T3, 12/03/2024 01:30

Ngành tôm và “vũ khí” từ chế biến sâu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo nhận định của các chuyên gia, ngành tôm Việt Nam đã vươn lên, khẳng định vị trí hàng đầu về đẳng cấp chế biến và lần lượt chiếm lĩnh các thị trường, thị phần tôm cao cấp, nhất là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Australia… Trình độ chế biến tôm của chúng ta đang không ngừng tăng, với mặt hàng mới ngày càng phong phú.

Nhiều lợi thế cạnh tranh

Hiện nay, các nước có lợi thế về tôm nguyên liệu giá rẻ như Ecuador, Ấn Độ đang định hướng chuyển sang phát triển về chiều sâu. Điều này khiến nhiều người lo ngại thế mạnh về chế biến của ngành tôm Việt Nam bị đe dọa. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Hồ Quốc Lực, chuyên gia trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu tôm, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (doanh nghiệp luôn thuộc top đầu về xuất khẩu tôm), hai cường quốc này đang hướng đến việc phát triển ngành tôm theo cả hai chiều là lượng và chất, đó là gia tăng sản lượng và trình độ chế biến. Cụ thể, Ecuador đã tập trung tăng sản lượng tôm trong cả thập kỷ qua và đã thành công vượt bậc. Ấn Độ cũng nỗ lực tăng sản lượng từ 2010 – 2015 và thành công khi đạt sản lượng một triệu tấn tôm vào năm 2020. Ecuador cũng đạt mức này trong năm sau đó.

Trình độ chế biến tôm của Việt Nam đang không ngừng tăng, với mặt hàng mới ngày càng phong phú. Ảnh minh họa

Thế nhưng, khả năng đẩy mạnh về “chất” của hai nước này ở hoàn cảnh khác biệt với ngành tôm Việt Nam. Theo vị chuyên gia này, Ecuador có lợi thế là nhiều doanh nghiệp gia tộc có năng lực tài chính lớn. Nhưng họ bị hai áp lực là phải chế biến hết lượng tôm nguyên liệu quá lớn và lao động ngành chế biến thiếu hụt trầm trọng. Trong khi đó, làm hàng chế biến sâu mất nhiều thời gian hơn, đòi hỏi trình độ lao động trong sản phẩm nhiều hơn, thậm chí gấp đôi hàng chế biến bình thường. Còn tại Ấn Độ, trong số hàng nghìn nhà máy chế biến, đa phần công suất chỉ ở mức vừa phải, khó tổ chức sản xuất để có nguồn hàng lớn cung ứng để các tổ chức phân phối, tiêu thụ lớn ở những thị trường chính. Ngành tôm Ấn Độ đã có những thành tựu ban đầu, nhưng mức độ vẫn còn thua xa ngành tôm chúng ta, có thể định lượng khoảng 5 tới 10 năm. 

Tôm Việt Nam đã vươn lên, khẳng định vị trí hàng đầu về đẳng cấp chế biến và lần lượt chiếm lĩnh các thị trường, thị phần tôm cao cấp, nhất là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Australia… Trình độ chế biến tôm của chúng ta đang không ngừng tăng, với mặt hàng mới ngày càng phong phú.

Một lợi thế khác cho ngành công nghiệp chế biến tôm của Việt Nam đó là việc lựa chọn con đường đi phù hợp, hay nói cách khác là lựa chọn điểm đến và thị trường thích hợp. Nếu như ngành tôm Ecuador và Ấn Độ chọn thị trường Mỹ và EU là điểm đến để kích cầu tiêu thụ, nhất là khi dung lượng nhu cầu hàng chế biến trung bình, khá ở hai thị trường này khá lớn; thì ngành tôm Việt Nam lại tập trung “tung” sản phẩm vào Nhật Bản và Hàn Quốc do có lợi thế địa lý lớn hơn so các nước khác; ngoài việc giữ vững thị trường Mỹ, EU, Australia… Tại những thị trường này, tôm Việt Nam có thu hút về mẫu mã đẹp, đồng đều và chất lượng ổn định và từ đó giữ vị thế đứng đầu. 

