T2, 06/07/2020 10:18

Ngư dân ở biển Kê Gà

Chưa có đánh giá về bài viết

Chúng tôi tìm đến cảng Kê Gà vào một ngày nắng đẹp của tháng 3, tháng mà với người ngư dân là tháng thuận lợi nhất để đi biển.


Ngư dân Kê Gà đang chuẩn bị lưới cho một buổi ra khơi, vào lộng

Chuyện thúng chai

Chúng tôi tìm đến cảng Kê Gà vào một ngày nắng đẹp của tháng 3, tháng mà với người ngư dân là tháng thuận lợi nhất để đi biển. Trên doi cát dài chứa chan nắng, rì rào tiếng sóng, anh Trần Văn Biên (37 tuổi) ở ấp Cây Găng (xã Tân Thành) đang chuẩn bị ghe lưới, cười bảo: Xem tivi thấy người ta bảo dừng không xây cảng Kê Gà nữa nên ngư dân chúng tôi lại rủ nhau ra khơi. Với hầu hết mọi người ở đây chọn thúng chai là phương tiện đánh bắt chủ yếu. Theo đó, với những chiếc thúng có đường kính khoảng 2 đến 3m được đan bằng tre cật có thể chứa khoảng từ 2 đến 3 người, có lưới túi, gắn máy đuôi tôm công suất nhỏ là phương tiện đánh bắt chủ yếu của ngư dân vùng biển từ Phan Thiết cho tới La Gi.

Thấy chúng tôi còn phân vân chưa hiểu tại sao một chiếc thúng chai nhìn có vẻ nhỏ nhoi nhưng lại có thể ra khơi giữa mênh mông sóng nước, giữa dập dềnh bão gió, anh Biên giải thích luôn: Với ngư dân vùng Kê Gà này, chúng tôi chỉ đi biển theo ngày, nghĩa là khoảng giữa trưa là bắt đầu ra khơi, tới sớm hôm sau là về bến cảng rồi. Ngư trường chủ yếu của chúng tôi cũng chỉ quanh khu vực biển Kê Gà này với bán kính chừng hai chục hải lý quay lại mà thôi. Mặc dù phương tiện thúng nhỏ, đi gần nhưng sản phẩm đánh bắt được của ngư dân mùa này lại khá đa dạng và phong phú. Theo đó, một chuyến biển với 2 lao động gồm một người chèo thúng, một người thả lưới thay nhau thì một đêm cũng có thể đánh bắt được khoảng 2 đến 3 trăm ngàn. Trong đó chủ yếu là ghẹ, mực, cá… Điểm lợi nhất của ngư dân làm nghề thúng chai chính là không tốn kém về các chi phí như đá, xăng dầu nên hầu như khi đánh bắt được bao nhiêu là ngư dân có lãi bấy nhiêu, ít phải trừ chi phí phụ thêm vào.

Những mảnh đời thúng chai

Mặc dù là nhỏ bé nhưng thúng chai lại là nghề truyền thống của ngư dân vùng Bình Thuận nói riêng và ngư dân các vùng biển miền Trung khác nói chung. Có thể nói, nó là nghề lâu đời và gắn bó với ngư dân nhất, trải qua nhiều thế hệ. Ngày nay, ngoài những làng nghề truyền thống đan thúng chai thì ở Bình Thuận, ngư dân còn sử dụng thúng bằng vật liệu nhựa tổng hợp Composit với chất lượng khá tốt, lại nhẹ, tiện bảo quản và đặc biệt là…không bao giờ chìm. Vì thế, chuyện ngư dân có mấy đời đánh bắt gắn bó với thúng chai cũng là chuyện bình thường. Do đây là phương tiện đánh bắt khá đặc thù, chỉ có ở một số làng chài nhất định nên những ai sử dụng nó đều hết sức thành thục. Và, nếu không phải là người được hướng dẫn tỉ mỉ thì khó lòng có thể điều khiển thúng chai được bởi nó khác với những ghe, thuyền khác, thúng chai không có đầu, có mũi nên nó có thể di chuyển bất cứ hướng nào.

Trước đây, do cảng Kê Gà đã được Nhà nước quy hoạch làm nơi vận chuyển Bô-xít phục vụ ngành công nghiệp xuất khẩu nên những ngư dân làm nghề thúng chai, phần thì bỏ nghề, phần phải bán thúng, hùn nhau lại mua các loại ghe thuyền lớn để có thể tiếp tục ra khơi hoặc phần phải xuôi xuống dưới vùng biển Hàm Tân, La Gi để tiếp tục đánh bắt, khai thác hải sản khiến cho công việc cũng khó khăn hơn. Gần như, có lúc người ta tưởng những chiếc thúng chai quen thuộc đã không còn xuất hiện ở Kê Gà này nữa. Kéo theo đó là những hộ làm nghề đan thúng chai cũng phải bỏ nghề. Tuy nhiên, sau mấy năm vất vả, nay ngư dân Kê Gà lại được quay trở lại với nghề truyền thống của mình.

