T2, 06/07/2020 09:58

Phần I: Hội Nghề cá Việt Nam nhìn lại chặng đường phát triển

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thuỷ sản Việt Nam) – Hội Nghề cá Việt Nam đã có chiều dài lịch sử hơn 20 năm thành lập, là sự sáp nhập của hai hội: Hội nuôi Thủy sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam.

…Hiệp hội Nuôi tôm xuất khẩu Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 288-CT ngày 14/11/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Sau một thời gian hoạt động, Hiệp hội Nuôi tôm xuất khẩu Việt Nam đã có bước trưởng thành, cổ vũ, động viên ngư dân Việt Nam tập trung phát triển mạnh mẽ phong trào nuôi tôm trên khắp cả nước, từ khai thác tự nhiên đến quảng canh cải tiến và bắt đầu tiền đề cho nuôi bán công nghiệp và công nghiệp sau này. Con tôm đã trở thành sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Hội xã hội nghề nghiệp, nhằm tập hợp đông đảo nông ngư dân nuôi tôm cả nước, đưa con tôm Việt Nam trở thành sản phẩm xuất khẩu hàng đầu.

Tại tờ trình số 62HH ngày 4/10/1989 của Hiệp hội Nuôi tôm xuất khẩu Việt Nam và công văn số 01 ngày 6/1/1990 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản gửi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và Hội đồng Bộ trưởng đã có quyết định số 90-CT ngày 21/3/1990 phê chuẩn việc đổi tên Hiệp hội Nuôi tôm xuất khẩu Việt Nam thành Hội Nuôi tôm xuất khẩu Việt Nam và phê chuẩn Điều lệ Hội nuôi tôm xuất khẩu Việt Nam đã được thông qua tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất ngày 8/9/1989 và ông Vũ Đình Liệu nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ được bầu làm Chủ tịch Hội Nuôi tôm xuất khẩu Việt Nam.

Giải thưởng Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam do Hội Nghề cá Việt Nam trao tặng có uy tín rất cao

Đến năm 1995, tại văn bản số 3281-TCCB ngày 19/6/1995 của Văn phòng Chính phủ thông báo về việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Hội Nuôi tôm xuất khẩu Việt Nam đổi tên Hội thành Hội Nuôi thủy sản Việt Nam.

Cùng ra đời với Hội Nuôi thủy sản Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép thành lập tại quyết định số 86-CT ngày 11/3/1992 và Đại hội lần thứ nhất Hội Nghề cá Việt Nam được tổ chức vào ngày 20/6/1992 tại Hà Nội. Ông Huỳnh Công Hòa – Thứ trưởng Bộ Thủy sản được bầu làm Chủ tịch Hội tại quyết định 491-TCCB của Bộ trưởng Trưởng ban Tổ chức cán bộ Chính phủ công nhận bản Điều lệ Hội Nghề cá Việt Nam.

Đại hội Hội Nghề cá Việt Nam lần thứ hai được tổ chức vào ngày 6/1/1997, ông Huỳnh Công Hòa được bầu lại làm Chủ tịch Hội.

Giữa hai nhiệm kỳ Đại hội, Hội Nghề cá Việt Nam phát triển không ngừng, xứng đáng là tổ chức đại diện cho quyền lợi của ngư dân; Phát triển nhiều hội viên, đặc biệt ở các tỉnh ven biển, kể cả những vùng nuôi ở nội đồng, miền núi và biển đảo làm tăng nhanh giá trị xuất khẩu thủy sản từ khai thác, góp phần tích cực tạo ra nguồn thủy sản xuất khẩu. Từ sản lượng thủy sản chỉ đạt 400.000 tấn vào đầu năm 1980 đến cuối năm 1999, sản lượng thủy sản đã đạt 1.827.310 tấn, trong đó sản lượng khai thác biển là 1.212.800 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 614.500 tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ 12 triệu USD năm 1980 tăng lên 971,1 triệu USD năm 1999. Sự tham gia tích cực của các hội viên Hội Nuôi thủy sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam là đáng ghi nhận.

Chuẩn bị cho những bước phát triển mới của ngành Thủy sản đến năm 2005 và 2010, ngày 13/3/2000 Bộ Thủy sản đã có văn bản số 644-TS-TCCB-LĐ gửi Bộ trưởng Trưởng ban Tổ chức cán bộ Chính phủ về việc hợp nhất Hội Nuôi thủy sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam. Tại quyết định số 33/2000 QĐ/BTCCBCP ngày 5/5/2000 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) cho phép hợp nhất Hội Nuôi thủy sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam thành Hội Nghề cá Việt Nam.

Từ khi hợp nhất đến nay, nét đặc trưng và tính kế thừa của hai Hội cũ (Hội Nuôi thủy sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam) được củng cố và tiếp tục xây dựng hệ thống Hội từ cơ sở đến Trung ương, tổ chức lại sản xuất trong các chi hội nuôi trồng, tăng cường công tác lãnh đạo, tập huấn và chuyển giao khoa học công nghệ cho hội viên và ngư dân thông qua các mô hình khuyến ngư. Từng bước tổ chức sản xuất khai thác trên biển đi đôi với việc phát triển khai thác đánh bắt xa bờ, hợp tác liên kết giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất và bảo vệ an ninh vùng biển, an ninh quốc phòng và thực hiện gắn kết giữa sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, mở rộng hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy và đầu tư ngành phát triển.

>> Đại hội đại biểu hợp nhất lần thứ nhất ngày 31/3/2001 đã bầu ông Vũ Đình Liệu làm Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam và Điều lệ Hội Nghề cá Việt Nam được Bộ trưởng Trưởng ban Tổ chức cán bộ Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 27/2001QĐ/BTCCBCP ngày 22/5/2001.

 >>Đại hội Hội Nghề cá Việt Nam lần thứ hai được tổ chức vào ngày 6/1/2007 đã bầu ông Nguyễn Hữu Khánh làm Chủ tịch và được Bộ Nội vụ quyết định phê duyệt Điều lệ (sửa đổi) Hội Nghề cá Việt Nam tại Quyết định số 432/QĐBNV ngày 22/5/2007. Đến 2008, ông Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT được bầu làm Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam.

>> Hội Nghề cá Việt Nam là tổ chức đại diện cho quyền lợi ngư dân và những tổ chức cá nhân làm nghề thủy sản. Hội chuyển tải những cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước đến với hội viên thông qua cơ quan ngôn luận của Hội là Tạp chí Thủy sản Việt Nam.

Trần Cao Mưu

                Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!