Người mở biển ra Hoàng Sa

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – “Hoàng Sa là mảnh đất của Việt Nam, dù có gì đi nữa, mình cũng không bỏ Hoàng Sa!” – đó là lời khẳng định của ngư dân Tiêu Viết Là, quê ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

 

Bí mật Hoàng Sa

Ở cái tuổi 50, nhưng lão ngư Tiêu Viết Là trông vẫn rắn rỏi và tràn đầy sức khỏe như một thanh niên tráng kiện. Vừa đi biển trở về, ông Là treo túi quần áo lên đống lưới bên hiên, bắt tay vồn vã: “Nhà báo hả!?. Nụ cười càng hiện rõ nét mặt gân guốc của lão ngư dân hơn 35 năm bám biển.

Nhấp một hơi thuốc, ông Là kể về kỷ niệm khi mở đường ra Hoàng Sa. Năm 6 tuổi, ông trở thành đứa trẻ mồ côi, tháng ngày bơ vơ đi kiếm ốc, bắt cá trên bờ biển nóng hầm hập. Ông Tiêu Viết Kia – người cha ruột bị địch bắt giam ở nhà tù Côn Sơn khi ông vừa lọt lòng. Bà Nguyễn Thị Xứng – người mẹ ruột ở nhà nuôi con, gánh nặng thay chồng. Rồi cái ngày định mệnh ập xuống – bà bị lính Đại Hàn bắn chết tại Gò Cù vào mùa hè năm 1967. Xác bà được hàng xóm chôn cất trên gò cát nóng bỏng. Bà Trần Thị Cho một tay nuôi đứa con tật nguyền, một tay chăm chút cho ông Là – đứa cháu ngoại sớm lâm cảnh côi cút. Sống với bà, cậu thiếu niên Tiêu Viết Là đã phải sớm xuống biển mò cua, bắt ốc. Biển đã thấm vào ông từ khi còn là đứa bé 10 tuổi.

Xã Bình Châu quê hương ông trước kia vốn là làng An Hải. Vào năm 1602, có 7 tộc họ đã tiến ra đảo Lý Sơn khai khẩn, lập phường An Hải. Sau này, triều đình nhà Nguyễn mỗi năm cắt 70 binh phu ra Hoàng Sa thu lượm hải vật, cắm bia khẳng định chủ quyền. Và năm nào làng An Hải trong đất liền, với phường An Hải ngoài đảo Lý Sơn cũng có người đi lính Hoàng Sa.

 

Ông Là cùng con trai Tiêu Viết Linh sẽ tiếp tục theo thuyền bám biển

Đêm nằm trên thuyền, nhìn ra khơi xa, ông quyết tâm làm ăn để sắm thuyền máy công suất lớn ra vùng biển mà các thế hệ cha ông đã một thời đi mở cõi để khai phá ngư trường mới. Từ những đồng tiền tích cóp được, năm 1989, ông sắm được chiếc thuyền công suất 33CV, đưa con trai là Tiêu Viết Linh nhằm thẳng hướng Hoàng Sa.

“Ở Hoàng Sa, hải sâm và ốc nhiều vô kể. Một phiên biển chỉ 12 – 14 ngày, tàu tôi chở về bờ đủ loại sản vật, bán được 70 – 80 triệu đồng” – ông Là tự hào nhắc lại kỳ tích.

 

           

 

20 năm ở Hoàng Sa

 

Từ những chuyến đi khai mở Hoàng Sa của ông Là, người dân ở làng chài Châu Thuận bắt đầu lũ lượt sắm tàu thuyền để tìm đường ra Hoàng Sa. Đối với các ngư dân hành nghề lưới, Hoàng Sa là vùng biển đầy quyến rũ. Nhưng đối với ông Là, biển Hoàng Sa là kho báu đầy bí hiểm. Bởi khi lặn xuống đáy biển, cha con ông đã thám hiểm tận các rạn san hô, các hang hốc để thu lượm sản vật. 

Trong những chuyến ra khơi, ông Là không quên đặt chân lên từng hòn đảo, trong đó có đảo mang tên Chánh đội trưởng Thủy quân Hoàng Sa – Phạm Hữu Nhật, đảo Phạm Quang Ảnh. Ra Hoàng Sa, ông không quên thắp hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã ra cắm bia khẳng định chủ quyền cách đây gần 400 năm. “Hồi đó, mấy ổng ra giữ đảo, giờ mình ra đây đánh cá, vừa giữ đất của cha ông mình, dù biết là cực khổ” – ông Là tâm tình.

