T3, 01/12/2020 11:12

Tập đoàn Việt – Úc: Đề xuất một số giải pháp nuôi tôm tại miền Trung

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Vừa qua, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị “Thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai”, Tập đoàn Việt – Úc vinh dự đại diện cho mảng giống thủy sản tham gia và có báo cáo tại hội nghị.

Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, sau bão, lũ, nhu cầu con giống mới để khôi phục sản xuất là rất lớn. Bộ NN&PTNT đã huy động nguồn từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân hỗ trợ cho người dân 5 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua, trong đó Tập đoàn Việt – Úc đã đồng hành cùng Tổng cục Thủy sản để tài trợ tôm giống cho bà con nuôi tôm. “Tập đoàn Việt – Úc cũng trân trọng cảm ơn Bộ NN&PTNT đã xây dựng một chương trình hay và ý nghĩa như vậy; Việt – Úc luôn sẵn sàng tiếp tục đồng hành sau chương trình cùng người nuôi tôm, không chỉ hỗ trợ con giống mà còn về tư vấn kỹ thuật, giải pháp nuôi hữu hiệu”, ông Bùi Bá Sự, Phó Tổng giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Việt – Úc, chia sẻ.

Ông Bùi Bá Sự, Phó Tổng giám đốc Kinh doanh, đại diện Tập đoàn Việt – Úc phát biểu tại hội nghị

Cũng tại hội nghị, ông Bùi Bá Sự đã đề xuất một số giải pháp thiết thực giúp người nuôi tôm có kế hoạch dự phòng, hạn chế những thiệt hại lớn do thiên tai gây ra, đồng thời có kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất nhanh chóng. Cụ thể, cần có cơ chế cập nhật thường xuyên đến người nuôi hoặc doanh nghiệp các dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia về tình hình mưa, bão, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm… Đây sẽ là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp tới ao nuôi, đến sức khỏe động vật thủy sản. Từ đó, các doanh nghiệp có thể cùng phối hợp để giúp cho người nuôi đưa ra biện pháp phòng, chống phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ quan như Chi cục Thủy sản có kế hoạch quan trắc thường xuyên môi trường các vùng nuôi thủy sản và cập nhật cho người nuôi. Việc này không những giúp người nuôi chủ động trong quản lý chất lượng nước vùng nuôi, phòng tránh dịch bệnh, mà cơ quan quản lý sẽ có căn cứ đánh giá tác động của hoạt động nuôi trồng thủy sản đến môi trường xung quanh và ngược lại. Từ đó có định hướng quy hoạch phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Mặt khác, các doanh nghiệp cần đồng hành chia sẻ khó khăn từ việc hỗ trợ con giống đến tư vấn về thông tin thị trường, công nghệ, kỹ thuật, giải pháp nuôi để giúp bà con có định hướng nuôi phù hợp, duy trì sản xuất đặc biệt là sau thiên tai và nuôi trong vụ đông để đón đầu nhu cầu tăng cao dịp cuối năm và đầu năm mới.

Việt Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!