(TSVN) – Thực tế chứng minh, khu bảo tồn biển (BTB) giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo tồn các hệ sinh thái biển… Để các khu BTB phát huy đúng chức năng của mình, cấp bách cần bảo đảm sự trong sạch trong các khu vực này.
Đến năm 2020, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đã thành lập và đưa vào hoạt động 12 khu BTB: Bạch Long Vĩ/Hải Phòng, Cồn Cỏ/Quảng Trị, Cù Lao Chàm/Quảng Nam, Lý Sơn/Quảng Ngãi, Vịnh Nha Trang (Hòn Mun)/Khánh Hòa, Hòn Cau/Bình Thuận; Phú Quốc/Kiên Giang, Cô Tô – Đảo Trần/Quảng Ninh; Vườn quốc gia Bái Tử Long/Quảng Ninh, Cát Bà/Hải Phòng, Núi Chúa/Ninh Thuận, Côn Đảo/Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cùng đó, Bộ NN&PTNT đã xây dựng quy hoạch chi tiết, bàn giao cho UBND các tỉnh để phê duyệt thành lập 4 khu BTB: Hòn Mê/Thanh Hóa, Nam Yết/Khánh Hòa, Phú Quý/Bình Thuận, Hải Vân – Sơn Trà/Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, kết quả điều tra nguồn lợi hải sản biển Việt Nam thuộc nhiệm vụ số 8 của Đề án 47 đã xác định thêm được 8 khu vực có tiềm năng bảo tồn biển để bổ sung vào hệ thống khu BTB Việt Nam.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển đã ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở nguồn lợi thủy sản của các khu BTB ở nước ta. Đặc biệt, ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 8 – 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, đã – đang lắng đọng và quấn bám vào các rạn san hô ở các khu BTB.
Theo Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020 – 2030 được Bộ NN&PTNT phê duyệt ngày 5/2/2021, vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại các khu BTB đặt ra rất rõ ràng.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 – 2025, từ 80% trở lên cán bộ quản lý khu BTB được tập huấn, tuyên truyền về quản lý và hành động giảm thiểu rác thải nhựa; 100% khu BTB xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa chuyển các đơn vị có chức năng xử lý; Giai đoạn 2026 – 2030, 100% cán bộ quản lý khu BTB được tập huấn, tuyên truyền về quản lý và hành động giảm thiểu rác thải nhựa.
Để thực hiện được điều này, một trong những nội dung được đặt ra là phát huy vai trò của tổ chức thanh thiếu niên, phụ nữ, hội nghề nghiệp… làm đầu tàu gương mẫu, tổ chức thường xuyên các đợt làm sạch môi trường biển, ven biển, vùng NTTS tập trung, cảng cá, các khu BTB trên địa bàn địa phương. Đồng thời, xây dựng và thực hiện đề án thu gom các ngư cụ bị mất, bị thải bỏ trên biển tại các khu bảo tồn, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các vùng biển khác; Xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát và tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa tại khu BTB. Trong đó, Tổng cục Thủy sản chủ trì xây dựng các đề án: thu gom các ngư cụ bị mất, bị thải bỏ trên các khu bảo tồn, khu vực nguồn lợi thủy sản và các vùng biển khác.
Ngoài ra, các khu BTB chủ động xây dựng và thực hiện các hoạt động giám sát rác thải nhựa, bố trí đủ nguồn lực cho công tác thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa trong khu BTB. Lồng ghép hoạt động giám sát rác thải nhựa và các hoạt động chung của Vườn quốc gia, của các khu BTB. Đảm bảo mục tiêu đến năm 2030, 100% các khu BTB không còn rác thải nhựa như trong Quyết định 1746/QĐ-TTg ngày 4/12 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong số các khu BTB hiện nay, có lẽ Khu BTB Cù Lao Chàm đang thực hiện rất tốt mọi nhiệm vụ. Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Ban Quản lý khu BTB Cù Lao Chàm cho biết, từ năm 2019 đến nay, Ban quản lý đã triển khai 4 đợt giám sát rác thải tại các bãi biển theo bộ công cụ hướng dẫn của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và dọn vệ sinh trên các vùng rạn san hô: Bãi Tra, Bãi Nần, Bãi Xếp và Bãi Bấc. Sắp tới, chương trình sẽ tiếp tục được thực hiện hằng năm nhằm thu dọn vệ sinh trên các rạn san hô và bãi biển, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, góp phần bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học.
Phan Thảo