Nghe danh Bảy Lợi nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Thoạt nhìn ngỡ ông là một nông dân nghèo. Hỏi thăm đôi chút cứ ngỡ ông nói chuyện hoang đường. Phải đến tận lúc “mắt thấy tai nghe” mới hình dung nổi cái danh Bảy Lợi nuôi tôm lừng lẫy cả vùng.

 

 

Ông là Trương Đình Lợi, 60 tuổi, ngụ tại Tổ dân phố 5, thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ – Quảng Ngãi) – chủ nhân của 22 ha đầm nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, thu hoạch trung bình 20 tấn/ha/vụ (440 tấn/vụ) trên địa bàn 3 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Một nhà nông có nguồn thu nhập khổng lồ không chỉ từ tôm mà còn là nơi cung ứng nguồn thức ăn cho tôm dọc cả miền Trung, giải quyết nhu cầu lao động cho hàng trăm nhân công nghèo địa phương…

 

Bỏ nhà giáo làm nhà nông

Sinh ra từ mảnh đất nghèo An Nhơn (Bình Định), Bảy Lợi chỉ lo học rồi lựa chọn con đường nhà giáo. Vào năm 1976, lúc đó Nghĩa Bình (Quảng Ngãi – Bình Định) chưa tách làm hai, giáo trẻ Bảy Lợi được phân công ra tận huyện Đức Phổ, một trong những vùng quê nghèo khó nhất nhì tỉnh thời bấy giờ để giảng dạy.

Mười mấy năm đứng lớp ở trường làng cũng là khoảng thời gian Bảy Lợi nung nấu biết bao ý nghĩ làm giàu tại nơi đây. Năm 1991, Bảy Lợi quyết định xin nghỉ sớm theo chế độ.

Một buổi sáng đẹp trời, ông đang ngồi suy tính về con đường làm ăn rày mai cũng là lúc nhân viên tiếp thị hãng thức ăn cho tôm xuất hiện tại nhà. Tại đây, Bảy Lợi tự mình vẽ ra nhiều ý tưởng mới lạ từ những cánh đồng không mông quạnh toàn cát và gió biển. Ông tự hỏi, tại sao không nuôi tôm, nguồn thức ăn người ta mang đến tận nhà, kỹ thuật thì phải cố công tìm hiểu, nghiên cứu thôi. Ý tưởng làm giàu từ con tôm của Bảy Lợi có từ đó, những tháng đầu năm 2000.

Bắt đầu nhen nhóm từ những đồng tiền gom của gia đình đôi bên, Bảy Lợi quyết một phen từ việc làm cầu nối cho phía công ty chuyên cung cấp thức ăn cho tôm. Trong quá trình đi chào hàng sang các tỉnh lân cận như Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam… ông nghiên cứu cách nuôi tôm và theo dõi thời gian nuôi thả tại các địa phương này. Hai năm sau, Bảy Lợi đã mạnh dạn biến những đồi cát dọc bờ biển Đức Phổ thành đầm nuôi tôm hoành tráng.

Từ đó, Bảy Lợi bắt đầu nổi danh…

 

“Nghiệp” thuỷ sản

Chúng tôi tìm đến nhà Bảy Lợi không mấy khó khăn. Đến đầu huyện dừng hỏi đường đã gặp không ít câu chỉ đường, nhận xét: “Ở đây nói đến Bảy Lợi tôm ai chẳng biết. Ổng nuôi tôm giữ lắm, giàu kếch xù…”.

Với 22 ha diện tích đang thả tôm các loại (Bình Định 4 ha, Quảng Nam 6 ha, Quảng Ngãi 12 ha). Trung bình mỗi năm thu hai vụ tôm, mỗi héc ta tôm thẻ chân trắng của Bảy Lợi thu về trung bình trên dưới 20 tấn. Doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ. Bảy Lợi tâm sự: “Bỏ nghề nhà giáo là hết nghề truyền chữ, nhưng mình lại chọn nghề nuôi tôm và truyền lại cho tất cả nhân công chủ yếu là đối tượng nhà nông cái nghề kiếm gạo. Làm được thế là vui rồi, còn tiền bạc tiêu mấy cho vừa”.

