T4, 22/11/2023 07:56

Mỹ: Không nên “đổ thừa” cho tôm Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sau khi nhận được đơn cáo buộc tôm nhập khẩu “tấn công” tôm nội địa từ Hiệp hội Chế biến Tôm Mỹ (ASPA), ngày 15/11, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo sẽ tiến hành điều tra sơ bộ thuế chống bán phá giá (AD) và thuế đối kháng (CVD) đối với tôm nhập khẩu mà ASPA đề cập trong đơn. Cùng ngày, DOC đã tổ chức một phiên điều trần.

Tôm nhập khẩu được “bênh vực”

“Những người khai thác tôm ở Mỹ đang vật lộn với giá thị trường vô cùng thấp. Nhưng lý do chính không phải sự cạnh tranh từ tôm nhập khẩu. Tôm nhập khẩu là sân chơi hoàn toàn khác”. – Đó là nhận định của các lãnh đạo thuộc nhà phân phối thực phẩm Performance Food Group (PFG) và chuỗi siêu thị lớn Publix Markets cùng nhiều nhân chứng khác trong phiên điều trần ngày 15/11 về việc ASPA đệ đơn yêu cầu áp thuế chống bán phá giá lên tôm nhập khẩu từ bốn quốc gia Ecuador, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam; và thuế đối kháng đối với tôm từ Ecuador và Indonesia vào ngày 25/10.

ASPA đệ đơn yêu cầu áp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng lên tôm nhập khẩu từ Ecuador, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam. Ảnh: Shutterstock

Ông Mike Seidel, Phó Chủ tịch PFG phụ trách thu mua, cho biết: “Thời gian vừa qua, giá tôm lao dốc bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề ngân hàng tăng lãi suất và người nuôi thắt chặt chi tiêu giữa bối cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế. Hiện nay các nhà sản xuất và người nuôi tôm tại Mỹ đang đổ lỗi cho tôm nhập khẩu là tác nhân trực tiếp dẫn tới doanh số và giá tôm nội địa giảm nghiêm trọng. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận tôm tự nhiên và tôm nuôi là hai sản phẩm hoàn toàn khác nhau với những tệp khách hàng khác nhau”.

Những tranh cãi nảy lửa

Ngày 15/11, tại phiên điều trần, bà Elizabeth Drake – luật sư đại diện của ASPA – phát biểu: “Sản xuất và khai thác đang giảm, giá chạm đáy, lợi nhuận bằng 0. Toàn ngành, kể cả ngư dân khai thác và các nhà chế biến dọc Vịnh Mexico và Đại Tây Dương, đang đứng trên bờ vực thẳm. Nhiều tháng qua, bất cứ khi nào tôi gặp các chủ tàu, chủ thuyền, ngư dân và nhà chế biến, họ đều than vãn về tình hình vô cùng khó khăn”.

Theo bà Drake, nguyên nhân chính khiến ngành tôm nội địa rơi vào tình cảnh này là sự xuất hiện ồ ạt của tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam với các chương trình trợ cấp từ Chính phủ Mỹ. Bà dẫn chứng, tôm nhập khẩu tăng 15,6% từ 2020 đến 2022, và giành giật thị trường của các nhà sản xuất tôm trong nước. Mỹ nhập khẩu 70.727 tấn tôm, trị giá 579,4 triệu tấn vào tháng 9/2023, tăng 9% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước. 

Tại phiên điều trần, ông Trey Pearson, Chủ tịch ASPA kiêm Tổng giám đốc công ty JBS Packing chuyên cung cấp thủy sản khai thác, cho biết: “Năm 2022, cứ mỗi một pound tôm được khai thác từ vịnh và Đại Tây Dương, có tới 11 pound được nhập thêm từ bốn quốc gia Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam. Dường như tôm nhập khẩu cứ điểm nhiên tràn vào thị trường, lấy đi thị phần của chúng tôi một cách đơn giản. Giá tôm nội địa xuống thấp kỷ lục. Một ví dụ điển hình: cùng là tôm đông lạnh thành phẩm, nhưng giá niêm yết của hàng nhập khẩu thậm chí thấp hơn chi phí sản xuất của chúng tôi. Cuối cùng là, sản phẩm trong nước không cạnh tranh được, nhà chế biến không có doanh thu. Lợi nhuận “biến mất”.

