Lưu ý khi nuôi tôm sú thâm canh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Quy trình chuẩn bị ao nuôi tôm sú thâm canh như thế nào?

(Nguyễn Công Hải, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình)

Trả lời:

Chuẩn bị khu vực nuôi có diện tích từ 1 – 2 ha, trong đó: Ao lắng chiếm diện tích và thể tích nước phải tương đương so với ao nuôi để có thể cung cấp nước kịp thời. Đảm bảo các hệ thống ao xử lý nước thải, ao ương giống, ao nuôi và hệ thống cấp nước đầy đủ. Thiết kế ao ương với diện tích từ 150 – 300 m2. Ao nuôi có bờ ao 2 – 2,5 m, mực nước từ 0,8 – 1,5 m, ao có hình vuông hoặc hình chữ nhật, góc ao cần được bo tròn. Ao nuôi phải có từ 1 đến 2 cống dùng để thoát và xổ nước, cống phải được thiết kế gần nguồn nước để cấp tháo nước một cách dễ dàng nhất.

Tháo cạn nước trong ao, tiến hành sến vét đáy ao để loại bỏ được các loại vi khuẩn và tác nhân gây hại. Tháo rửa ao vuông từ 1 – 2 lần để tẩy rửa đáy ao và xổ phèn. Xả cạn nước sau đó bón vôi (nên dùng vôi nông nghiệp (CaCO3)) Sau khi bón vôi, phơi mặt trảng từ 5 – 7 ngày đến khi có hiện tượng nứt chân chim. Diệt khuẩn nguồn nước bằng Iodine với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì. Sau đó tiến hành gây màu nước, tốt nhất nên gây màu nước bằng phương pháp ủ lên men, không nên sử dụng phân bón. Trong trường hợp ao khó gây màu nước, hay màu nước không được bền thì có thể bổ sung các loại khoáng chất, hoặc sử dụng màu giả cho ao nuôi. Kiểm tra và điều chỉnh các yếu tố môi trường sao cho hợp lý nhất: pH 7,5 – 8,5, độ kiềm 80 – 120 mg/l, độ mặn 15 – 25‰, độ trong 35 – 45 cm, H2S < 0,03 mg/l, NH3 < 0,1 mg/l, nhiệt độ từ 28 – 31oC.

Hỏi: Trong nuôi tôm sú thâm canh, làm thế nào để quản lý ao nuôi hiệu quả?

(Phan Thị Hoàng Liên, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau)

Trả lời:

Ở giai đoạn mới đầu thả cho tôm ăn từ 5 – 6 bữa/ngày sử dụng các loại thức ăn công nghiệp bột mịn. Khi tôm khoảng 15 ngày tuổi thì thực hiện cho tôm ăn bằng sàng. Nên theo dõi tình trạng tôm thường xuyên để điều chỉnh và cho ăn hợp lý tránh dư thừa hoặc thiếu thức ăn.

Thường xuyên theo dõi và quan sát tôm để phát hiện những biểu hiện bất thường từ đó đưa ra phương pháp xử lý kịp thời.

Định kỳ kiểm tra độ pH, độ mặn, độ trong, nhiệt độ và hàm lượng ôxy trong ao nuôi để điều chỉnh phù hợp.

Bổ sung thêm vào khẩu phần thức ăn các loại khoáng chất, vitamin cần thiết và men vi sinh có lợi, giúp tôm tăng sức đề kháng, ăn khỏe và nhanh lớn.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!