(TSVN) – Nuôi tôm trong nhà đang trở thành mô hình tiên tiến được áp dụng rộng rãi hiện nay. Giải pháp này không những đơn giản mà còn đem lại hiệu quả cao, giúp tôm lớn nhanh, tránh được dịch bệnh, dễ kiểm soát và tăng hiệu quả rõ rệt.
Ao nuôi nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm, thuận tiện giao thông, có nguồn điện ổn định cho sản xuất. Gần nguồn nước, thuận lợi cho việc cấp và thoát nước dễ dàng.
Tránh xa những khu vực chịu sự ô nhiễm của chất thải công nghiệp, chăn nuôi gia súc, canh tác, nước thải sinh hoạt…
Nên lựa chọn xây ao nuôi tôm ở các vùng cao triều, vùng đất thịt, thịt pha cát và đất sét để thuận lợi cho việc nuôi tôm.
Ao nuôi cần được trang bị đầy đủ hệ thống sục khí đáy và quạt nước. Ảnh: Việt Úc
Người nuôi có thể lựa chọn nhà bạt hoặc nhà kính, tùy theo điều kiện cụ thể. Đối với nhà bạt, trên mái được phủ bạt nilon và được bảo vệ bạt nilon bằng lưới. Hệ thống mái che khép kín với 2 lần lưới trên và dưới, giữa là một lớp bạt, hệ thống dây cáp chắc chắn vừa an toàn vào mùa bão lại vừa tránh được côn trùng hay các loại động vật khác xâm hại, hạn chế dịch bệnh cho tôm nuôi.
Do nuôi tôm trong nhà kín gió nên ao nuôi phải tăng cường hệ thống sục khí đáy và quạt nước để đảm bảo hàm lượng ôxy đầy đủ.
Ngoài ao nuôi, cần đảm bảo có đầy đủ ao chứa và ao xử lý chất thải.
Hệ thống ao nuôi, cấp thoát nước được xây dựng chắc chắn, không bị rò rỉ, sạt lở, xói mòn, không có dịch hại.
Ao nuôi tôm thường sẽ có độ sâu từ 1,5 đến 2 m, sẽ được lót bạt dưới đáy ao và bờ. Diện tích của ao nuôi dao động khoảng 0,5 – 1 ha. Hình dạng của ao nuôi có thể thay đổi từ hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông sao cho thuận tiện trong việc tạo dòng chảy trong ao. Đáy ao phải được làm phẳng, có độ dốc và nghiêng về phía cống thoát nước.
Quạt nước được đặt cách bờ của ao nuôi từ 1,5 đến 2 m, số lượng quạt tùy thuộc từng điều kiện của ao nuôi.
Người nuôi cần chọn được con giống tốt nhằm hạn chế rủi ro ngay từ khâu này. Chọn mua tôm giống (SPF – giống sạch bệnh, SPR – giống kháng bệnh). Kích cỡ PL10 – 12 ở những cơ sở sản xuất có uy tín, tôm bố mẹ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; tôm giống đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định của ngành và được kiểm soát tốt về an toàn sinh học trại giống. Trước khi mua giống 3 ngày, thông báo với cơ sở sản xuất các chỉ số môi trường nước ao ương (pH, độ mặn) để cơ sở sản xuất giống thuần hóa giống phù hợp với các điều kiện ao ương.
Người nuôi cần kiểm tra chất lượng tôm giống khi vận chuyển về cơ sở nuôi. Các bao tôm giống về ao ương còn nguyên vẹn, đủ lượng ôxy; tôm khỏe mạnh; bơi phân tán đều trong bao. Kiểm tra lại pH và độ mặn của 3 túi tôm giống bất kỳ lấy chỉ số trung bình so với pH và độ mặn của ao ương để có biện pháp xử lý (thuần) trước khi thả tôm giống để hạn chế hao hụt. Khi chọn được tôm giống tốt thì tiến hành thả tuân thủ lịch thời vụ của cơ quan chức năng đã ban hành.
Mật độ nuôi tùy theo trình độ cũng như cơ sở hạ tầng của trại có thể dao động từ 150 – 250 con/m2. Tôm giống nên thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn.
Trước khi thả giống, cần ngâm các bao tôm giống xuống ao ương trong thời gian từ 15 – 20 phút cho cân bằng nhiệt độ; sau đó mở bao cho tôm giống bơi từ từ ra ngoài.
Chú ý: Trước khi thả tôm giống vào ao ương cần tiến hành sục khí, chạy quạt ao ương trong thời gian ít nhất 30 phút và kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước ao ương phải phù hợp với tôm giống. Trước khi thả giống cần sử dụng các loại thuốc, hóa chất chống sốc cho tôm như tạt khoáng, Vitamin C bằng cách đánh trực tiếp xuống ao nước, chạy quạt và sục khí liên tục.
Các mô hình khác nhau có thể sử dụng các phương pháp cho ăn khác nhau. Đối với trường hợp nuôi tôm trong nhà vụ Đông, do nhiệt độ thấp, tôm sẽ giảm ăn nên người nuôi có thể cung cấp lượng thức ăn ít hơn nhu cầu. Thêm vào đó, sử dụng phương pháp cho ăn nhiều lần trong ngày ở nhiều thời điểm khác nhau cũng là cách để người nuôi kiểm soát tốt hơn lượng thức ăn cho tôm.
Hàng ngày cho tôm ăn 4 lần vào thời gian khác nhau tùy thuộc vào nhiệt độ nước: 7 giờ sáng; 10-11 giờ sáng; 2 giờ chiều; 5-6 giờ chiều. Lượng thức ăn cho tôm tùy theo nhu cầu ăn của tôm và tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của tôm.
Nên bổ sung các loại chế phẩm sinh học để cải thiện hệ đường ruột của tôm Đối với chế phẩm sinh học, cần lựa chọn được các sản phẩm có thành phần Bacillus là nhóm vi khuẩn yếm khí. Do đó ít tiêu hao ôxy trong ao khi sử dụng, thích hợp sử dụng trong ao và trộn vào thức ăn. Nhóm này chịu nhiệt cao, thuận lợi trong quá trình chế biến thức ăn viên hay Lactobacillus, nhóm vi khuẩn yếm khí tùy nghi, có khả năng phân giải bột đường thành axit hữu cơ.
Đồng thời, người nuôi cần bổ sung các yếu tố tăng cường miễn dịch vào thức ăn của tôm chẳng hạn như các loại vitamin và một số chiết xuất thảo dược.
Hằng ngày kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi như pH, DO, nhiệt độ… Đối với các yếu tố môi trường cần nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của tôm. Những yếu tố môi trường không phù hợp cần được điều chỉnh kịp thời, tránh để tôm bị sốc hoặc kém ăn do yếu tố môi trường bất lợi.
Thường xuyên theo dõi hoạt động của tôm, định kỳ kiểm tra trọng lượng tôm, ước tỷ lệ sống, kiểm tra sàng ăn để điều chỉnh khẩu phần ăn hàng ngày cho tôm.
>> Ngoài kiểm soát được thời tiết, dịch bệnh, nuôi tôm trong nhà còn giúp người nuôi chủ động điều chỉnh thời điểm thả giống. Đặc biệt, nuôi trong nhà giúp người dân có thể yên tâm sản xuất vụ Đông.
Nguyễn Hằng