T4, 01/11/2023 07:54

Nắm bắt tín hiệu thị trường

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trải qua gần một năm ảm đạm, nhưng những tháng cuối năm 2023, con tôm Việt Nam xuất hiện một số tín hiệu đáng mừng, hy vọng đem lại triển vọng tươi sáng hơn cho xuất khẩu ngành hàng này vào cuối năm nay cũng như trong năm 2024.

Tín hiệu khả quan 

Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2022 lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng hơn 11% so năm 2021. Tuy nhiên, năm nay tình hình không mấy khả quan khi xuất khẩu sang các thị trường chính đều đồng loạt giảm, bên cạnh đó là sự cạnh tranh về giá bán từ các quốc gia khác như Ecuador và Ấn Độ. Tính đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt khoảng 2,6 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so cùng kỳ. Nhiều chuyên gia nhận định, sản lượng tôm vẫn sẽ tăng, đạt khoảng 1 triệu tấn các loại. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu khó đạt được như năm 2022. 

Nhu cầu tôm tại hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng. Ảnh: PTC

Tuy nhiên, theo ghi nhận, những tháng gần đây, kết quả xuất khẩu tôm có dấu hiệu hồi phục. Hai thị trường chủ lực là Mỹ, Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và xuất khẩu của Việt Nam sang 2 thị trường lớn này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Bên cạnh đó, một số thị trường như Nhật Bản, Australia, Canada cũng tăng cường nhập tôm từ Việt Nam. 

Với thị trường Trung Quốc, tháng 8/2023, kinh tế của quốc gia này có sự cải thiện rõ rệt. Trong quý III/2023, tăng trưởng tại thị trường sẽ đạt tốc độ cao hơn nữa khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này bước vào cao điểm mùa mua bán. Mặc dù, còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, cộng với tác động từ xung đột Nga – Ukraina, nền kinh tế Trung Quốc vẫn trụ vững và trên đà phục hồi là tín hiệu đáng mừng. Nhu cầu về du lịch, khách sạn, nhà hàng đang hồi phục và tăng trưởng. 

Chia sẻ về tín hiệu khả quan đối với mặt hàng thủy sản, bà Phan Thị Bảo Tiên, Trưởng phòng Kinh doanh Thịnh Phú Aquatic chia sẻ, giữa tháng 9/2023, năm container hàng thủy sản chế biến, gồm: Tôm sú tẩm bột đông lạnh, tôm sú, bạch tuộc nguyên con đông lạnh, fillet cá chẽm đông lạnh… được đơn vị xuất khẩu sang Mỹ. Cuối tháng 9/2023, các container hàng tiếp theo tiếp tục được doanh nghiệp này xuất đi EU. Đơn hàng đang về nhiều hơn, cho thấy dấu hiệu thị trường nhập khẩu hàng thủy sản đông lạnh và chế biến đang ấm hơn những tháng trước. Với tín hiệu thị trường tốt lên, doanh nghiệp đang nỗ lực tăng tốc để hoàn thành các đơn hàng đã ký với đối tác, giao ngay trong quý IV/2023. 

Tận dụng thời cơ, gia tăng kim ngạch 

Theo các chuyên gia, trong những tháng cuối năm, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm cần tập trung thêm vào khâu quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm thế mạnh. Ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn nhằm chủ động nguồn hàng đảm bảo về số lượng và chất lượng phục vụ nhu cầu thị trường. Kịp thời tháo gỡ các rào cản kỹ thuật trong thương mại. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ… 

Trung Quốc được biết đến là thị trường tiêu thụ số 1 sản phẩm tôm hùm của Việt Nam; tuy nhiên, việc tiêu thụ tôm hùm chủ yếu theo đường tiểu ngạch. Do đó, người nuôi tôm hùm luôn gặp nhiều rủi ro khi giá cả lên xuống thất thường, bị thương lái o ép… Các doanh nghiệp thủy sản cho biết, xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng hẹp khi Trung Quốc đang dần áp dụng những điều kiện nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu. Vì vậy, việc đưa tôm hùm xuất khẩu chính ngạch là rất cần thiết. Do đó, nhằm đảm bảo thuận lợi trong việc xuất khẩu tôm hùm chính ngạch sang Trung Quốc, quan trọng là cần tạo liên kết sản xuất, thu mua, xuất khẩu tôm hùm gắn với truy xuất nguồn gốc. Để xây dựng thành công các mô hình liên kết này, ngành thủy sản sẽ tập trung hỗ trợ các bên có liên quan tham gia chuỗi tiếp cận những chính sách hỗ trợ; hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ trong nuôi trồng thủy sản; triển khai tốt quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để phát triển vùng nguyên liệu; tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thu mua, xuất khẩu kết nối với người nuôi tôm hùm. Cùng đó, doanh nghiệp phải được cấp mã số xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cấp; có chứng thư kiểm dịch của các chi nhánh của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cấp. 

Ông Phạm Quang Huy, Tham tán nông nghiệp Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, sức mua tôm của thị trường Mỹ đang phục hồi trở lại. Thị trường này kỳ vọng sớm khởi sắc trong năm 2024. Bởi lạm phát của Mỹ dần được kiểm soát, thông tin thị trường và chính sách minh bạch, ổn định, góp phần tạo cơ hội thuận lợi khi xuất khẩu tôm sang thị trường này. Để phát triển xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ, đề nghị các doanh nghiệp trong nước tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu ương giống, sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, liên kết với các đối tác quốc tế nâng cao chất lượng tôm giống. Các đơn vị cần tập trung phát triển những loài tôm bản địa có tính đặc trưng mà đối thủ cạnh tranh không có. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện giám sát toàn bộ chuỗi sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm và nâng cao tính minh bạch. Phát triển các mô hình nuôi tôm giúp hạ giá thành sản phẩm, tiệm cận với giá của các đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt, tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn sản xuất, an toàn thực phẩm, ghi nhãn, đăng ký các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ. Lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng Mỹ. 

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!