Ông Lực nhận định, việc đa dạng hóa hoạt động còn tùy tình hình cụ thể ở từng giai đoạn của từng doanh nghiệp. Nói chung, ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn đang làm tốt thế mạnh của mình và chưa thể kết luận là “tôm chế biến đang bị đe doạ trực tiếp”. 

Lộ trình thích hợp

Có nhiều lợi thế cạnh tranh là thế, nhưng ngành tôm Việt Nam nói chung, cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm nói riêng không thể “ngủ quên trên chiến thắng”, mà cần luôn nhanh nhạy, thích ứng với những biến động bất thường của thị trường. Một trong những giải pháp then chốt được đưa ra đó chính là cần chú trọng chế biến sâu hơn, đa dạng sản phẩm hơn và hạ giá thành sản xuất.

Các chuyên gia chia sẻ, hiện nay, nhu cầu người tiêu dùng cực kỳ đa dạng và xu thế hiện nay là sản phẩm “xanh”. Ngoài ra, các yêu cầu hiện ngày càng khắt khe, như thực phẩm phải bên ngoài đẹp mẫu mã, bên trong ngon, bổ và… càng rẻ thì càng tốt. Do đó tốc độ đi lên của trình độ chế biến tôm Việt sẽ phụ thuộc sự phối hợp từ bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của các doanh nghiệp với chuyên gia ẩm thực từng thị trường mà hình thành từng bước.

Và khi xu hướng “xanh” ngày càng được coi trọng nhất là sau COP26 và các cam kết của COP28 trong việc trung hòa carbon, việc duy trì diện tích tôm sinh thái như tôm – rừng, tôm – lúa, tôm quảng canh… (phát thải âm) sẽ là thế mạnh để nâng tầm tôm Việt trong tương lai. Hiện nay, Cà Mau rất chú trọng tôm – rừng, các tỉnh ven biển từ Kiên Giang chạy dọc tới Sóc Trăng chú trọng tôm – lúa, Cà Mau và Bạc Liêu còn diện tích nuôi quảng canh rất lớn… Tất cả đều là hướng đi bền vững. 

Đồng hành, chia sẻ

Có thể thấy rằng, ngành tôm Việt Nam hội tụ rất nhiều lợi thế song cũng phải đối diện với rất nhiều thách thức cần sớm được hóa giải và cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Chính vì vậy, ngành tôm thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các cấp, bộ, ngành từ Trung ương đến các địa phương; khi có rất nhiều hội thảo, hội nghị, sự kiện, diễn đàn được tổ chức để cùng nhau bàn giải pháp giúp ngành tôm phát triển bền vững.

Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam 2023 (VietShrimp 2023)

Đóng góp không nhỏ vào những nỗ lực này, Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam (VietShrimp) do Hội Thủy sản Việt Nam, Tạp chí Thủy sản Việt Nam phối hợp cùng một số đơn vị khác tổ chức đã trở thành sự kiện được mong chờ và đón nhận nhất của cộng đồng doanh nghiệp, người nuôi, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý những năm gần đây. Bởi, VietShrimp đã ra “sân chơi”, tạo cầu nối, là nơi chia sẻ, kết nối thông tin hữu ích nhất, giúp các bên trong chuỗi giá trị ngành tôm đồng hành cùng nhau, giúp ngành tôm phát triển mạnh hơn, bền vững hơn.

Qua 4 lần triển khai rất thành công, VietShrrimp 2024 (lần thứ 5) diễn ra từ ngày 20 – 22/3 tại Cà Mau, VietShrimp được kỳ vọng sẽ là một cú hích quan trọng để người nuôi tôm, các doanh nghiệp cùng đồng hành với tầm nhìn chung là phát triển ngành tôm Việt Nam bền vững, giàu sức cạnh tranh, tiếp tục chinh phục thị trường toàn cầu, giành nhiều thành công mới.

>> Sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng hiện chiếm 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Với công nghệ chế biến ngày càng phát triển, nhu cầu từ các thị trường gia tăng, việc phát triển các sản phẩm tôm giá trị gia tăng sẽ ngày càng được thúc đẩy theo chủ trương của Chính phủ và Bộ NN&PTNT.

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!