T3, 17/08/2021 08:12

Nhiều rào cản trong khai thác thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đây là ý kiến của nhiều đại biểu trong Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành thủy sản diễn ra tại Hà Nội vừa qua. Cũng tại Hội nghị lần này, đã có những nhận định rằng ngành cần mạnh tay hơn nữa để đảm bảo khai thác thủy sản bền vững.

Sản lượng vẫn tăng

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, nửa đầu năm, sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 2 triệu tấn, tăng 1% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác tăng 6,8%.

Nguyên nhân là do 6 tháng đầu năm, thời tiết biển tương đối thuận lợi đã tạo điều kiện giúp ngư dân tích cực và bám biển dài ngày hơn trên tất cả các vùng biển để tổ chức khai thác hải sản. Cùng đó, đây cũng là thời gian tập trung cho khai thác vụ cá Nam (sản lượng cao hơn vụ cá Bắc) nên sản lượng khai thác cao hơn kế hoạch dự kiến.

Đồng thời, để tăng hiệu quả kinh tế, ngành đã hướng dẫn các địa phương khuyến cáo ngư dân linh hoạt chuyển đổi nghề khai thác như chụp, vây hoặc câu để khai thác các loại hải sản có giá trị cao như: cá ngừ đại dương, cá thu, cá hố, mực. Một số tỉnh miền Trung như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa đã tổ chức hoạt động khai thác được nhiều loài cá nổi nhỏ như: cá nục, cá ngừ sọc dưa, cá cơm…

Một thuận lợi nữa của ngư dân là vẫn đang tiếp tục nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã có như: miễn thuế; ưu đãi thuế; hỗ trợ chi phí nhiên liệu. Đối với chủ tàu vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ và các chủ tàu khác có vay vốn tín dụng, ngân hàng đã được hỗ trợ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi…

Cần một định hướng mới

Nhằm khai thác hiệu quả nhưng đảm bảo bền vững nguồn lợi, Tổng cục Thủy sản tiếp tục thực hiện việc giao hạn ngạch khai thác cho các địa phương. Đến nay, ngành đã giao 31.297 giấy phép cho các tỉnh/thành phố, giảm 244 giấy phép so với trước đó; đảm bảo phù hợp với nhu cầu sản xuất, từng bước kiểm soát cường lực khai thác, tiến tới giảm cường lực phù hợp với tình hình nguồn lợi thủy sản, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành. Đồng thời, thực hiện việc xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy định của Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017.

Tuy nhiên, nhìn vào con số tổng kết 6 tháng đầu năm có thể thấy, sản lượng khai thác vẫn còn rất lớn và vẫn tăng chứ chưa giảm. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, sản lượng khai thác tiếp tục tăng mặc dù không tăng về số lượng tàu cá dẫn đến việc thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản (giảm dần số lượng tàu cá và sản lượng khai thác) sẽ khó khăn hơn.

Nhận định về điều này, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cho biết, sản lượng khai thác tăng không phải là tốt, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành. Bên cạnh đó, nghề lưới kéo đã giảm nhiều nhưng sản lượng khai thác của nghề này vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản lượng khai thác. Với việc tiếp tục giảm nghề lưới kéo thì sản lượng khai thác sẽ giảm. “Thời gian tới cần tiếp tục tái cơ cấu trong nghề khai thác, cùng với việc chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân ở các địa phương ven biển”, ông Tuấn cho biết thêm.

Còn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thủy sản là lĩnh vực quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Thủy sản phải giữ vững sự phát triển trên cả 3 trụ cột là khai thác, bảo tồn và nuôi trồng. Ngành khai thác đã có một thời gian dài sản xuất theo phong trào. Việc tái cơ cấu đội tàu, giảm đội tàu khai thác, nhất là tàu gần bờ đã có những kết quả ban đầu nhưng việc giảm sản lượng khai thác cần có kế hoạch cụ thể.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, khai thác là một trong những trụ cột quan trọng nên cần kiểm soát chặt chẽ để hướng đến nghề cá có trách nhiệm. Phải kiểm soát được sản lượng khai thác gắn với truy xuất nguồn gốc.

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!