Minh bạch chuỗi cung ứng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Các thị trường đòi hỏi sản phẩm đảm bảo ATTP ngày càng cao và bền vững đã đặt ra yêu cầu phát triển mạng lưới cung ứng với những mối liên kết chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả trong mọi tình huống. Ngành thủy sản không nằm ngoài xu hướng đó.

Thực trạng yếu kém

Nghiên cứu của Viện Kinh tế – Xã hội TP Cần Thơ vừa công bố cho hay, thực trạng liên kết ngành thủy sản còn rất yếu. Hai sản phẩm chủ lực thì khá hơn là với cá tra, khoảng 80% diện tích nuôi đã liên kết doanh nghiệp – nông dân. Còn ngành tôm, hình thành được chuỗi liên kết theo hướng doanh nghiệp cung ứng đầu vào và thu mua tôm cho nông dân. Các chuỗi liên kết này mới ở phạm vi nguồn cung, chưa phát triển ở đầu ra thị trường. Lâu nay, chúng ta quan hệ làm ăn theo truyền thống, hơn là việc hợp tác mở rộng ký kết các hợp đồng và có chính sách phát triển thị trường phù hợp.

Sơ đồ cụm ngành thủy sản ĐBSCL theo VCCI Cần Thơ, chỉ có lợi thế cạnh tranh về điều kiện tự nhiên, còn lại nhiều khâu yếu và trung tính. Ảnh: VCCI Cần Thơ

Bà Trương Thị Lan, Trưởng Phòng Chính sách Xúc tiến Thương mại thuộc Cục Xúc tiến Thương mại của Bộ Công thương phân tích, vấn đề lớn của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL nói chung và thủy sản nói riêng là sản xuất và thị trường chưa có sự kết nối chặt chẽ. Điều này xuất phát từ nguyên nhân lớn nhất là sản xuất chủ yếu tự phát, chưa gắn với thị trường, với chuỗi giá trị ngành hàng.

Chủ trang trại, HTX, hộ sản xuất vẫn tập trung bán hàng qua hệ thống thương lái, chưa được đóng gói, phân loại, bảo quản đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Các doanh nghiệp kinh doanh phát triển chưa mạnh dạn xây dựng vùng nguyên liệu, tuân thủ việc cung cấp mã số nhận diện nuôi trồng do những bất ổn về thị trường.

Việc tuân thủ các chuẩn mực “xanh” và tiêu chuẩn “xanh” đang được xem là yêu cầu như một xu hướng bắt buộc mới tại nhiều thị trường nhập khẩu và tiêu thụ thủy sản thì nhận thức của nông hộ và doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Nhất là phát triển kinh tế xanh trong chuỗi sản xuất, chế biến còn thiếu đồng bộ, thiếu toàn diện và gặp phải những rào cản về nguồn vốn, nhân lực, khoa học và công nghệ.

Những phân tích trên càng thấy khá rõ ở lĩnh vực nuôi tôm nước lợ. Số liệu của Cục Thủy sản, đến nay mới có 8,2% số cơ sở nuôi tôm nước lợ được cấp mã số nhận diện. Địa phương cấp được mã số nhận diện cho cơ sở nuôi tôm nhiều nhất là tỉnh Kiên Giang cũng chỉ đạt 58,2%. Tình hình không tiến triển trong mấy năm qua, do thực trạng nuôi nhỏ lẻ.

Ưu thế của mạng lưới cung ứng logistics

Phó Viện trưởng Viện Quản trị Logistics Toàn cầu (GLI) Trần Chí Dũng cho hay, từ chuỗi cung ứng trước đây phát triển đến nay đã hình thành mạng lưới cung ứng. Chuỗi cung ứng là sự sắp xếp giữa các công ty, liên kết chặt chẽ với nhau để đưa sản phẩm ra thị trường, trước đây có cấu trúc tuyến tính rất dễ bị đứt gãy và từ đó, đã hình thành các mạng lưới cung ứng với cấu trúc mạng.

