“Lão ngư mù” đánh cá bằng… tai

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Giữa phá Tam Giang – Cầu Hai mênh mông sóng nước, “lão ngư mù” Nguyễn Dê (66 tuổi, thôn Trung Hưng, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) bắt đầu một chuyến ra khơi của mình bằng chính… đôi tai.

Nhìn đôi tay buông lưới, quay máy, gỡ cá thuần thục như một ngư dân thực thụ, nắm con nước Tam Giang như lòng bàn tay, tôi chợt nghĩ đến hình tượng “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân…

                 

Gian khổ rèn luyện

Cũng như bao người dân sống ven phá Tam Giang – Cầu Hai, từ bao đời nay con cá, con tôm là niềm cứu cánh. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, năm 8 tuổi, đang theo lớp học trường làng, cậu bé Nguyễn Dê bị mắc bệnh đậu mùa. Vào thời đó, ở làng quê nghèo Vinh Hưng tưởng cái bệnh “nóng nóng lạnh lạnh” ấy rồi sẽ qua sau vài thang thuốc lá cỏ trong vườn nhà. Ngờ đâu căn bệnh quái ác để lại di chứng thật nặng nề, đôi mắt ông mờ dần rồi mù hẳn. Ông bảo: “Khi con người ta không còn thấy thứ gì nữa thì sẽ đối diện với sự cô độc của chính mình. Thời gian đầu nghỉ học, không còn được đến trường, vui chơi với bạn bè, tui tưởng mình sẽ không còn đủ sức để sống nữa. Những rồi nghĩ lại đời con người ta đều có một số phận cả, mình buông xuôi thì mai ni biết ai nuôi lấy cha mẹ già, đền đáp song thân”.

Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, cậu bé Nguyễn Dê đã “nhìn” thấy sự cô độc, nghiệt ngã của số phận mình, nhưng cũng từ đó, cậu luyện được cho mình ý chí tự lập, để tiếp tục nghề đánh cá của cha ông bằng chính… đôi tai. Lâu rồi cũng thành quen, khi đôi mắt không còn nhìn thấy nữa thì cái tai, cái mũi, bước chân của ông trở nên chuẩn xác, tinh anh lạ. Ngồi hồi tưởng về quá khứ tuổi thơ của mình, ông kể: “Bị mù ngồi một chỗ, ban đầu mình cứ nghe ngóng, xem bước chân nặng nhẹ, nhanh chậm là biết ngay cha mẹ, anh chị em hay bạn bè đang đi tới. Khi đã nghe được rồi thì mình bắt đầu tập đi, lần đầu tiên mắt không còn thấy nữa, tui bước ra khỏi ngõ, nghe gió mơn man từ đầm phá thổi vào “tưới” lên da thịt, nghĩ đời mình chưa hết hy vọng”.

Những bước chân đầu tiên của cậu bé Nguyễn Dê khi trở thành một “người mù” cũng lắm gian nan, cay đắng. Từ nhà, cậu đếm bước chân, nghe hướng gió để tìm ra đầm phá, bao lần vấp ngã, trầy xước hết cả mặt mày. Năm lên 10 tuổi, cậu theo bố mẹ bắt đầu chuyến ra phá đầu tiên để đánh cá. Với trí nhớ tốt, cộng bản chất con nhà ngư nghiệp, không bao lâu cậu bé Nguyễn Dê đã thuộc mọi “ngõ ngách” của phá Tam Giang như lòng bàn tay. Năm 18 tuổi, khi đã trở thành một ngư dân thực thụ nhuốm màu nắng và vị mặn của biển khơi thì cũng là lúc quê hương Vinh Giang trở thành căn cứ cách mạng trong lòng địch. Ông đã cùng 3 người em của mình nhiệt tình tham gia cách mạng, chèo thuyền vận chuyển lương thực, nuôi giấu cán bộ. Ông nhớ lại: “Có lần chở lương thực qua căn cứ địa cách mạng ở xã Lộc Bình, địch phát hiện nã đạn liên hồi, trong phút chốc chiếc thuyền thành núi lửa, tui chỉ biết nhảy xuống lòng phá lặn một hơi thật sâu, ngoi lên, mất hơn 2 giờ đồng hồ, đôi tai nghe hướng gió tui mới bơi được vô bờ”. Cũng trong một ngày định mệnh nơi lòng phá Tam Giang ấy, khi đang làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, 3 người em của ông đã hy sinh vì trúng đạn của kẻ thù…

 

Gắn đời trên con sóng

Chiến tranh qua đi, ông trở lại quê hương làm nghề đánh cá mưu sinh, nuôi 7 người con ăn học. Một ngày làm việc với “lão ngư mù” Nguyễn Dê bắt đầu từ sáng sớm. Trên vai chất đầy ngư cụ, ông đi từ nhà ra phá Tam Giang – Cầu Hai mà không phải cần ai dẫn đường. 10 tuổi đã theo bố mẹ trên chuyến ra phá đầu tiên, hơn 50 năm qua, dấu chân ông đã in mòn vết đá trên con đường ấy. Nhìn qua, đôi tay thuần thục chống thuyền, quay máy rồi bung lưới, gỡ cá không ai nghĩ rằng đây là một người không còn nhìn thấy ánh sáng.

