(TSVN) – So với nuôi tôm ở vùng triều thì nuôi tôm lót bạt trên cát ít rủi ro, ít chịu ảnh hưởng do thiên tai, dễ quản lý dịch bệnh, nguồn nước cấp sạch, ổn định độ mặn, xử lý nước thải tốt, có thể phát triển bền vững, bảo vệ môi trường xung quanh. Mô hình đang được nhiều hộ ở Quảng Nam triển khai.
Tính đến nay, diện tích nuôi thủy sản nước lợ toàn tỉnh Quảng Nam là 3.100 ha, sản lượng đạt 15.500 tấn, trong đó, sản lượng tôm nuôi đạt 12.500 tấn/năm (diện tích 2.650 ha); giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2019 đạt 1.350 tỷ đồng, trong đó tôm nuôi chiếm trên 80%. Riêng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát với 320 ha ở vùng Đông nhưng sản lượng tôm thương phẩm thu hoạch được mỗi năm lên đến 10.000 tấn. Nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hình thức lót bạt trên cát cho năng suất ổn định từ 10 – 15 tấn/ha/vụ, nhiều ao có thể cho năng suất hơn 20 tấn/ha/vụ.
Từ khi UBND tỉnh Quảng Nam có chủ trương cho phép phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng cát ven biển thì diện tích, năng suất và sản lượng tôm nuôi trên địa bàn tỉnh tăng lên rõ rệt.
Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, vùng nuôi đa phần là đất cát ven biển, ít bị ảnh hưởng bởi lũ, lụt nên chủ động được mùa vụ nuôi; nguồn nước cấp cho ao nuôi lấy trực tiếp từ biển, nước ngầm nên chất lượng nước tương đối tốt, ổn định để có thể nuôi quanh năm. Người nuôi đầu tư đầy đủ máy móc, thiết bị cho việc nuôi thâm canh nên chủ động được công tác quản lý môi trường trong ao, tôm ít bị bệnh, năng suất nuôi cao, ổn định.
Ảnh minh họa
“So với nuôi tôm ở vùng triều thì nuôi tôm lót bạt trên cát ít rủi ro, ít chịu ảnh hưởng do thiên tai, bởi mưa bão, lũ lụt, dễ quản lý dịch bệnh, nguồn nước cấp sạch, ổn định độ mặn, xử lý nước thải tốt, có thể phát triển bền vững, bảo vệ môi trường xung quanh. Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bằng hình thức lót bạt đang đem lại hiệu quả cao cho người dân Quảng Nam, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng cư dân và thay đổi bộ mặt vùng nông thôn ven biển”, bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, cho biết.
Thời gian qua, các mô hình nuôi tôm thẻ trên ao lót bạt ở vùng cát ven biển đã và đang phát triển mạnh, với hình thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh, theo hướng VietGAP, ứng dụng các quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, tạo ra nguồn sản phẩm sạch, có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu, đảm bảo sản xuất bảo vệ môi trường bền vững.
Ông Nguyễn Định Bình (xã Bình Hải, Thăng Bình) đầu tư 4 ao nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 5.000 m2, tất cả ao nuôi đều lót bạt, mỗi ao có hệ thống xi phông tự động, hệ thống sục khí, máy cho tôm ăn tự động, hệ thống thu gom chất thải và xử lý nước, ao lắng cấp bù nước phục vụ nuôi tôm thâm canh, có các khu nuôi vi sinh, dùng hỗn hợp men vi sinh ủ với chuối, gừng, sả… tạo Biofloc đưa xuống ao nuôi theo định kỳ để phòng bệnh. Mỗi vụ, ông thu hoạch được 25 tấn tôm, lãi 750 triệu đồng, tôm cỡ 60 con/kg.
Ông Đỗ Việt Hoa ở (xã Tam Hòa, Núi Thành) nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng an toàn thu được hiệu quả kinh tế cao. Nuôi thâm canh trên 5 ao tôm có tổng diện tích 6.000 m2, lần đầu tiên thu hoạch được hơn 30 tấn tôm thương phẩm/vụ và đặc biệt giá tôm bán đến 160.000 đồng/kg.
Tương tự, hộ ông Nguyễn Thành Chung (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình), ở giai đoạn 1, ông nuôi ương tôm giống trên bể nổi có đường kính 15 m, cao 1,5 m, chứa hơn 150 m3 nước và ương khoảng 60 vạn tôm giống Post 12. Sau thời gian ương nuôi 15 – 20 ngày, ông chuyển sang giai đoạn 2. Toàn bộ tôm ương được chuyển xuống ao nuôi thương phẩm ngoài trời, áp dụng nuôi theo công nghệ sinh học. Thời gian nuôi giai đoạn 2 khoảng 30 ngày, khi đó tôm đạt kích cỡ 200 con/kg, ông chuyển sang giai đoạn 3. Ở giai đoạn nuôi thương phẩm này, mật độ nuôi tôm được “đóng khung” 200 con/m2. Quá trình này kéo dài khoảng 90 ngày là thu hoạch, tùy theo biến động giá cả tôm thương phẩm, hộ chủ động thu hoạch bán tôm theo các kích cỡ khác nhau, có thể 60 con/kg hoặc 40 con/kg.
Điểm chung của các hộ nuôi tôm thành công trong vụ vừa qua còn ở phương thức nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn kết hợp công nghệ sinh học Biofloc cho thấy nhiều ưu việt, kiểm soát được dịch bệnh trên tôm như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, kể cả tránh được các bệnh do nấm gây ra.
>> Hiện, Quảng Nam cũng đã thu hút được 3 doanh nghiệp đầu tư và đang triển khai các dự án tại Khu Sản xuất và Kiểm định giống thủy sản tập trung (xã Bình Nam, Thăng Bình) với tổng diện tích 20,7 ha, trong đó khu sản xuất là 13,4 ha. Từ nay đến cuối năm 2020, các dự án sẽ đi vào hoạt động sản xuất giống, cung cấp con giống ra thị trường. |