Về liên kết, theo ông Dũng, các mạng cung ứng có liên kết hoàn toàn khác với cấu trúc chuỗi. Không những cho phép liên kết chặt chẽ hơn mà còn linh hoạt hơn, sự độc quyền, đơn kênh bị bãi bỏ, thay vào đó là chia sẻ thông tin và hỗ trợ tối ưu hóa, chọn con đường ngắn nhất ra thị trường cho các thành viên trong mạng lưới. Và để làm điều đó, không gì thay thế được một cấu trúc thông tin chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định một cách có cơ sở (dựa trên phân tích dữ liệu).

Ông Dũng phân tích sâu vào giải pháp logistics để có thể hình dung thêm về mạng lưới cung ứng. Truyền thống logistics là các việc cần thiết để vận chuyển và tồn trữ hàng hóa xuyên suốt chuỗi cung ứng; nhưng hiện nay, logistics là đường dẫn của sản phẩm ra thị trường, trong đó sử dụng các loại công nghệ đạt hiệu quả cao.

Giải pháp logistics hiện nay không chỉ đơn thuần là kho vận mà phải hỗ trợ được toàn bộ các khâu từ lập kế hoạch, dự báo thị trường, kiểm tra chất lượng sản phẩm, đến hỗ trợ mua hàng, vận chuyển hàng hóa. Hỗ trợ bán hàng là bán hàng đa kênh, vận chuyển đa phương thức, thực hiện đơn hàng tự động hóa cao. Đồng thời, kiểm định và phân tích kỹ thuật, dịch vụ sau bán, xử lý phế thải, thống kê và phân tích.

“Ngoài ra, còn một điểm lưu ý nổi bật sẽ là giải pháp tích hợp trực tiếp với trực tuyến (O2O). Hệ thống logistics cần được kết nối thông tin toàn diện, thậm chí với hạ tầng thông tin truyền thông riêng để bảo đảm năng suất, an ninh, bảo mật”, ông Dũng nhấn mạnh.

Yêu cầu của liên kết

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phân tích sâu về chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Chuỗi là một loạt các hoạt động sản xuất kinh doanh có liên kết với nhau, từ việc cung cấp đầu vào, sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến và cuối cùng là bán sản phẩm cho người tiêu dùng.

Gồm có liên kết ngang là liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu (trồng trọt/chăn nuôi/nuôi trồng…), nhằm giảm chi phí, tăng số lượng, chủng loại hàng bán đa dạng, thương hiệu, cùng hưởng lợi ích. Liên kết dọc là liên kết giữa các tác nhân trong các khâu khác nhau của chuỗi (HTX sản xuất, cơ sở sơ chế/chế biến, cơ sở phân phối tiêu thụ). Liên kết dọc thông qua hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nhằm tới lợi ích: Giảm chi phí chuỗi, có cùng tiếng nói của những người trong chuỗi, tất cả thông tin thị trường đều được các tác nhân biết được để sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo niềm tin sản phẩm an toàn, cùng chia sẻ lợi ích.

Chuỗi liên kết phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng, ATTP. Bởi vì, chất lượng tạo thịnh vượng; tạo giá trị gia tăng, làm nên thương hiệu thực phẩm. ATTP để đảm bảo sức khỏe nhân dân, và mở cửa thị trường. Minh bạch về chất lượng và ATTP, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ để tạo niềm tin của người tiêu dùng. Khi đảm bảo chất lượng, an toàn minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm sẽ phát triển bền vững ngành nông nghiệp, kinh tế xã hội đất nước.

Để nâng cao chất lượng, ATTP chuỗi liên kết, từng khâu trong hệ thống có trách nhiệm cụ thể. Đối với chủ thể sản xuất kinh doanh phải xây dựng hệ thống tự quản theo các tiêu chuẩn: VietGAP, ISO, HACCP… Đối với hệ thống thực phẩm phải kiểm soát quá trình dựa trên khung phân tích nguy cơ: Đánh giá nguy cơ, truyền thông nguy cơ và quản lý nguy cơ.

>> Ngày 28/3/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 300/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030. Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, dựa trên lợi thế địa phương; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc gia; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam và toàn cầu.

SÁU NGHỆ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!