Cứ mỗi chuyến chở sản vật từ Hoàng Sa về, bữa rượu lại được tổ chức tại nhà. Nhiều ngư dân mới vào nghề thì tới xin “điểm”. Họ cho rằng, ông Là chắc chắn là người hiểu biết rành rẽ về Hoàng Sa, nắm được các điểm có nhiều sản vật nên liên tục “hốt bạc” chở vào bờ.

Sau những chuyến đi Hoàng Sa, căn nhà mái tranh lụp xụp của ông đã được thay thế bằng ngôi nhà 2 tầng khang trang nhất xóm. Những người xóm giềng cũng có cuộc sống khá lên nhờ theo gương ông tiến ra Hoàng Sa. Từ Hoàng Sa, ông và các ngư dân thay máy lớn để tiếp tục tiến ra các đảo ngầm. Tọa độ đảo này cách quần đảo Hoàng Sa 190 hải lý về phía Đông Nam.

Xòe bàn tay ra trước mặt, ông say sưa kể về mọi ngóc ngách Hoàng Sa: “Ngoài đó, tôi rành đường đi nước bước như trong lòng bàn tay. Tại đây, bắt cảng Sa Kỳ chạy 137 hải lý ra tới đảo Tri Tôn. Từ đảo Xà Cừ đi bắt kim la bàn 60 độ chạy 28 hải lý là đến đảo Phú Lâm…”.

Những năm đầu, quần đảo Hoàng Sa còn vắng vẻ, nhưng chỉ 3 năm sau, ngư dân ở địa phương ông đã tràn ngập ở Hoàng Sa. Hiện nay, Quảng Ngãi có khoảng 500 tàu cá với hơn 5.000 ngư dân ngày đêm bám biển Hoàng Sa. Hoàng Sa cho gia đình ông Là và ngư dân trong vùng có cuộc sống khá lên.

 

 

Không bỏ Hoàng Sa

Hơn 20 năm bám biển Hoàng Sa, ngư dân Tiêu Viết Là đã 4 lần bị đại nạn khi bị hải quân Trung Quốc bắt giữ. Trong đó có chuyến tưởng bỏ xác ngoài biển. Ông hồi tưởng lại: vào tháng 6/2007, tàu Hải quân Trung Quốc đã xối đạn vào con tàu gỗ của 2 cha con. Trên tàu có 13 ngư dân thì 6 người dính đạn, trong đó có ông. Trở về địa phương với 2 bàn tay trắng, nửa năm sau, ông lại vay mượn sắm tàu đi làm. Và lần bị bắt cuối cùng vào tháng 3/2010. Mấy tên lính từ tàu chiến vừa nhìn sang thấy mặt ông đã ra hiệu: “Ông này quen mặt, mới bắt chưa lâu”. Không chấp nhận nộp phạt 70.000 nhân dân tệ theo yêu cầu của Trung Quốc, tàu bị tịch thu, hai cha con bị tống lên tàu của ngư dân Mai Phụng Lưu (cùng bị bắt) để về Việt Nam.

Khi ông vừa đặt chân lên đảo Lý Sơn, 13 tộc họ có người đi lính Hoàng Sa trên đảo đang tưng bừng làm Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 16/3 âm lịch hàng năm. Những bóng cờ xí phấp phới rợp đảo, những tấm băng rôn căng trên đường đi với dòng chữ: “Kiên quyết bảo vệ quần đảo Hoàng Sa”. Trở về nhà, ông tự nhủ: “Đời mình không bao giờ bỏ Hoàng Sa”. Và chỉ 3 ngày sau, anh Tiêu Viết Lành – người con trai cả của ông tạm biệt cha, xuống thuyền đi bạn, xuôi ra Hoàng Sa.

Nhắc đến ông, nhiều ngư dân địa phương thán phục: “Ông Là hả! Chì dữ lắm! Ổng cứ xông vào đảo lặn cá. Nhiều ngư dân ở đây theo gương, quyết bám đảo Hoàng Sa, đó là đảo của Việt Nam mình”.


 

>> Những người đứng mũi chịu sào thường hay bị thiệt hại. Bốn lần bị Trung Quốc tịch thu tàu, hiện nay ông Là đang lâm cảnh khốn khó – thiếu nợ ngân hàng 100 triệu đồng. Ý nguyện của ông, mong muốn được Nhà nước hỗ trợ, giảm lãi suất để đóng tàu tiếp tục ra Hoàng Sa.

 

Ảnh trên: Tờ biên bản Hải quân Trung Quốc xử phạt và tịch thu tàu cá của ông Là

 

 

LÊ VĂN CHƯƠNG

 

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!