Lão ngư Nguyễn Dê có biệt tài là đánh cá bằng… tai. Ông biết lúc nào con nước lên, con nước xuống, chỉ cần lắng tai nghe hướng gió, nghe cá táp nước là biết nơi nào có nhiều cá tôm ngon, đoán được thời tiết khi ra khơi. Với ông, giờ đôi tai là tất cả, chiếc thuyền là mái nhà, nó giúp ông tìm con cá, con tôm trên đầm phá mênh mông sóng nước. Mỗi chuyến ra khơi là một bài học kinh nghiệm trên sông nước mà một người khiếm khuyết như ông chưa bao giờ đủ. Hơn thế, bà con Vinh Hưng không chỉ quý ông về tài đánh cá mà còn nể phục ông bởi chỉ cần dùng tay “sờ” vào nước là đoán trúng phóc khối lượng cá tôm trong hồ bao nhiêu. Vợ ông – bà Nguyễn Thị Dưỡng nhìn chồng âu yếm: “Thấy ông rứa mà cái chi cũng biết hết chú à. Hồi mới giải phóng, gia đình khó khăn, nhờ vào cái tài “nghe cá” của ông mà đủ cơm gạo cho cả gia đình gần chục miệng ăn. Cũng chính quý cái tính thiệt thà, cái biệt tài ấy hồi nớ tui mới ưng đó”.

Những lúc một mình bên phá Tam Giang, khi thuyền máy hỏng, ông Nguyễn Dê cũng tự sửa lấy

Đặc biệt, nói về tài lặn trên sông nước thì ở xã Vinh Hưng chưa có một người nào “qua mặt” ông. Một ngày nếu chịu khó ngụp lặn, ông cũng kiếm được vài chục kilogam trìa, sò… Thỉnh thoảng, có người nhờ ông lặn tìm vàng, bạc, đồng hồ khi lỡ tay đánh rơi trên phá ông đều nhiệt tình giúp đỡ. Hơn 50 năm gắn đời mình trên đầm phá, không phải lúc nào con nước cũng chiều lòng người. Ông kể, có lần cùng vợ ra phá đánh cá, gặp gió to, thuyền bị lật, một mình ông vật lộn với sóng nước cả mấy tiếng đồng mới tìm thấy đường vô bờ. Lần theo bờ đê, tìm đến lán của người con trai rồi cùng nhau trở lại phá cứu người vợ.

Ông Huỳnh Tỳ, một bạn thuyền thường ra phá đánh cá với ông, không giấu nổi sự thán phục: “Đi đánh cá với ông Dê thì không lo ngày đó “lỗ vốn”. Mình ngồi sau lái chạy thuyền, chỉ cần cho ông ngồi trước, ghé tai sát mặt nước nghe ngóng. Lúc nào ông ra hiệu cho thuyền dừng lại thì mặc sức mà buông lưới, hôm đó nhất định trúng cá, tôm đậm”. Ông Tỳ kể, có lần ông Dê cùng ông với thêm một bạn thuyền nữa ra phá Tam Giang, chạy về hướng xã Lộc Bình cả chục cây số để đánh cá. Đêm trời sương mịt mù sóng nước, ngồi sau lái thuyền, bạn thuyền của ông nóng ruột nên cứ giục cho thuyền dừng lại mà buông lưới vì đã đi khá xa. Ông Dê vẫn cứ lặng thinh không nói gì, đến nơi con nước chảy, ông Dê giục: “Buông lưới thôi, nghỉ ngơi chút, khi nào tui bảo kéo lưới thì… mang cá về”. Cứ tin lời thế, quả nhiên sau nửa tay lưới, thuyền ông Tỳ đã đầy ắp cá.

 

* * *

 

Bóng chiều nhá nhem, “lão ngư mù” Nguyễn Dê lặng lẽ neo thuyền, vai mang ngư cụ trở về nhà. Nhìn bước chân chậm rãi nhưng toát lên một sự tự tin, một nghị lực kỳ lạ, chợt thấy cuộc sống này không gì là tuyệt vọng cả…

>> Không chỉ dựa vào biệt tài “nghe cá” để mưu sinh, năm 2009, “lão ngư mù” Nguyễn Dê quyết định vay vốn đầu tư xây dựng 1 ha hồ nuôi cá trên phá Tam Giang. Cuộc sống hiện tại của ông đã ổn định, đó là sự đền đáp xứng đáng cho một nghị lực phi thường của một con người chưa hề biết đến tuyệt vọng!

Khai Phong

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!