Mở rộng cơ hội cho nông sản Việt tại Israel

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhà nước Israel từ ngày 23 – 25/7, ngày 25/7, tại Tel Aviv; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cùng chứng kiến Lễ ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) giữa Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat.

Đây là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Việt Nam ký kết với một nền kinh tế Trung Đông, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Israel (1993 – 2023).

Hiệp định VIFTA chính thức được ký kết vào ngày 25/7/2023, mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường này; Ảnh: VGP

Ý nghĩa to lớn

VIFTA là một hiệp định toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và Israel cùng quan tâm như thương mại hàng hóa, dịch vụ – đầu tư, quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật, hải quan, mua sắm chính phủ…

Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại với tỷ lệ tự do hóa tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế, hai bên kỳ vọng rằng thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.

Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh của mình sang không chỉ Israel mà còn có điều kiện tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.

Ở chiều ngược lại, hàng hóa và công nghệ của Israel sẽ không chỉ có cơ hội tiếp cận với thị trường trên 100 triệu dân của Việt Nam mà thông qua Việt Nam còn có cơ hội tiếp cận thị trường các nước khu vực ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn trong 16 FTA mà Việt Nam là thành viên.

VIFTA sẽ tạo tiền đề để hai bên tiếp tục khởi động đàm phán, tiến tới ký kết các hiệp định khác như Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước

Cơ hội mở rộng giao thương

Theo Bộ Công thương, Israel nằm ở khu vực Tây Nam Á. Với khu vực này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam chưa cao, song Việt Nam vẫn đang nỗ lực hết sức để mở rộng thị trường bởi hàng hóa giữa hai bên có tính chất bổ sung cho nhau. Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Hy vọng sau khi FTA được ký kết và đi vào thực thi thì sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều đi lên.

Bên cạnh đó, với khu vực Tây Á, hiện Israel đóng vai trò như một bàn đạp để hàng hóa Việt Nam hiện diện rõ hơn ở khu vực Tây Nam Á. Nếu vào được thị trường Israel, hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội vào được rất nhiều các thị trường khác của khu vực. Ngoài ra, Israel là một nền kinh tế có công nghệ cao, đặc biệt trong nông nghiệp. Do đó, kỳ vọng FTA này không chỉ giúp khơi mở hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước mà còn giúp thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam – lĩnh vực ta rất cần và muốn phát triển nhưng sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường Israel; Ảnh: LHV

Như vậy xét về mặt quy mô thương mại và đầu tư, so với các FTA ta đã ký như FTA với EU, CPTPP…, VIFTA không có quy mô lớn nhưng lại có rất nhiều ý nghĩa trong việc hướng tới tương lai. Hiệp định này giúp ta vừa đa dạng hóa, đa phương hóa, mở rộng quan hệ thương mại với khu vực Tây Á, Tây Nam Á là khu vực mà Việt Nam vẫn đang có những quan hệ tương đối hạn chế và mong muốn được mở rộng. Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn đầu tư trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn.

Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung chia sẻ, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao – nông nghiệp thông minh cũng là một trong những điển hình về mô hình hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Israel. Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu và những yêu cầu ngày càng cao của các thị trường tiêu thụ nông sản trên thế giới về số lượng, hình thức, chất lượng, chủng loại nông sản như hiện nay, các địa phương của Việt Nam có thể hợp tác chặt chẽ với Israel để tìm giải pháp mới trong nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng công nghệ, nhằm tạo ra năng suất cao, cải thiện giống cây trồng, cải thiện chất lượng bảo quản sau thu hoạch, qua đó nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thế giới.

Theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 785,7 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD. Mỗi năm có khoảng trên dưới 70 mặt hàng các loại của Việt Nam được xuất khẩu sang Israel. Năm 2022, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm có điện thoại di động và linh kiện đạt 293,2 triệu USD; thủy, hải sản đạt 80,4 triệu USD (gồm tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra…); nông sản các loại (như hạt điều đạt 59,8 triệu USD, cà phê đạt 24,3 triệu USD, gia vị các loại…); giày dép đạt 92,3 triệu USD; hàng dệt may đạt 32,8 triệu USD. Ngoài ra, còn có các mặt hàng xuất khẩu khác như: hàng điện tử, máy móc thiết bị điện, hàng gia dụng, đồ nhà bếp, nước giải khát, lương thực thực phẩm chế biến sẵn thuộc nhóm hàng khô, bánh kẹo, trái cây chế biến sấy khô và đóng hộp…

Tuy nhiên, để tận dụng được tiềm năng lớn này, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương cho rằng, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ về thị trường; sản phẩm của doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật của các thị trường. Hiện nay, nhiều FTA đòi hỏi các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, sử dụng nguồn nhân lực… song tất cả những điều đó, doanh nghiệp Việt còn rất yếu. Ngoài ra, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ để nắm được các nội dung của các FTA. Đồng thời, tận dụng tốt các hỗ trợ của nhà nước để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành… Doanh nghiệp cũng cần nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tìm hiểu để tận dụng được các ưu đãi về chứng nhận xuất xứ hàng hóa để tận dụng hiệu quả FTA. Có như vậy mới có thể tận dụng được ưu đãi của FTA.

>> Hiệp định VIFTA gồm 15 Chương và một số phụ lục đính kèm các chương với các nội dung cơ bản; như: Thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý - thể chế.

Vân Anh

(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!