Kỳ tích ở vùng đất khó

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Trước, nhắc đến thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh (Quảng Ninh – Quảng Bình) nhiều người nghĩ ngay đến một vùng cực nghèo bởi phần lớn đất đai bị nhiễm mặn, phèn chua, lầy thụt, bạc màu. Nhưng vài năm trở lại đây, Trúc Ly được biết đến như một điển hình nuôi thủy sản, người có công là cựu chiến binh Phạm Đình Toai.

Có gan làm giàu

Ông Phạm Đình Toai trước đây là bộ đội công tác ở một đơn vị trực thuộc Quân khu 4, đến năm 1980, ông chuyển ngành về Sở Công nghiệp tỉnh Bình Trị Thiên. Năm 1990, ông Toai nghỉ chế độ, sống ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh. Thời điểm đó, đồng lương hưu eo hẹp, đời sống kinh tế gia đình ông khó khăn. Thấy mình vẫn còn sức khỏe có thể tham gia phát triển kinh tế, trong khi ở Trúc Ly quê ông, diện tích đất đai giáp bờ sông Nhật Lệ hoang hoá còn rất lớn, chưa được khai phá, năm 1995, ông Toai làm đơn xin UBND xã Võ Ninh khai hoang 6.500m2 đất ở khu vực Cồn Chá để nuôi thủy sản.

Võ Ninh thời điểm đó, việc khai hoang vùng đất mênh mông nằm sát phía bờ nam sông Nhật Lệ là việc làm “chưa từng có” và chưa ai dám nghĩ đến, nên thời gian đầu, khi thấy ông thuê máy móc về san ủi, cải tạo và đào ao, nhiều người trong thôn đã ra sức can ngăn, họ nghĩ rằng vợ chồng ông sẽ “vứt” sạch gia sản xuống sông mà chẳng làm nên cơm cháo gì. Thấy ông không nản chí, vẫn quyết tâm khai hoang, đào ao, có người nói ông “không bình thường”.

Mặc bao “tiếng bấc, tiếng chì”, là một người lính từng vào sinh ra tử, ông Toai tin rằng mình sẽ thành công, nếu có quyết tâm cao và biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi thủy sản. Mỗi khi nghĩ đến cuộc sống vất vả, nghèo khó của gia đình, nghĩ đến tương lai của mấy đứa con đang tuổi ăn, tuổi học và nghĩ đến cuộc sống bế tắc bao đời của người làng Trúc Ly do ngoài làm ruộng ra chẳng có nghề nghiệp gì thêm, vợ chồng ông lại có thêm động lực để động viên nhau quyết tâm vượt khó…

Sau khi đào được 1 sào ao hồ, ông Toai quyết định đầu tư mua các loại giống tôm, cua, cá nước lợ về thả thử nghiệm. Vụ đầu tiên do số lượng giống thả nuôi không đáng kể, kinh nghiệm chưa có, tuy không thất bát nhưng vợ chồng ông cũng chẳng thu lãi được bao nhiêu.

Cùng thời điểm ông Toai mới “khởi nghiệp” bằng nghề nuôi thủy sản nước lợ, thì ở các vùng lân cận như Hàm Ninh (Quảng Ninh), Phú Hải (TP Đồng Hới), nghề nuôi thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ khá phát triển, ông tham quan về và càng tin tưởng rằng, quyết định của mình đã đúng. Từ đó, ông mở rộng thêm diện tích ao hồ để thả nuôi tôm sú, nuôi cua xen canh các loại cá nước ngọt rô phi, trắm cỏ…

Ông Phạm Đình Toai bên ao nuôi tôm của gia đình

 

Kỳ tích

Từ chỗ chỉ có 1 sào ao hồ năm 1995, đến nay, gia đình ông Phạm Đình Toai đã có 8 sào ao hồ. Bình quân, mỗi năm ông thả nuôi 1.000 con cá xen cua và thả từ 6 – 9 vạn con tôm sú theo lối thâm canh. Đối với diện tích ao hồ nuôi cá xen cua, nhờ biết tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên cũng như áp dụng tốt các quy trình thả nuôi, nên nhiều năm nay, sản lượng thu hoạch và thu nhập từ cá, cua của gia đình ông Toai không ngừng tăng lên. Các năm 2010, 2011, con cá, con cua đã đưa về cho gia đình ông hàng chục triệu tiền lãi.

Đối với ao hồ nuôi tôm sú, ông Toai đã áp dụng nghiêm ngặt các khâu từ chọn giống, cải tạo ao, cho ăn thức ăn, đến phòng chữa bệnh và chăm sóc tôm… Vì thế, hàng năm, năng suất tôm của ông luôn dẫn đầu toàn xã. Năm 2010, ông Toai thả 9 vạn con tôm sú, thu hoạch 1,3 tấn, lãi 70 triệu đồng. Năm 2011, nhiều hộ nuôi tôm ở xã đã giảm diện tích nuôi và số lượng giống vì sợ dịch bệnh, nhưng ông Toai vẫn quyết định thả 6 vạn con tôm sú. Tuy hiện nay chưa thu hoạch hoàn toàn, nhưng ông Toai đánh giá gia đình ông sẽ tiếp tục lãi cao từ tôm.

Không chỉ có thu nhập cao từ tôm, cua, cá, bình quân, mỗi năm gia đình ông Toai còn xuất bán được vài tạ gà, vịt, ngỗng, thu lãi trên 10 triệu đồng. Ngoài ra, mấy sào cây bạch đàn trồng ngày khai hoang, bán đợt đầu tiên cũng đã đưa về cho ông 20 triệu đồng…

Có thu nhập cao từ mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình ông Phạm Đình Toai đã có thêm điều kiện để nuôi các con ăn học thành người. Hiện nay, hai người con trai của ông là sỹ quan quân đội và một người con gái là giáo viên.

>> Cựu chiến binh Phạm Đình Toai đã mở ra một hướng làm ăn mới, giúp nhiều gia đình nghèo ở Trúc Ly có cuộc sống khá giả từ nghề nuôi thủy sản, tiêu biểu như anh Lê Văn Đắc, nuôi 1,5 ha tôm sú, có năm thu lãi 100 triệu đồng/vụ, ông Lê Xơn, Lê Hóa, nuôi 1 ha tôm sú, thu lãi 70 – 80 triệu/vụ…

Trương Văn Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!