T5, 23/11/2023 08:00

Những “Chiến sĩ Trường Sa” nặng lòng với biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Từ bao đời nay, các ngư dân luôn gắn phận mình với sóng gió biển khơi. Đối mặt với hiểm nguy, vất vả nơi đầu sóng ngọn gió, dường như những giọt mồ hôi, nước mắt mặn chát của họ đã hòa chung vào vị mặn của biển cả. Giữa biển khơi thăm thẳm ấy, ngư dân chỉ có ước nguyện là cầu trời cho sóng yên, biển lặng, tàu về tôm cá đầy khoang.

Nhìn không khí lao xao trên bến, dưới thuyền mỗi buổi bình minh đến, ngư dân Võ Văn Đình (73 tuổi), ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi mừng lắm. Đời người yêu biển như ông, được nhìn thấy từng chiếc thuyền Đình đầy ắp quà tặng từ biển sau mỗi dịp cập bến là lòng đong đầy niềm vui. Ông bảo, đời người đi biển cực nhọc là thế nhưng biển chẳng bao giờ phụ người, người vẫn mãi nặng lòng và gắn bó cùng biển. 

Ngư dân Võ Văn Đình được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”

Ngư dân Đình là một trong 4 cá nhân tiêu biểu của địa phương, được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”. Ở thôn Tân Thạnh, ông được các thế hệ ngư dân trẻ xem như “cây cao bóng cả”, là tấm gương đi biển can trường. Thời ông Đình vươn ra ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa, chỉ với chiếc tàu công suất 55 CV. Trang thiết bị trên tàu chưa có máy dò ngang, máy định vị, thiết bị thông tin liên lạc như bây giờ. Những tấm lưới chuồn ngày đó, cũng do chính tay ông cùng các thuyền viên tự đan, chứ chưa có lưới dệt sẵn như hiện nay. Vượt lên trên những khó khăn đó, ông đã bám biển và thông thuộc ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa như nhà mình. 

Gia đình ông, từ chỉ một mình ông hiện diện tại Trường Sa, giờ đã có thêm 3 người con trai cùng người con rể và 3 tàu cá ngày đêm bám biển. Là một trong những gia đình có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ nhiều nhất ở làng chài Tân Thạnh, ông Đình luôn dặn dò các con mình, phải giữ nghề, giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Tàu cá của ngư dân ở vùng biển Quảng Ngãi

“Trong làng, nhiều ngư dân bắt đầu rời biển để đi làm ở công ty,xí nghiệp, hoặc đi xuất khẩu lao động. Vậy nên, tôi luôn dặn dò, động viên các con xem ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là ngôi nhà thứ hai của mình. Đừng vì những khó khăn nhất thời mà bỏ biển, rời ngư trường”,ông Đình chia sẻ. 

Ông Đình nhớ lại, mấy chục năm gắn bó với ngư trường Trường Sa, ông vẫn thường cho tàu ghé qua các đảo như Sinh Tồn, Song Tử Tây. Tình quân dân như cá với nước. Lần nào ghé, cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng cho ngư dân khi thì vịt, gà, khi thì rau xanh và đón tiếp rất nồng hậu, ấm tình… Đồng hành cùng ngư dân luôn có lực lượng hải quân ngày đêm “canh cửa” cho Tổ quốc. 

Được trao huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” vào năm 36 tuổi, khi đang là thuyền trưởng của tàu làm nghề lưới chuồn ở ngư trường Trường Sa, ngư dân Bùi Tấn An (48 tuổi), ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn giờ đã phải bán tàu sau nhiều năm làm ăn thua lỗ. Song, không vì thế mà ông An rời biển về bờ. Hiện tại, ông An vẫn đi bạn trên những chiếc tàu làm nghề lưới chuồn ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. Con trai của ngư dân Bùi Tấn An là Bùi Thanh Chung (29 tuổi) cũng nối nghiệp cha mình, một lòng gắn bó với nghề đánh bắt xa bờ tại Trường Sa. 

“Lúc mới bán tàu, mọi người khuyên tôi nên sắm lại một chiếc tàu hoặc thúng nhỏ, rồi làm nghề biển gần bờ. Nghề biển gần bờ vậy chứ có ăn, mỗi ngày có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng, có khi lên đến cả triệu đồng, lại được ở gần vợ, gần con. Nhưng chân tôi đã quen với ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa rồi. Có khó khăn thế nào, tôi vẫn muốn giữ lấy nghề đánh bắt xa bờ, bám lấy ngư trường. Vì vậy, tôi bỏ qua những lời khuyên ấy, rồi xin đi bạn cho các chủ tàu đánh lưới chuồn ở Hoàng Sa, Trường Sa”, ngư dân An bộc bạch. 

Bước sang tuổi 65, thuyền trưởng Phạm Quang, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn vẫn mải miết cầm vô lăng, lái tàu thẳng tiến ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa để đánh bắt cá chuồn. Trong hơn 40 năm gắn bó với nghề biển, thuyền trưởng Phạm Quang không còn nhớ nổi số lần mà mình cùng các thuyền viên trên tàu gặp giông gió, sự cố bất ngờ. Lần gần đây nhất là vào cuối năm 2021, tàu của ông không may va phải chướng ngại vật trên biển rồi bị phá nước và chìm. May mắn được ứng cứu và trở về sau chuyến biển nhiều tổn thất, người dân làng biển Định Tân những tưởng ngư dân Phạm Quang sẽ nghỉ hẳn biển để ở nhà vui vầy cùng con cháu ở tuổi xế chiều. Ấy thế mà vị thuyền trưởng đã ngoài tuổi 60 này vẫn can trường, mạnh dạn mua tàu mới, tiếp tục vươn ra ngư trường Trường Sa để săn cá chuồn, cá đỏ, cá hồng… 

>> Những ngư dân ở làng biển Quảng Ngãi họ sinh ra và lớn lên tựa như hàng phi lao trước gió. Họ luôn mạnh mẽ và can trường. Dẫu có những lúc biển cả giận dữ nổi sóng lớn, nhưng họ vẫn quyết chí thi gan cùng sự khắc nghiệt của thiên nhiên để tiếp tục bám biển. 

Như Đồng

(Bài và ảnh)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!