(TSVN) – Diện tích biển khoảng 1 triệu km2, bờ biển dài trên 3.260 km, hơn 3.000 hòn đảo và hai quần đảo nổi tiếng Hoàng Sa, Trường Sa, những chỉ số cao khẳng định Việt Nam thực sự là quốc gia biển. Nước ta đứng thứ 16 trong các quốc gia có đa dạng sinh học biển với hơn 11.000 loài đã được phát hiện, nhiều năm nay chú trọng bảo tồn.
Năm 2019, ngành thủy sản nước ta có sản lượng 8,15 triệu tấn, gồm 3,77 triệu tấn khai thác và 4,38 triệu tấn nuôi trồng; kim ngạch xuất khẩu 8,6 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới. Các hệ sinh thái biển có vai trò hết sức quan trọng trong kết quả đó và việc bảo vệ không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia mà đã trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng toàn thế giới.
Ngày 26/5/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Mục tiêu là bảo vệ các hệ sinh thái, các loài sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học; góp phần phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển.
Đến tháng 9/2020, nước ta đã có 16 khu bảo tồn biển. Bộ NN&PTNT cùng các địa phương thành lập và đưa vào hoạt động 12 khu: Bạch Long Vĩ/Hải Phòng, Cồn Cỏ/Quảng Trị, Cù Lao Chàm/Quảng Nam, Lý Sơn/Quảng Ngãi, Vịnh Nha Trang (Hòn Mun)/Khánh Hòa, Hòn Cau/Bình Thuận, Phú Quốc/Kiên Giang (khu này hiện sáp nhập vào Vườn quốc gia Phú Quốc), Cô Tô – Đảo Trần/Quảng Ninh, Cát Bà/Hải Phòng, Núi Chúa/Ninh Thuận, Côn Đảo/Bà Rịa – Vũng Tàu; Vườn quốc gia Bái Tử Long/Quảng Ninh,
Bộ NN&PTNT xây dựng quy hoạch chi tiết, bàn giao cho các tỉnh để phê duyệt thành lập 4 khu: Hòn Mê/Thanh Hóa, Nam Yết/Khánh Hòa, Phú Quý/Bình Thuận, Hải Vân – Sơn Chà/Đà Nẵng – Thừa Thiên – Huế. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm bàn giao, các tỉnh chưa phê duyệt thành lập.
Tổng diện tích biển và đảo quy hoạch vào khu bảo tồn là 213.400 ha; riêng diện tích biển 185.000 ha, chiếm 0,185% diện tích vùng biển tự nhiên.
Tổng cục Thủy sản đánh giá: “Mục tiêu đến năm 2015 thiết lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển, có ít nhất 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong các khu bảo tồn biển, 30% diện tích khu bảo tồn biển được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, kết quả thực hiện đến nay mới đưa vào hoạt động được 12/16 khu bảo tồn biển, đạt khoảng 0,185% tổng diện tích vùng biển nằm trong khu bảo tồn biển”.
Hoạt động bảo tồn còn nhiều yếu kém. Thống kê từ báo cáo của ban quản lý các khu bảo tồn, vườn quốc gia có hợp phần biển, trong 10 năm (2010 – 2019), phát hiện 942 vụ vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến bảo tồn biển.
Số liệu trên chưa đầy đủ, chưa phản ánh đúng thực tế nhưng cũng cho thấy, vi phạm diễn ra phổ biến, xu hướng tăng; chủ yếu là khai thác san hô, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác hải sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Nhiều công cụ, phương pháp khai thác hải sản mới xuất hiện có tính hủy diệt cao đối với nguồn lợi, phá hủy môi trường sống của các loài thủy sinh. Tài nguyên biển đang bị khai thác cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành vấn đề cấp bách.
Nguyên nhân chính là công tác bảo tồn biển chưa được quan tâm đúng mức, từ việc bố trí kinh phí. Quyết định số 742/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đưa ra mức đầu tư dự kiến cho hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam là 460 tỷ đồng, giai đoạn 2011 – 2015 là 300 tỷ đồng (Trung ương 185 tỷ); giai đoạn 2016 – 2020 là 160 tỷ đồng (Trung ương 145 tỷ). Thực tế, báo cáo của Tổng cục Thủy sản, ngân sách Trung ương từ năm 2010 – 2020 chỉ có 13,5 tỷ đồng (khoảng 4% dự đoán ban đầu), chủ yếu cho lập quy hoạch chi tiết, các khu bảo tồn biển không được hưởng lợi. Các địa phương bố trí ngân sách cho công tác bảo tồn biển rất thấp. Tổ chức ban quản lý khu bảo tồn biển chưa thống nhất ở các địa phương, tùy nơi trực thuộc UBND tỉnh, Sở NN&PTNT hoặc UBND huyện.
Theo Tổng cục Thủy sản, với chủ trương “không đánh đổi tăng trưởng kinh tế với an ninh môi trường”, công tác bảo tồn biển đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; xem xét quy định các ban quản lý khu bảo tồn biển thống nhất trực thuộc Sở NN&PTNT.
Mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu có 20 khu bảo tồn biển với diện tích biển được bảo tồn chiếm 1% tổng diện tích vùng biển tự nhiên. Năm 2030, tối thiểu 30 khu bảo tồn biển với diện tích biển được bảo tồn 2,5 – 3%.
Chú trọng công tác bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; tiến tới phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn ven biển. Cơ cấu nguồn vốn ngân sách đầu tư cho bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học biển, phát triển hệ thống khu bảo tồn biển phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành thủy sản.
Thanh Hải