T2, 06/07/2020 11:07

Ngoạn mục cá “bay” trên biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Ở phía nam huyện Đài Đông, Đài Loan, cách 49 hải lý về phía Đông Nam, tháng 3 đến tháng 6 hàng năm là khoảng thời gian thú vị nhất, nếu may mắn bạn có thể nhìn thấy từng đàn cá chuồn “bay” trên mặt nước.

Cá chuồn có vây ngực lớn mở rộng như đôi cánh, có thể nhảy cao chục mét trên mặt nước. Vây ngực trong suốt, lớn và mỏng, khi những con cá chuồn bơi thành từng đàn trên mặt nước, ánh nắng phản chiếu trên những chiếc vây cá tạo nên cảnh rực rỡ chói lóa trên mặt biển. Hàng năm, từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 9  là mùa di cư của cá chuồn từ Thái Bình Dương về vùng biển Lan Tự của Đài Loan. Sau tháng 7 là mùa cao điểm của các trận bão, nên từ tháng 3 đến tháng 6 là mùa đánh bắt cá của bộ tộc Yami.

“Cá bay” có thể lướt một quãng dài tới 400 m trên mặt nước. Chúng có thể thay đổi hướng và độ cao trong lúc bay. Những con cá hai vây bay được quãng ngắn hơn nhiều và theo đường thẳng.

Theo truyền thuyết, loài cá chuồn nay là món quà của các vị thần dành tặng cho bộ tộc Yami, tổ tiên của bộ tộc Yami từng ăn nhiều loài cá khác nhau nhưng đều bị bệnh sau khi ăn. Về sau, các vị thần dạy cho bộ tộc Yami cách đánh bắt và chế biến cá chuồn. Nhiều yếu tố tạo nên tình cảm của người Yami dành cho cá chuồn,  nhiều hoạt động, các nghi lễ đều liên quan đến cá chuồn, có lẽ vì thế mà cá chuồn trở thành một phần trong văn hóa của người Yami.

Ở Việt Nam, cá chuồn có nhiều nhất ở miền Trung, đặc biệt là ngư trường Hoàng Sa (nổi tiếng với giống chuồn cồ lưng rộng, thịt chắc). Cùng đó, tại xứ Quảng (Quảng Nam), chúng còn gây “nghiện” bởi món gỏi cá chuồn ăn no không chán. Cá chuồn còn đi vào đời sống văn hóa, trở thành biểu tượng giao lưu hàng hóa biển – rừng, như câu nói “Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”!

Mộc Lan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!