“Liều thuốc” tăng sức cho doanh nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Đã có rất nhiều chính sách, ưu đãi hỗ trợ nông dân, ngư dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đây đa phần là về lâu dài, còn trước mắt, cái họ cần là một giải pháp thiết thực, đó là vốn.

Khó khăn nhiều phía

Theo TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nhiều mặt hàng nông nghiệp, chủ yếu là nông, thủy sản xuất khẩu gặp khó khăn trong quý I vừa qua vì đại dịch COVID-19, do bất lợi trong xuất khẩu sang các thị trường; ban đầu là Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản và từ đầu tháng 3 là thị trường Mỹ, EU và ASEAN.

Hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường rất đa dạng nhưng chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất là các loại rau quả, thủy sản do đây là các sản phẩm tươi và sơ chế, khó có thể bảo quản lâu dài. Trong giai đoạn cao điểm của dịch, hoạt động xuất khẩu sang các thị trường lớn này đều diễn ra rất chậm, giảm mạnh, chủ yếu do các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại – giao thương, dẫn đến việc hàng loạt hợp đồng xuất khẩu bị hủy hoặc tạm dừng; mặt khác, còn do thiếu nhân lực và các thủ tục kéo dài vì phải tuân thủ các quy định về kiểm soát dịch bệnh.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp rào cản ở nhiều thị trường   Ảnh: LHV

Ảnh minh họa (LHV)

Để giảm áp lực cho doanh nghiệp và người sản xuất, Chính phủ đang chỉ đạo các gói hỗ trợ: 1. Gói chính sách tiền tệ – tín dụng (cơ cấu lại, giãn – hoãn nợ và xem xét giảm lãi đối với tổng dư nợ chịu ảnh hưởng khoảng 2 triệu 2 tỷ đồng); gói cho vay mới với tổng hạn mức cam kết khoảng 300.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hơn tín dụng thông thường từ 1 – 2,5%/năm; 2. Gói tài khóa (giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất, giảm một số sắc thuế và phí với tổng giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng); 3. Gói an sinh xã hội với tổng giá trị khoảng 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu người lao động và đối tượng yếu thế.

Những chính sách “nóng” này đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân, trở thành “phao cứu sinh” trong giai đoạn khó khăn mà chưa biết thời điểm kết thúc này.

 

Chính sách tại địa phương

Tại Quảng Ngãi, theo tính toán của ngành công thương, thiệt hại do dịch COVID-19 vừa qua gây ra cho ngành nông nghiệp không nhỏ; khi có tới hàng chục nghìn tấn dưa hấu, ớt của nông dân trong tỉnh khó tiêu thụ, giá bán sụt giảm mạnh. Theo ông Đinh Duy Sung, Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Ngãi, hiện rất cần sự đồng hành và quan tâm hỗ trợ đúng mức để nông dân khôi phục sản xuất. Nếu người dân chưa thể chăn nuôi, trồng trọt trở lại thì hoạt động của doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó. Hơn nữa, nông dân bây giờ sản xuất sản phẩm hàng hóa, vốn đầu tư rất lớn, nếu chỉ cho vay nhỏ giọt theo các kênh dành cho nông nghiệp như hiện nay thì chưa đáp ứng nhu cầu cần thiết cho đầu tư của họ.

Tại tỉnh Quảng Nam, nhận diện các khó khăn mà ngư dân đang gặp phải là sản lượng khai thác hải sản đạt thấp, giá bán giảm… ngành chức năng đang triển khai các giải pháp để giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn. Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, rất cần tạo chuỗi liên kết hải sản. Theo đó, khảo sát, tìm hiểu thực tế hoạt động của mô hình này ở các địa phương trên phạm vi cả nước để xây dựng cơ chế, vận hành tại tỉnh. Cốt yếu là xâu chuỗi quá trình từ cung cấp dịch vụ hậu cần đến khai thác trên biển, bảo quản, chế biến hải sản, cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước.

Còn theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, ngư dân cần chú trọng đảm bảo ATTP, xây dựng uy tín, thương hiệu đối với hải sản sau khai thác. Còn đơn vị đang tập trung xây dựng, phát triển năng lực nghiên cứu thị trường, có cơ sở dữ liệu chính thống về thị trường để hỗ trợ ngư dân và doanh nghiệp xuất khẩu hải sản hiệu quả.

 

Cần những hỗ trợ thiết thực

Để hỗ trợ ngư dân, hội viên, ngay từ đầu tháng 4 Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn gửi hội viên, doanh nghiệp, bà con nông dân, ngư dân chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng địa phương kịp thời tổng hợp đề xuất hỗ trợ cho các đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, được nhận đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo đúng đối tượng và mức chính sách đã ban hành. Hội Nghề cá Việt Nam cũng đề nghị Hội Nghề cá, Hội Thủy sản các tỉnh thường xuyên quan tâm, theo dõi tình hình sản xuất, đời sống của hội viên, ngư dân, người lao động, nhất là tàu thuyền và ngư dân đi sản xuất trên biển, người lao động trực tiếp NTTS… khi gặp rủi ro về thiên tai, dịch họa nhằm nhanh chóng kiến nghị cơ quan chức năng kịp thời hỗ trợ.

Theo TS Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, để nông dân, ngư dân khai thác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả trong hiện tại cũng như lâu dài, vấn đề không phải là hỗ trợ trực tiếp bao nhiêu vật chất/tiền từ nhà nước cho người dân mà theo tôi, họ cần những việc thiết thực hơn. Một là, thay đổi, nâng cao năng lực các cơ quan quản lý nhà nước tạo thuận lợi nhất cho ngư dân khi thực hiện một số nghĩa vụ, tuân thủ các thủ tục quản lý nhà nước. Ví dụ một số nơi cơ quan quản lý nhà nước không đủ năng lực, ngư dân mất nhiều thời gian, tăng chi phí (đi lại và chờ đợi) mới được chứng nhận khai thác. Hai là, kịp thời giới thiệu, chuyển giao các công nghệ  tiên tiến, phù hợp áp dụng trong khai thác, nuôi trồng thủy sản. Ba là, quản lý của Nhà nước (quy định pháp lý, năng lực bộ máy) đảm bảo các vật tư đầu vào cho sản xuất như: giống, thức ăn, chế phẩm… có chất lượng tốt giúp ngư dân, nông dân giảm rủi ro, hạ giá thành sản xuất; Cuối cùng là tạo cơ chế để các hiệp hội ngành hàng chủ động, đủ nguồn lực xây dựng và phát triển thị trường thủy sản.

Còn theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thuận Phước, với doanh nghiệp thủy sản, các chính sách hỗ trợ về giảm thuế, phí hay tiền thuê đất gần như không hiệu quả. Điều họ cần là vốn. Bởi trong khi gần như không xuất khẩu được nhưng doanh nghiệp vẫn phải thu mua nguyên liệu của nông dân để hai bên duy trì sản xuất. Doanh nghiệp thiếu vốn nhưng ngân hàng lại không tăng hạn mức cho vay. Thế nên, để gỡ khó cho các doanh nghiệp hiện nay “tiếp vốn” là cấp thiết nhất.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!