(TSVN) – Là một trong những đơn vị hàng đầu về lĩnh vực thủy sản, nhiều năm qua, Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long đã tập trung việc sâu chuỗi chặt chẽ nguồn tài nguyên con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học và phục vụ kỹ thuật. Năm 2020, một trong những thành công nổi bật của Thăng Long đó là nghiên cứu và triển khai thành công mô hình nuôi TLSS (Thang Long Smart System).
Từ năm 2012, Thăng Long đã thành lập bộ phận kỹ thuật ứng dụng nhằm tìm hiểu về nghề nuôi thủy sản và phát triển các mô hình nuôi phù hợp với từng điều kiện và từng khu vực cụ thể tại Việt Nam. Trong những năm qua, những cán bộ kỹ thuật của Công ty không ngừng tìm hiểu, cải tiến và thử nghiệm các phương án kỹ thuật tại các trại nuôi thực nghiệm ở các tỉnh Ninh Thuận, Tiền Giang, Sóc Trăng; đến năm 2020 Công ty chính thức triển khai mô hình nuôi TLSS (Thang Long Smart System).
Mô hình nuôi mới của Thăng Long mang lại các ưu điểm như: Đội ngũ kỹ sư thủy sản có đủ kinh nghiệm từ khâu tư vấn thiết kế đến vận hành quy trình; mô hình có thể áp dụng được với những trang trại có diện tích không lớn, chi phí đầu tư ban đầu thấp; các công trình hệ thống nuôi được thiết kế đảm bảo tính an toàn sinh học; quá trình nuôi được chia ra nhiều giai đoạn nên thuận tiện cho khâu chăm sóc quản lý và đặc biệt là mô hình TLSS giúp người nuôi giảm thấp chi phí giá thành sản xuất so với nhiều phương pháp nuôi hiện tại. Dưới đây là một vài điểm chính trong mô hình nuôi TLSS.
Khi lựa chọn khu vực xây dựng trang trại nuôi áp dụng mô hình cần lưu ý 3 điểm quan trọng nhất đó là:
– Phải đảm bảo nguồn nước sạch dồi dào, độ mặn không thấp hơn 10 ppt trong suốt quá trình nuôi;
– Tổng diện tích đất để quy hoạch bố trí công trình nuôi tốt nhất không nhỏ hơn 1,5 ha;
– Hệ thống giao thông thuận lợi, có nguồn điện lưới tốt.
Trong mô hình nuôi phần lớn diện tích được bố trí cho khâu chứa lắng, xử lý và chuẩn bị nước sạch cung cấp cho ao nuôi. Tổng diện tích nuôi tôm chỉ chiếm khoảng 15 – 20%.
Kỹ thuật xử lý nguồn nước được xem là khâu quan trọng bậc nhất, đây được coi là “xương sống” trong quy trình nuôi TLSS. Trong quy trình nguồn nước được chia ra làm 4 cấp độ xử lý trước khi được đưa vào ao nuôi tôm.
– Cấp độ 1 (chứa lắng): Nước từ ngoài được cấp vào trong hệ thống ao chứa, trong quá trình này toàn bộ các sinh vật tạp như cá, động vật thân mềm, 2 mảnh vỏ được loại bỏ ra khỏi nguồn nước.
– Cấp độ 2 (xử lý diệt khuẩn lần 1 và lắng trong nước): Tùy theo mức độ đục, nhiễm phèn của nguồn nước mà sử dụng thuốc tím với nồng độ 2 – 4 ppm. Trong giai đoạn này có thể xây dựng hệ thống lưới chắn để giảm bớt độ đục của nước trong quá trình lưu chuyển dòng nước.
– Cấp độ 3 (xử lý diệt khuẩn lần 2): Đây là khâu diệt khuẩn, khử trùng chính trong quy trình xử lý nước. Nước sau khi ở cấp độ 2 qua được diệt khuẩn bằng Chlorine với nồng độ 10 – 15 ppm.
– Cấp độ 4 (nước sạch): Qua 3 cấp độ nguồn nước đến hệ thống chứa nước sạch và trong, không có chất lơ lửng và sẵn sàng để đưa vào trong hệ thống ương hoặc nuôi của tôm.
Trong giai đoạn đầu tiên, tôm được ương nuôi trong hệ thống bể bạt tròn, được che chắn cẩn thận với hệ thống lưới bao quanh. Mật độ ương thường dao động 2.000 – 3.000 con/m3, sau thời gian 20 – 25 ngày, tôm đạt size 1.500 – 2.500 con/kg tiến hành chuyển sang giai đoạn nuôi thương phẩm chính thức.
Quản lý cho ăn ở giai đoạn tôm post được đánh giá là cực kỳ quan trọng, vì điều này không những đảm bảo tốc độ tăng trưởng ở giai đoạn ương gièo mà còn liên quan tới quá trình phát triển của tôm ở các giai đoạn nuôi thương phẩm sau này. Hiểu rất rõ điều này nên Thăng Long đã cho ra mắt sản phẩm Baccarat Fast; đây là thức ăn được xây dựng với nguồn nguyên liệu và công thức đặc biệt chuyên dùng cho giai đoạn ương gièo.
Sản phẩm với những ưu điểm vượt trội:
– Sản xuất bằng công nghệ ép đùn giúp tôm hấp thu dinh dưỡng tốt nhất;
– Công thức dinh dưỡng đặc biệt giúp tôm phát triển nhanh;
– Độ tan phù hợp hạn chế làm dơ nước trong suốt quá trình ương;
– Tôm phát triển đồng đều, hạn chế hiện tượng phân đàn.
Đây được xem là giai đoạn nuôi thúc tôm và chiếm phần chính chi phí sản xuất trong thời gian này. Do đó, kỹ thuật viên cần phải lựa chọn nguồn thức ăn, chế phẩm sinh học và các chất bổ sung phải đảm bảo chất lượng giúp tôm tăng trưởng tốt và tiết kiệm chi phí.
Mật độ nuôi ở giai đoạn này thường dao động khoảng 200 – 500 con/m2 (Nếu mật độ nuôi trên 300 con/m2 thường sẽ chuyển qua thêm giai đoạn nữa vào thời điểm tôm đạt cỡ trung bình khoảng 200 con/kg). Giai đoạn này tôm được nuôi trên ao lót bạt HDPE, diện tích nuôi được khuyến cáo nên duy trì ở mức 800 – 1.200 m2/ao. Sau thời gian nuôi khoảng 60 – 70 ngày, size tôm đạt khoảng 30 – 40 con/kg thì tiến hành thu hoạch.
Nguyễn Khắc Hải