Muốn vươn xa, phải hiện đại

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh vừa có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về việc chọn huyện đảo Lý Sơn làm thí điểm hiện đại hóa đội tàu khai thác. Đây là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, tuy nhiên, để thấy được hiệu quả cũng như sự “mặn mà” của ngư dân đối với mô hình này, cần thời gian để kiểm chứng.

Một chủ trương đúng

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, hiện đại hóa đội tàu xa bờ vừa là khâu đột phá quan trọng để phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng khẳng định: Việc thí điểm thay tàu gỗ thành tàu vỏ thép nhằm giúp ngư dân hành nghề đánh bắt xa bờ hiệu quả là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo. Trên thế giới, xu hướng hiện đại hóa tàu cá bằng việc thay tàu gỗ bằng tàu bọc thép, sắt hay các vật liệu khác (không phải là gỗ) đã trở thành xu hướng phổ biến mang tính tất yếu và đã cho thấy hiệu quả lớn trong khai thác xa bờ. Một nền công nghiệp khai thác hiện đại phải gắn với một phương thức, phương tiện khai thác hiện đại.

Để phát triển kinh tế biển, cần hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ – Ảnh: Huy Hùng

Theo ông Chu Duy Hạnh, Phó phòng quản lý tàu cá, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), muốn hiện đại hóa tàu cá cần thiết phải thay đổi tàu gỗ sang tàu sắt, tàu bọc thép. Bởi một con tàu được đóng hiện đại mới cho phép đồng bộ những trang bị hiện đại trên tàu nhằm đảm bảo cho tàu hoạt động an toàn và bảo quản sản phẩm tốt, nâng cao giá trị sản phẩm khai thác. Thay đổi được tư duy sử dụng tàu gỗ sang tàu thép hiện đại là một mục tiêu và thành quả quan trọng trong định hướng phát triển khai thác biển ở Việt Nam hiện nay. Làm được điều này sẽ làm thay đổi bộ mặt ngành khai thác hải sản nước ta.

Trên thực tế, đội tàu khai thác của nước ta hiện có khoảng 132.000 tàu đánh cá các loại, trong đó có gần 23.000 tàu, thuyền đánh bắt xa bờ, phần lớn chưa được trang bị hiện đại và an toàn, làm ảnh hưởng hiệu quả khai thác. Trong khi việc đóng mới tàu khai thác bằng gỗ tự nhiên sẽ cần một lượng gỗ rất lớn. Vì thế Nhà nước khuyến khích ngư dân đóng tàu bằng nguyên liệu khác như sắt, thép. Đây không chỉ là vấn đề liên quan đến hiệu quả kinh tế mà còn liên quan đến môi trường khi nguồn gỗ tự nhiên phải khai thác lớn để phục vụ đóng tàu. Do đó, việc đóng mới tàu thuyền bằng vật liệu sắt, thép cần được ủng hộ và triển khai, là một chủ trương có nhiều ý nghĩa dân sinh.

Hiện nay, với sự hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh Quảng Ngãi cùng với Tập đoàn Vinashin đã ký kết đóng thí điểm 20 tàu bọc thép 600–800 mã lực để hỗ trợ ngư dân các địa phương ven biển, đảo gồm Bình Sơn, Tư Nghĩa, Đức Phổ và huyện đảo Lý Sơn. Trong đó, Lý Sơn sẽ được chọn làm mô hình thí điểm đầu tiên, sau đó sẽ được nhân rộng ra 28 tỉnh, thành ven biển. Tỉnh Quảng Ngãi đang hoàn thiện đề án trình Chính phủ phê duyệt theo hướng hỗ trợ lãi suất vay vốn cho ngư dân đóng mới tàu vỏ thép để vươn xa đánh bắt thủy sản.

 

Vẫn cần thời gian

Việt Nam là một quốc gia có truyền thống khai thác biển từ lâu đời. Tàu thuyền bằng vỏ gỗ đã trở thành ý niệm gắn sâu đối với ngư dân bao đời nay. Việc thay đổi tư duy sử dụng không phải là vấn đề sớm chiều. Với số lượng tàu thuyền không nhỏ đang hoạt động trên biển Việt Nam và vươn xa liên kết khai thác ở vùng biển nước ngoài, để thay mới toàn bộ theo hướng hiện đại hóa quả thật không phải là việc dễ trong khi bài toán kinh tế cũng là một cản trở.

Theo kết quả tính toán, để đóng mới một con tàu công suất 400 mã lực bằng gỗ, người dân phải chi phí khoảng 3,5 tỷ đồng. Nhưng với mức phí đóng tàu của Vinashin hiện nay, để đóng một con tàu 400 mã lực bọc thép cần khoảng 4,5 tỷ đồng. Đó là một khoảng cách lớn về kinh phí mà người dân nếu không được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước cũng như tạo điều kiện về chính sách vay vốn ngân hàng thì sẽ khó để thực hiện.

Bên cạnh đó, việc hiện đại này còn liên quan đến cơ cấu ngành nghề cũng như hình thức khai thác. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng: cần phải xem xét kỹ mô hình sản xuất phải gắn với các tổ, đội, dịch vụ hậu cần nghề cá thì mới đảm bảo bền vững. Đội tàu vỏ thép thí điểm này cũng cần tính toán, cân nhắc phù hợp với ngành nghề chứ không ưu tiên hiện đại đội tàu cho nghề giã cào đôi. Hiện tại, các nước trong khu vực đã cấm nghề giã cào đôi. Việt Nam cũng đang tiến tới cấm nghề này bởi lẽ dễ làm cạn kiệt nguồn thủy sản ven bờ và ảnh hưởng môi trường sinh thái biển.

Nhận thức được điều này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính đã góp nhiều ý kiến cho đề án thí điểm thay tàu gỗ thành tàu sắt sát với thực tế, đội tàu hiện đại phải gắn với mô hình hợp tác xã, tổ đội ngư dân, ngư dân được tập huấn bài bản, liên kết “ba nhà”: nhà nước – ngư dân – doanh nghiệp đảm bảo tiêu thụ đầu ra thủy sản ổn định. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng chỉ đạo, các bộ, ngành trung ương cần phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi rà soát, điều chỉnh đề án hiện đại hóa tàu cá xa bờ với phương thức sản xuất đảm bảo hiệu quả kinh tế, sát với thực tiễn để trình Thủ tướng quyết định và triển khai trong thời gian sớm nhất.

>> Tỉnh Quảng Ngãi hiện có gần 6.000 tàu cá, trong đó có 1.600 tàu công suất trên 90 CV hoạt động vùng biển xa bờ, nhất là ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Sắp tới, tỉnh sẽ đóng thí điểm 20 tàu vỏ thép công suất lớn (600 đến 800 CV) và 2 “tàu mẹ” làm nhiệm vụ dịch vụ hậu cần thu mua thủy sản, cung ứng nhiên liệu cho các tổ, đội tàu xa bờ hoạt động trên biển.

Thu Hiền

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!