Ông Waren Connelly, luật sư đại diện hai nhà sản xuất tôm lớn ở Ecuador – Santa Priscila và Songa – phát biểu: “Sau 20 năm “chiến đấu không ngừng nghỉ”, các nhà chế biến tôm Mỹ luôn bám vào luận điểm tập quán thương mại được cho là không công bằng và tình trạng sụt giá, giảm doanh thu, tôi nghĩ đến lúc nên giải quyết dứt điểm. Tại sao các nhà chế biến Mỹ không trang bị những máy móc cần thiết để tăng giá trị sản phẩm của họ, ví dụ như sản xuất tôm chế biến sẵn. Năm 2002, lợi tức hoạt động của họ là 0,9%. Năm 2010, vẫn là 0,9%. Tới 2019 con số này vẫn không thay đổi. Điều này minh chứng cho việc ngành tôm nội địa Mỹ đã thất bại trong việc đưa máy móc thiết bị vào sản xuất để gia tăng chuỗi giá trị, theo đó gia tăng lợi nhuận. Tôi đang không hiểu các nhà chế biến đã sử dụng tiền của họ vào việc gì”.

Đáp trả phát biểu của ông Connelly, phía luật sư của ASPA lên tiếng: các nhà chế biến tôm Mỹ trước đó đã cho biết do tôm nhập khẩu giành giật thị trường khiến họ kinh doanh thua lỗ nên không còn vốn để đầu tư thêm máy móc. 

Kế hoạch “phản kháng” bài bản của ASPA

Trả lời Undercurrentnews (trang tin thủy sản nổi tiếng của Mỹ), một chuyên gia thương mại cho biết việc ASPA đệ đơn kiến nghị vào ngày 25/10 là “màn mở đầu” trong 6 bước mà họ sẽ thực hiện để đạt được các quy định thuế quan đối với tôm nhập khẩu. Sự chấp thuận điều tra của DOC là bước thứ hai. Phiên điều trần ngày 15/11 là bước thứ ba để ITC tiến hành điều tra sơ bộ nhằm xác thực có đúng tôm nội địa đang bị tôm ngoại nhập “tấn công”. Dự kiến ITC sẽ có kết luận sơ bộ trước ngày 9/12/2023. 

Bước thứ tư là khi DOC tiến hành điều tra sơ bộ, sử dụng các dữ liệu do Chính phủ và các nhà sản xuất nước ngoài cung cấp, để kết luận có phải tôm nhập khẩu đang bán phá giá và được bảo trợ. Chuyên gia này cho biết: “Nếu kết luận của DOC xác nhận tính đúng đắn theo đơn kiến nghị của ASPA, thế giới sẽ được chứng kiến hình ảnh các nhà nhập khẩu buộc phải trả một khoản tiền cho sản phẩm nhập khẩu của mình”.

Bước thứ năm, DOC sẽ tiến hành điều tra cuối cùng, dựa trên những lập luận mang tính pháp lý của hai bên để xem xét và phân tích dữ liệu trước khi đưa ra quyết định. Bước thứ sáu, ITC sẽ thực hiện khâu cuối cùng trong tiến trình điều tra, đánh giá thiệt hại mà ngành tôm nội địa phải chịu do các chính sách thương mại bất công gây ra. Nếu ITC xác nhận sự việc này, thì khi đó các quy định về thuế chống bán phá giá và/hoặc thuế đối kháng sẽ được ban hành.

Ngày 25/10, Hiệp hội Chế biến Tôm Mỹ (ASPA) đệ đơn yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) phải áp thuế đối kháng lên tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ bốn quốc gia Ecuador, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam; và thuế chống bán phá giá đối với tôm từ Ecuador và Indonesia.

Đây không phải lần đầu tiên ngành tôm Mỹ yêu cầu áp thuế đối với tôm nhập khẩu. Tháng 12/2003, Liên minh Tôm miền Nam đã đệ đơn yêu cầu áp thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu từ Brazil, Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam. Kết quả là tháng 2/2005, các quy định thuế quan đã được ban hành. 

Tháng 12/2021, ASPA, thông qua Liên minh Ngành tôm vùng Vịnh (COGSI), đệ đơn yêu cầu áp thuế đối kháng lên tôm nhập khẩu từ Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam; tuy nhiên họ không thành công.

An Vy

(Theo Undercurrentnews, 

International Trade Administration)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!