Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 14/5, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4169/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành.

Theo nội dung Công văn, tại Báo cáo số 388/2025/TTĐT ngày 08/5/2025 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ điểm thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành thông tin về việc “Mở rộng xuất khẩu vào thị trường Halal”, trong đó đánh giá cao thị trường Halal tại Indonesia. Song các chuyên gia nhận định, đây là thị trường mang tính bảo hộ cao, đòi hỏi về giấy phép nhập khẩu; chứng nhận Halal (phải do cơ quan có thẩm quyền Indonesia cấp); tiêu chuẩn quốc gia (SNI); quy định về cảng nhập khẩu (một số nhóm hàng); thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. 

Thủy sản Việt Nam có tiềm năng lớn xuất khẩu vào thị trường Halal. Ảnh: ST

Đặc biệt, các quy chuẩn Halal nghiêm ngặt, hệ thống chứng nhận phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp. Để hàng hóa Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) khuyến cáo, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp lý về Halal, bao gồm việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và quy trình chứng nhận phù hợp với yêu cầu quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Halal giữa Việt Nam và UAE, đặc biệt là hoạt động cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn Halal của UAE. Dự báo, các sản phẩm Halal của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia đã có nhiều năm kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực này.

Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, bao gồm ưu tiên nguồn lực ngân sách cho sản xuất và cấp chứng nhận, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đào tạo nhân lực chuyên trách về Halal; đồng thời cần có các tổ chức trung gian uy tín giúp doanh nghiệp trong quá trình chứng nhận và tuân thủ quy định tại các thị trường xuất khẩu.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu các thông tin trên để xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal.

Với quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến sẽ tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2028, Halal đang được xem là thị trường lớn rất tiềm năng cho các nước sản xuất lương thực thực phẩm lớn; trong đó có Việt Nam.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp nông thủy sản Việt Nam tạo chỗ đứng tốt tại thị trường Halal.

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!