. Hơn nữa, cá bóp hiện nay được coi là đặc sản có giá trị thương phẩm cao. Nhiều bà con ở các huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương đã mạnh dạn đầu tư nuôi với quy mô ngày càng lớn để xuất khẩu và dùng trong nội địa. Từ kết quả phấn khởi đó, xã Nam Du hiện đã thành lập được Hợp tác xã Nuôi cá lồng bè cùng với nhiều Chi hội. Đặc biệt, nơi đây có thêm cơ sở cung cấp cá bóp giống của ông Huỳnh Minh Bửu sẽ góp phần đẩy mạnh sản xuất, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục phát triển cá lồng bè theo đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Điều đáng mừng, Bộ môn Kỹ thuật nuôi hải sản, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ cũng đã thành công trong việc sản xuất con giống nhân tạo và ương nuôi cá bóp giống. Chắc chắn trong tương lai gần, bà con nuôi cá bóp sẽ không còn gặp trở ngại về nguồn con giống.

>> Việc ông Huỳnh Minh Bửu sản xuất thành công cá bóp giống ở Hòn Ngang hiện đang được coi là một câu chuyện thời sự thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là những người nuôi cá lồng bè ở biển Tây.

Hoài Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!