T2, 06/07/2020 09:57

Nguy cơ “đứt gánh” giữa chừng

Chưa có đánh giá về bài viết

Được Chính phủ chấp thuận, từ năm 2010 – 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với một số địa phương, trong đó có Khánh Hòa, thực hiện Đề án chế biến và xuất khẩu (XK) cá nóc. Tuy nhiên, đề án này đang có nguy cơ “đứt gánh” giữa chừng vì đối tác nước ngoài bỗng nhiên dừng nhập khẩu (NK).

Nước ta hiện có 49 loài cá nóc, trong đó 15 loài có thể sử dụng làm thực phẩm, trữ lượng ước tính 37.000 tấn, tập trung ở vùng biển miền Trung. Đề án khai thác, thu gom, chế biến, bảo quản cá nóc XK được triển khai thí điểm trong 3 năm, từ 2010 – 2012 tại 5 tỉnh: Quảng Ninh, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa và Kiên Giang, với vốn đầu tư khoảng 2,7 – 3 triệu USD. Mục tiêu của đề án là đến năm 2012, Việt Nam sẽ đưa sản lượng chế biến các mặt hàng gia tăng từ cá nóc đạt khoảng 1.000 tấn, với giá XK bình quân 5.000 – 10.000 USD/tấn. Bên cạnh đó, phấn đấu giải quyết việc làm cho 600 – 1.000 lao động, đạt kim ngạch XK 10 triệu USD/năm.

 

Xuất khẩu thủy sản Khánh Hòa có thể sẽ có thêm mặt hàng cá nóc.
Xuất khẩu thủy sản Khánh Hòa có thể sẽ có thêm mặt hàng cá nóc.

 

Khi đề án đưa ra, có 6 doanh nghiệp (DN) ở các tỉnh đã kiến nghị xin tham gia XK cá nóc. Bên cạnh đó, nhiều công ty của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng muốn NK cá nóc của Việt Nam. Sau khi xem xét, Bộ NN-PTNT đã đề nghị Nhà nước chỉ giao việc thực hiện đề án cho các công ty chế biến, XK cá nóc có đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính và thị trường tiêu thụ ổn định. Theo đó, tạm thời Bộ chỉ cho phép triển khai đề án ở quy mô nhỏ tại 2 tỉnh Kiên Giang, Khánh Hòa. Đồng thời, chỉ chọn Công ty Korea Poseidon Seafood (gọi tắt là Công ty Poseidon) ở Hàn Quốc được NK cá nóc từ Việt Nam để thí điểm mô hình và quản lý một cách chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai, Công ty Poseidon bỗng nhiên ngừng NK cá nóc ở Việt Nam, khiến hoạt động sản xuất, tiêu thụ của các công ty chế biến cá nóc ở nước ta bị ngừng trệ, thiệt hại rất lớn vì ứ hàng

Tại Khánh Hòa, năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Quy định kiểm soát trong khai thác, thu mua, bảo quản, vận chuyển, chế biến, XK và xử lý chất thải cá nóc trên địa bàn tỉnh. Theo đó, DN tư nhân Phước Thọ là đơn vị được giao trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện đề án, triển khai việc thu mua, chế biến, XK cá nóc. DN Phước Thọ có trách nhiệm: Tổ chức việc xây dựng nhà xưởng hoặc lựa chọn một cơ sở chế biến có đủ tiêu chuẩn để chế biến cá nóc XK cho Công ty Poseidon; phối hợp với Công ty Poseidon tổ chức tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cá nóc cho cán bộ, công nhân trực tiếp tham gia thu mua, chế biến, XK cá nóc; ghi chép đầy đủ thông tin về các lô hàng cá nóc đã thu mua, chế biến và XK. Lưu giữ hồ sơ theo đúng quy định. Báo cáo hàng tháng tình hình thu mua, chế biến, XK cá nóc cho Sở NN-PTNT hoặc các cơ quan kiểm soát khác khi có yêu cầu. Đối với cơ sở thu mua, chế biến, XK cá nóc, phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp; phải có giấy chứng nhận tham gia thực hiện đề án do Sở NN-PTNT Khánh Hòa cấp.

 

  Trên thực tế, từ khi thực hiện đề án tới nay, Công ty Poseidon chỉ 22 tấn cá nóc từ Việt Nam, trong khi lượng cá nóc thu mua và sản xuất của các DN ở Kiên Giang đã lên đến hàng trăm tấn. Theo giải thích từ phía Công ty Poseidon: Do chất lượng và kích cỡ của cá nóc Việt Nam không đạt chuẩn nên lô hàng 22 tấn đầu tiên đưa qua Hàn Quốc tiêu thụ rất chậm. Hơn nữa, cá nóc Việt Nam lại có độc tố cao, không thể dùng để ăn. Công ty chỉ có thể mua 100 tấn cá/tháng, nhưng với điều kiện cá nóc phải đủ chuẩn về kích cỡ và chất lượng. Tuy nhiên, lý giải này không hợp lý vì chính Công ty Poseidon đã cử người trực tiếp hướng dẫn cho các DN ở Kiên Giang, giám sát quá trình khai thác, chế biến cá nóc. Tại Khánh Hòa, sau khi Công ty Poseidon tạm ngưng NK cá nóc từ Việt Nam, việc triển khai đề án khai thác, thu mua, chế biến, XK cá nóc cũng vì thế chưa thực hiện được. Đề án này có nguy cơ “đứt gánh” giữa chừng vì không mấy khả thi.

Ông Đào Công Thiên, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Cho đến thời điểm này, Công văn số 681/CP năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm khai thác, lưu thông, chế biến, kinh doanh, sử dụng cá nóc dưới mọi hình thức vẫn có hiệu lực đối với các tổ chức, cá nhân. Trong điều kiện các mặt hàng thủy sản như tôm, mực bị cạn kiệt nguồn nguyên liệu, nếu cá nóc được XK sẽ góp phần không nhỏ về kim ngạch XK, đem về thêm ngoại tệ cho tỉnh và thu nhaapj cho ngư dân. Đề án thí điểm nâng cao và mở rộng khai thác, thu gom, chế biến, bảo quản cá nóc phục vụ XK hứa hẹn mở ra hướng tận thu nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu rủi ro ngộ độc cá nóc và thu ngoại tệ về cho tỉnh. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện đề án thí điểm, cần giám sát chặt chẽ quy trình khai thác, chế biến để tránh sản phẩm lọt ra thị trường, ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe của người tiêu dùng. Mặt khác, khi chọn đối tác XK cá nóc, Nhà nước cũng cần tính tới hiệu quả kinh tế trong giới hạn cho phép, tránh để ngư dân, DN bị thiệt hại và không an toàn khi tham gia thực hiện đề án.

 

 

Anh Tuấn

Theo Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!