T2, 06/07/2020 10:17

Những nữ ngư phủ bám biển Đông trong đêm

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là những nữ ngư phủ đặc biệt của làng chài Cù Lao Chàm, Hội An (Quảng Nam). Là phận nữ nhi nhưng họ cũng ra khơi, có những người từng vươn tới ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều ngư trường khác. Những buồn vui họ kể về biển cả, về số phận, về những lần lênh đênh trên biển cả giữa bão tố thực sự là cả một câu chuyện bi hùng về những nữ ngư dân nơi đây. Và mong muốn của họ luôn là được ra biển, đạp đầu sóng dữ.


Những mảnh đời

Tiếng sóng vọng rì rầm dào dạt xô vào bờ cát, hoàng hôn làm một góc biển đỏ rực. Tiếng cười tinh nghịch của trẻ con bên những người mẹ tảo tần. Gương mặt của những người đàn bà không giấu hết nỗi nhọc nhằn dù đã nở nụ cười thật tươi, cật lực mưu sinh với biển. Đó là những người phụ nữ đi đánh cá ngoài khơi ở Cù Lao Chàm, TP Hội An, Quảng Nam. Họ phải sống, bươn chải và vươn lên để thay chồng bám biển, bám đảo và truyền tình yêu cho con cái…

Theo các chị, các mẹ thì đi biển không chỉ góp phần phát triển kinh tế gia đình mà còn thể hiện tình yêu thiết tha với biển. Cũng như đàn ông đi biển, tất cả họ đều coi “đảo là nhà, biển là quê hương”. Dù mưa gió, bão dập và muôn vàn khó khăn phải đối mặt, nhưng những phụ nữ ở xứ đảo này vẫn đoàn kết thành lập từng nhóm để ra khơi, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau giữa đại dương mênh mông sóng biếc, không thua gì những người đàn ông nơi ngọn sóng hát ru ghềnh.

Chúng tôi đi vòng hết dải đất Cù Lao Chàm. Đảo nhỏ không đủ làm người thấm mệt. Gặp chị Huỳnh Thị Thu, 43 tuổi, khi chị đang chạy chiếc ghe vào bờ. Sau một hồi tất bật với công việc, chị Thu nói với chúng tôi như tự sự với chính mình:

“Chúng tôi từ bé đã biết đi biển. Chẳng những đàn ông, mà đàn bà cũng vậy. Biển là nhà để chúng tôi sống và lặn lội cùng những nguy hiểm để mưu sinh. Biết rồi mai này biển cũng sẽ cạn nguồn tài nguyên. Cuộc sống chúng tôi sẽ trở nên khó khăn hơn, nhưng chúng tôi vẫn cứ phải ra biển…”.

Chị Thu tóc dài, khẩu trang bịt mặt che nắng, uyển chuyển bơi chèo như không cần dùng sức, và cất giọng nhẹ nhàng, nữ tính. Nước da mịn màng, chỉ có đôi bàn tay chị là chai sần với những vết cắt của lưới.

Chị Thu có ba đứa con, và những tấm lưới ghẹ này đã góp phần nuôi sống cả gia đình: “Tui giăng lưới như vầy mất nửa tiếng, chờ ba tiếng sau bơi ra kéo lưới lên cũng đủ tiền mua gạo mắm nuôi lũ trẻ ở nhà đi học!”.

Những người phụ nữ đi biển cũng làm tất cả những công việc như của đàn ông
Những người phụ nữ đi biển cũng làm tất cả những công việc như của đàn ông

Ở xã đảo này, ngoài những người phụ nữ lên thuyền lớn đi khơi xa còn phần nhiều chị em đi biển đơn lẻ bằng thúng hoặc thuyền nhỏ. Nhưng không vì vậy mà vơi đi những nỗi đau mất mát. Nhiều năm về trước, biển đã cướp đi nhiều sinh mạng của ngư dân. Dù cho nghề đi biển là thế mạnh của người dân xã đảo, nhưng họ vẫn không thể chống chọi lại những cơn giận dữ bất chợt của biển. Và rồi, người dân cù lao giữa biển Đông này vẫn phải sống tiếp cùng biển như đã là định mệnh.

Gặp chị Đỗ Thị Hải, tối qua biển động, mưa gió nên chị không ra khơi. Sáng sớm nay, người phụ nữ nhỏ nhắn này cùng một nguời khác mới chèo chiếc thuyền thúng bé xíu ra biển giăng lưới. Chị bảo bình thường chị vẫn bơi đi như thế, chỉ với chiếc thuyền thúng và những tấm lưới.

Những tấm lưới dài tới 1,5km, nặng hàng chục cân được chị bủa ra trong lộng một cách khéo léo. Một tay cầm mái chèo giữ cho con thuyền khỏi lật trên con sóng lớn, tay kia nhịp nhàng bung từng đoạn lưới xuống biển. Trên đường theo một chiếc ghe ra biển cách bờ chừng 2 hải lý, chúng tôi gặp nhiều người đàn ông bơi thuyền, nhưng thật không có một hình ảnh nào sinh động, lạ lùng và đẹp như hình ảnh những mái tóc dài theo gió biển tung lên như thế.

Đêm trường biển cả

Làng chài này nằm bên cạnh một vùng biển đẹp, trên đảo lại có rất nhiều núi đá, cây cối xanh tươi bao quanh. Nhiều người đàn ông làng chài này mà chúng tôi gặp thậm chí cũng không biết rõ nguồn gốc lý do vì sao phụ nữ ở đây lại ra biển. Đồng chí Chủ tịch xã đảo Tân Hiệp Cao Văn Phải nói họ đã đi từ hồi những năm 1970, vì nghề này kiếm ra tiền nên phụ nữ cũng muốn đi.