 

Hạnh phúc đời lộng

Tuy nhiên, ngư dân làm nghề thúng chai không chỉ bám biển ven bờ mà hiện nay, do nhu cầu của cuộc sống, nghề thúng chai cũng có thể vươn khơi, tham gia đánh bắt ở những ngư trường cách bờ hàng trăm hải lý. Vậy tại sao một chiếc thúng chai nhỏ nhoi lại có thể vươn ra như vậy để vào lộng ở những ngư trường rộng lớn mênh mông đó. Theo bác Nguyễn Văn Tài, một người làm nghề thúng chai thuộc loại lâu đời nhất ở Kê Gà cho biết: Thực ra, khi cảng Kê Gà này được quy hoạch để đón tàu ghe lớn công nghiệp thì hải sản như cá, tôm, ghẹ, mực ở đây cũng giảm đi nhiều do ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, khi xây dựng cảng công nghiệp, dòng chảy, hướng nước trong khu vực ven bán đảo Hòn Bà này cũng thay đổi khá nhiều khiến cho nghề biển, nhất là thúng chai bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thực chất nhiều hộ ngư dân ở đây đã đủ sức mua những chiếc ghe thuyền lớn, chừng vài trăm triệu đồng để chuyển hướng ra khơi xa đánh bắt nhưng họ không làm như vậy. Thứ nhất, là việc dùng thúng chai đã trở nên quen thuộc, gần như một nghề truyền thống cha truyền con nối. Thứ hai, quan trọng hơn là ở đây, thúng chai vẫn rất có ích. Theo đó, ngư dân chỉ cần liên kết với nhau theo công thức khoảng 20 chiếc thúng chai và 1 chiếc ghe lớn cỡ 45 mã lực (CV) là có thể cùng nhau vào lộng, tức là vào các ngư trường đã được xác định, có dòng cá, đàn cá để đánh bắt. Khi ấy, chiếc ghe lớn chỉ có tác dụng chở những chiếc thúng chai tới ngư trường mà thôi. Sau đó, khi đã đến ngư trường, các thúng chai tự do vào lộng, đánh bắt tùy ý mình với bán kính một vài hải lý, thường xuyên liên lạc với nhau bằng bộ đàm trước khi tất cả lại tập hợp lại để cùng lên ghe về lại đất liền. Những chuyến ra khơi, vào lộng kết hợp như vậy thường kéo dài khoảng 2 đến 3 ngày, tùy theo từng ngư trường cụ thể. Điểm thấy rõ nhất của việc này là ngư dân vẫn phát huy được sở trường sử dụng thúng chai, khai thác và đánh bắt nhỏ lẻ, lại tiết kiệm được rất nhiều nhiên liệu bởi một ghe lớn như thế, khi chi phí tiền dầu, mỗi thúng chỉ mất khoảng trên dưới 100 ngàn đồng/chuyến mà lại có thể tới được những ngư trường lớn, có nhiều dòng cá, thu hoạch thậm chí lên đến cả triệu đồng vào những mùa biển động nhẹ như thế này. Có thể nói, đó là cách làm sáng tạo, năng động phù hợp với nhu cầu thực tế mà hiệu quả kinh tế lại được nâng cao rõ rệt, đem lại niềm vui cho hàng trăm ngư dân. Hơn nữa, nhờ có “thuyền mẹ” bảo vệ mà các “thúng chai con” không phải lo bão gió giữa biển cả mênh mông.

Sản phẩm của thúng chai mùa này

Vừa nhìn lên ngọn hải đăng Kê Gà cao vút, lồng lộng gió như một con mắt thần kỳ diệu bao năm dẫn lối chỉ đường cho hàng ngàn tàu cá ngư dân ra vào bến cảng, chị Trà, một ngư dân ở đây chia sẻ: Từ mấy đời nay, ngư dân ở Kê Gà chúng tôi chỉ biết đi biển và cũng thường gắn bó với thúng chai. Mấy năm trước, cứ tưởng phải bỏ nghề nhưng mấy anh em nghĩ kết hợp thúng chai lại có khi tốt hơn nên làm thử. Không ngờ, thúng chai trước kia chỉ đánh bắt ven bờ, mỗi ngày dăm bảy ký sản phẩm thì nay có khi lên đến vài chục ký. Thì ngoài đó vùng lộng rộng lớn, lại có thuyền mẹ xác định dòng cá, hướng nước nên các thúng con đánh bắt cũng tiện lợi hơn. Bây giờ, nếu thúng chai chỉ quanh quẩn vùng ven bờ mà không vào lộng ngoài xa thì đúng là lạc hậu, bởi càng vươn ra khơi xa, những vùng lộng càng có nhiều cá tôm hơn. 

Nhìn hàng trăm chiếc thúng nằm úp yên ả sau một ngày dài trên biển trong khi những ngư dân đang hối hả cân cá, thu về những đồng tiền mặn mùi biển cả của gia đình mình, chúng tôi cảm nhận niềm hạnh phúc đang tràn ngập trên vùng biển này. Hơn bao giờ hết, những mảnh đời thúng chai tuy nhỏ bé nhưng vẫn tìm thấy cho mình những sinh kế hữu hiệu, dựa vào biển quê hương như muôn đời này cha ông họ vẫn làm vậy. Hạnh phúc đó, dù giản dị nhưng nó cao cả và linh thiêng quá đỗi.

Đoàn Đại Trí

Đại Đoàn Kết

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!