“Năm 2012, vượt qua nhiều khó khăn, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 2,237 tỷ USD, giảm 6,6% so năm 2011. Năm 2013, ngành tôm cần sớm giải quyết những tồn tại về dịch bệnh, rào cản kỹ thuật… và khai thác thế mạnh xuất khẩu thị trường truyền thống, thị trường mới” – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn (ảnh) trao đổi với Chuyên san Con Tôm.
Những khó khăn của ngành tôm năm 2012 vẫn để lại hậu quả trong năm 2013. Chúng ta cần làm thế nào để né những ảnh hưởng đó trong năm nay, thưa ông?
2012 là năm nhiều khó khăn với ngành thủy sản nói chung, tôm nói riêng. Sản lượng và quy mô đã đạt mục tiêu kế hoạch, nhưng phấn đấu khá vất vả. Năm 2013 ngành tôm vẫn bị nhiều ảnh hưởng từ năm trước. Thứ nhất, ảnh hưởng về vốn, vì một số hộ nuôi tôm đang thiếu vốn nuôi tiếp do tổn thất nuôi từ trước, cũng vì thắt chặt tín dụng nên cả người nuôi lẫn doanh nghiệp đều thiếu vốn. Thứ hai, bệnh trên tôm có thể vẫn là một khó khăn. Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm và những hiểu biết về bệnh mà chúng ta đã có được cuối năm 2012, nếu các địa phương, hộ nuôi và doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉ đạo thì sẽ phòng ngừa, kiểm soát được bệnh tốt hơn năm ngoái. Thứ ba, về rào cản Ethoxyquin, không hy vọng Nhật Bản hay Hàn Quốc gỡ bỏ, cơ bản là nội lực chúng ta. Nếu người nuôi và doanh nghiệp cùng làm đúng quy trình ngành chức năng hướng dẫn, trên cơ sở đã có kinh nghiệm bước đầu, thì hoàn toàn có thể vượt qua.
Những thuận lợi, khó khăn chính của ngành tôm năm 2013 là gì, thưa ông?
Năm 2013, khó khăn vẫn còn nhiều, đồng thời thuận lợi không ít. Nếu chúng ta vượt qua rào cản Ethoxyquin thì xuất khẩu tôm bớt khó hơn, sẽ thuận lợi mở rộng thị trường và bứt phá hơn. Về rào cản Ethoxyquin, phải áp dụng các hướng dẫn cách nuôi, cách sử dụng thức ăn để vượt qua.
Người nuôi tôm đã có nhiều kinh nghiệm,, có khả năng thích nghi, biết phòng tránh và tìm được cách sống chung với bệnh tật trên tôm chủ động hơn. Nếu được các cơ quan chức năng trang bị thêm kiến thức, khi có dịch bệnh sẽ ứng phó kịp thời.
Về vốn, thời gian qua Thủ tướng đã đồng ý đưa tôm vào thực hiện chính sách vốn như với cá tra. Tất nhiên, để hiện thực hóa, ngân hàng phải chủ động sao cho chủ trương đó đi gần đến khách hàng cuối cùng.
Tuy nhiên, những khó khăn hiện nay, như Mỹ kiện “tôm Việt Nam bán phá giá”, có thể gây cản trở doanh nghiệp, ảnh hưởng đến xuất khẩu. Hơn nữa, giá tôm xuất khẩu của ta còn cao, cao hơn 2 – 4 USD/kg so với Indonesia, Ấn Độ; vật tư đầu vào cũng cao, dẫn đến khả năng cạnh tranh giảm; và cũng không ngoại trừ lý do kinh tế thế giới tiếp tục xấu, sức mua xuống.
Ông có thể cho biết mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ của ngành tôm năm 2013?
Mục tiêu là gia tăng sản lượng nuôi tôm nước lợ, đạt tổng sản lượng nuôi trồng nước lợ 530.000 tấn, diện tích 655.000 ha (tôm sú 340.000 tấn, chiếm 113,86% với diện tích 615.000 ha, đạt 99,29% so năm 2012; tôm thẻ chân trắng diện tích 40.000 ha, chiếm 104%, sản lượng 190.000 tấn, tăng gần 5%). Khắc phục những hạn chế của năm qua (vấn đề vốn, bệnh trên tôm, rào cản kỹ thuật, Ethoxyquin…); tập trung xuất khẩu vào thị trường truyền thống (Nhật, Mỹ, EU…) và mở rộng thêm thị trường (Singapore, Philippines, Đài Loan, Trung Quốc…), từ đó có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, sản lượng tôm toàn cầu giảm, một số nước sản xuất tôm chính (như Thái Lan) cũng sẽ bị giảm sản lượng do dịch bệnh…, cũng là cơ hội cho tôm Việt Nam.
Đẩy mạnh nuôi tôm theo VietGAP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2013
Các nhiệm vụ chính gồm: Đẩy mạnh nuôi tôm theo mô hình VietGAP, đào tạo VietGAP, hướng dẫn, nhân rộng mô hình nuôi hiệu quả. Tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi, xử lý ao đầm thiệt hại do dịch bệnh. Lập kế hoạch cung cấp giống, tập trung chỉ đạo cơ sở sản xuất giống chuẩn bị đủ số lượng đảm bảo chất lượng phục vụ kịp thời nhu cầu giống đầu vụ. Bên cạnh đó, tổng kiểm tra chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất tôm giống, kiểm soát chặt chất lượng tôm giống, ngoài các tác nhân gây bệnh (đốm trắng, đầu vàng, MBV…).
Định hướng của Tổng cục Thủy sản là đề nghị Bộ, Chính phủ cho tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm, hệ thống thủy lợi phục vụ thủy sản, đầu tư trong lĩnh vực giống thủy sản. Tổ chức lại hệ thống thống kê, dự báo nhanh từ Tổng cục đến chi cục, hiệp hội, chia sẻ thông tin tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ, giá cả, để các cơ sở sản xuất chế biến điều chỉnh kế hoạch sản xuất.
>> “Nếu chúng ta vượt qua rào cản Ethoxyquin thì xuất khẩu tôm bớt khó hơn, sẽ thuận lợi mở rộng thị trường và bứt phá hơn. Về rào cản Ethoxyquin, phải hướng dẫn cách nuôi, cách sử dụng thức ăn thế nào để vượt qua đó”. |