T2, 06/07/2020 10:22

Nghề phơi cá ở Thọ Quang (Đà Nẵng)

Chưa có đánh giá về bài viết

Về Thọ Quang (quận Sơn Trà) vào một ngày nắng tháng 4, chúng ta có thể cảm nhận được mùi vị thơm nồng của những phên cá khô hòa quyện với vị mặn mòi của biển. Tất cả đã tạo nên một nét rất riêng cho miền biển nơi này.

Những phên cá thơm ngon trên vùng biển Thọ Quang. 

Những phên cá thơm ngon trên vùng biển Thọ Quang.

Vào những ngày mùa hè, trên vùng biển Thọ Quang cứ khoảng 4 -5 giờ sáng đã tấp nập người mua, kẻ bán cá, có người mua cá về ăn, có người mua buôn, lại có người mua cá về phơi khô… Nghề phơi cá khô ở Thọ Quang thường nhộn nhịp từ tháng 3 đến khoảng tháng 8 trong năm, còn sau thời gian này trời trở mưa, biển động thất thường và bà con không thể phơi được những mẻ cá ngon. Vì vậy, thời gian này về với vùng biển Thọ Quang, người dân và du khách có thể bắt gặp những phên cá ở dọc ngay các đường kiệt dẫn vào khu dân cư hay trên các bãi đất trống, thậm chí là trên các bãi biển. Cô Trần Thị Đừng (55 tuổi) làm nghề phơi cá gần 30 năm nay, cho biết: “Hồi trước, mỗi lần cha và con trai đi đánh bắt cá về chỉ biết rửa sạch, phơi khô rồi để ăn và dư thừa thì đem bán. Nay nhu cầu tiêu thụ ngày một cao đòi hỏi chế biến ra nhiều sản phẩm hơn. Đồng thời, quy trình chế biến cá cũng phải khắt khe hơn, từ khâu chọn mua cá, sơ chế, tẩm ướp gia vị, phơi cá và bảo quản”. Đang thoăn thoắt lật trở những con cá trên phên, chị Nguyễn Thị Hiếu (51 tuổi), nói: “Nếu trời cứ nắng to như thế này thì chỉ cần 2 nắng (ngày) là đủ, còn nắng yếu thì phải mất 3 – 4 nắng mới khô. Làm nhiều rồi quen tay lại bảo đảm vệ sinh nên khách hàng thích mua hơn. Hầu như mẻ cá nào khô là bán hết ngay mẻ đó…”. “Tiếng lành đồn xa”, những mẻ cá khô của Thọ Quang cứ thế được bán ở nhiều nơi như chợ Hàn, chợ Cồn, thậm chí vào đến các chợ ở Hội An…

Theo những người dân miền biển Thọ Quang, cá khô ở vùng này không theo một chủng loại nhất định bởi chồng con đi biển về được cá gì thì vợ con phơi cá ấy, khi thì cá nục, cá đét, cá cơm, cá chỉ vàng, cá đù, cá hố… và cả ruốc cũng phơi để đi bán. “Tuy vậy, nghề này cũng chỉ “lấy công làm lời” bởi cá tươi mua cũng có giá từ 15-35 ngàn/kg (tùy loại) và sau khi phơi khô bán với giá 80 – 250 ngàn/kg (tùy loại và chất lượng cá). Trong khi, trung bình khoảng 5kg cá tươi mới phơi ra thành phẩm được 1kg cá khô.  Như vậy, trừ chi phí, công cán thì cũng chẳng lời lãi được bao nhiêu”, cô Đừng nhẩm tính. Chị Võ Thị Lựng, 38 tuổi, quê Thăng Bình (Quảng Nam) ra đây phơi cá thuê, cho biết: “Công việc này làm suốt ngày từ sáng đến tối. Từ khâu mua cá về, ngồi cứng lưng xẻ cá đến việc phơi mình dưới nắng nóng để cho cá ra giàn… làm việc vất vả cả ngày, xương và vi cá đâm chảy máu cả tay”. Nhọc nhằn là thế nhưng với những người phơi cá, khổ nhất vẫn là thời tiết. “Nhiều hôm đang ăn cơm mà trời chuyển nhiều mây, cả gia đình lúc đó chỉ kịp buông bát đũa là chạy ào ra che chắn cho những phên cá”, cô Đừng kể. Những người phơi cá đội nắng, đội gió, thậm chí hằng ngày phải “sống chung” với mùi tanh của đủ loại cá. Nhưng với họ, nghề này đã ăn vào máu thịt, không thể bỏ được và dù vất vả họ cũng ráng làm để nuôi sống gia đình. Hơn nữa, còn tạo được việc làm cho một số lao động tại địa phương có thu nhập tương đối ổn định…

Thanh Tình

Báo Đà Nẵng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!