Theo Bảy Lợi, ông đến với nghề nuôi tôm âu cũng là cái “duyên trời định”. “Khi đam mê con tôm rồi thì hết muốn làm gì nữa, cứ thế mà nhân rộng, mà đầu tư hết địa bàn trong tỉnh thì mình tìm sang tỉnh bạn. Ở đâu có môi trường nuôi tôm hợp lý thì nơi đó có người dân cần nhu cầu việc làm”, Bảy Lợi nói.

Cả 4 người con tốt nghiệp đại học nhưng rồi cùng về quê “nối nghiệp” cha ra đồng nuôi tôm. Vợ và con dâu tự chia nhau kinh doanh phần thức ăn cho tôm và bỏ mối trên dọc tuyến các tỉnh miền Trung. “Cứ đến nhà Bảy Lợi là ngửi thấy mùi… tôm”, hàng xóm Bảy Lợi nhận xét.

Vợ chồng ông Bảy Lợi kiểm tra hồ nuôi tôm

 

Ấp ủ nhiều dự định

Vợ chồng Bảy Lợi dẫn chúng tôi ra tham quan “đại công trường” tôm tại vùng biển Đức Phổ. Cơ man hồ tôm mênh mông, mặc dù còn tháng nữa mới đến vụ thu hoạch nhưng mỗi chùm lưới mà Bảy Lợi thả xuống là hốt lên cả thau tôm quẫy đành đạch. Bà Vân, vợ Bảy Lợi cho biết: “22 ha đầm tôm trên 3 tỉnh cũng chưa phải là điểm dừng của ổng đâu. Ổng đang sắp hoàn thành công trình tôm ngoài Quảng Trị lên đến 13 ha, ổng nói mình còn khả năng thì không nên dừng lại”.

Đội nhân công của Bảy Lợi chủ yếu có gốc gác từ nông dân nghèo, mới vào nghề được nuôi ăn uống và thu nhập tháng 3 triệu đồng. Còn những người theo Bảy Lợi nuôi tôm cả chục năm nay đều có vốn làm nhà, cưới vợ tại thành phố.

Bảy Lợi chia sẻ: “Gần một trăm công nhân nuôi tôm thì có đến một nửa số người tôi đã chia cổ phần cho họ. Phân nửa số hộ này không nhận tiền công hàng tháng mà đến thu hoạch mỗi vụ sẽ tự chia phần trăm trong đó. Công nhân của tôi khi có đủ kinh nghiệm, tay nghề rồi tôi đều tạo điều kiện cho họ làm như thế, ai cũng có đồng vốn của mình để dựng nghiệp”.

Ông đâu chỉ riêng tạo điều kiện cho công nhân của ông làm giàu. Vợ ông, bà Vân nói: “Nhà nông để có đồng vốn đầu tư nuôi tôm là rất khó, vì thế vợ chồng tôi luôn tạo điều kiện cung ứng cả thức ăn lẫn tôm giống cho bà con, đến vụ chúng tôi mua luôn tôm tại đồng đưa đi bán giúp và cứ thế dần dần họ trả hết nợ cho gia đình tôi và có vốn làm ăn”.

>> Sự giàu nghèo trên thực tế vẫn còn phân định rất rõ ràng. Những người giàu biết sẻ chia tình thương nhân loại cũng không ít. Mỗi người có mỗi cách nhường cơm sẻ áo khác nhau. Tỷ phú Bảy Lợi không cho nhà nông ăn một lần, ông chỉ muốn trồng lên cho nhà nông một cây sức sống, một động lực làm giàu bằng chính sức mình.

 

Việt Hương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!