Theo chị Hải, cứ 1 giờ sáng hay từ lúc 4 giờ chiều là phụ nữ lại chèo thuyền rabiển, rồi lênh đênh đến 8-9 giờ sáng mới về. Mỗi thuyền chỉ có cây đèn, một tấm tre đan làm chỗ ngủ và những tấm lưới. Mỗi đêm như thế các chị thu được từ 70-80 ngàn đồng, có bữa trúng đậm thì vài trăm ngàn là ít.

Hỏi chị Hải làm thế nào mà lưới được cá, chị cười rất tươi: “Thì tui cũng làm việc như họ thôi: bủa lưới, vớt cá, lại lo cả cơm nước. Cậu thấy cánh đàn bà chúng tôi bơi lội đâu kém gì đàn ông! Chỉ cần ra khơi mấy chuyến là quen với sóng gió nên thấy cũng không vấn đề gì. Đi miết rồi cũng quen”. Chị Hải chỉ sang người phụ nữ đi cùng là chị Đặng Thị Hồng. Chị Hồng kể:

“Lúc đầu chỉ dám đi gần bờ thôi. Những đêm ngồi lênh đênh một mình một thúng trên biển sợ lạnh cả sống lưng, nhưng nghĩ đến mấy đứa con ở nhà nên rồi cũng qua được”. Người đàn bà hơn 50 tuổi này ngồi mân mê cây đèn hột vịt, người bạn duy nhất của chị trong những đêm trường giữa biển cả.

Những khi giữa biển đêm mênh mông sợ nhất là đèn tắt, bị ghe đụng rách lưới. Một tấm lưới 250.000 đồng, mà mỗi lần đi các chị mang có khi tới 12-15 tấm. Vậy nhưng chuyện bị ghe đụng rách lưới là thường xuyên. Có những lầnđi bị rách lưới, phải vá mất cả ngày, đã không được cá mà có khi mất cả lưới. Chị Hải thủ thỉ:

“Đi một mình, lại đêm hôm có ai biết đâu. Chỉ có cây đèn là biết. Đèn được bỏ trong một cái chai nhựa, bên dưới chằng thêm một tấm phao để lỡ có rơi xuống nước cũng không tắt. Những hôm trời thanh, biển êm thì sau khi buông lưới xong có thể ngủ một giấc. Còn gặp phải hôm biển động thì chỉ có ngồi đợi lúc kéo lưới. Còn khi mưa gió chỉ còn biết khoác áo mưa và tát nước liên tục cho thuyền khỏi chìm. Chẳng ai bỏ về cả vì không lẽ ra đây rồi lại về tay không!”.

Nhưng các cô, các chị ở làng chài này không chỉ ra khơi để lưới ghẹ và câu mực. Họ còn đi ghe, đi thuyền ra khơi như cánh đàn ông vậy. Nhiều phụ nữ cũng đã đi biển ròng rã mấy ngày liền như trai tráng. Chị Bằng là con thứ ba trong gia đình có bốn chị em gái. Ba mất sớm, chị phải đi làm nuôi bà nội, nuôi mẹ, nuôi em. 17 tuổi, chị theo ghe của ông bác ra khơi cùng bốn người đàn ông khác là anh em họ.

Chị cười nói với chúng tôi: “Tui tranh thủ đi làm để còn lấy chồng, tưởng rằng lấy chồng rồi khỏi ra biển nữa, ai ngờ chừ vẫn đi vậy!”.

Đời sau

Chị Hải, chị Hồng, chị Thu, chị Bằng và còn rất nhiều những người phụ nữ khác cũng đã theo nghề được mấy mươi năm. Con cái của các chị có đứa đang học đại học, có đứa học trung cấp, có đứa đã đi làm nhưng các chị vẫn gắn bó với nghề biển dẫu bao khốn khó tưởng chừng có lúc không thể vượt qua.

Các chị kể có lần ra biển, lưới rách hết mà không biết, đến lúc kéo lên thì chẳng còn cá, mất không một chuyến, ngồi thừ không muốn vào bờ nữa. Nhưng nghĩ đến mấy đứa con đang ngóng mẹ lại bơi vào. Có lần ra biển, nghe tin báo bão gần kề, lại tất tả chèo thuyền vào bờ bỏ cả lưới lại giữa biển khơi mà tiếc đứt ruột. Các chị bảo có yêu biển, yêu những con sóng mới có được nghị lực như thế. Nếu không, có lẽ đã bỏ biển mà đi lâu rồi…

Gặp một lão ngư đang xách lưới ra biển và đám trẻ con xã đảo xúm quanh ông hay nghịch bên những chiếc thúng. Trong đôi mắt ngư ông trọn đời bám biển, chỉ có những vệt sáng tươi khi nghĩ về cuộc đời sắp nhỏ. Dáng người rắn chắc, da đã bắt đầu nhăn lại nhưng không ai nhận thấy ở ông vẻ mệt mỏi của tuổi già. Ông cười vang át cả tiếng sóng:

“Lũ trẻ con chừ giỏi! Nói tiếng Tây nghe như gió. Mong tụi nó lớn lên làm du lịch ở nơi này!”. Rồi bất chợt một giai điệu bả trạo đặc trưng của người vùng biển vang lên bằng cái giọng trẻ con làm người khách lạ ngơ ngác. Những bước chân tí xíu rung theo từng giai điệu của câu hát xưa.

Hữu Cường

Báo Đất Việt

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!