Phú Yên: Triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, năm 2023, phấn đấu sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh khoảng 76.300 tấn, trong đó duy trì sản lượng đánh bắt khoảng 60.000 tấn, sản lượng nuôi trồng khoảng 16.300 tấn. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Phú Yên và các địa phương đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi và tăng cường quản lý tại các vùng nuôi.

Từ đầu năm đến nay, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Riêng đối với tôm nuôi nước lợ, thời tiết đang thuận lợi nên diện tích thả nuôi ngày càng nhiều, người nuôi tập trung chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh. 

Tại thị xã Đông Hòa, đến nay trên địa bàn thị xã đã thả nuôi với diện tích khoảng 350 ha tôm thẻ chân trắng, chủ yếu ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch. Từ đầu năm đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi, tôm nuôi phát triển tốt. Tuy nhiên, ở một số hồ có tôm nuôi bị bệnh, chủ yếu là bệnh hoại tử gan tụy cấp, với diện tích gần 7 ha. Đối với các hồ có tôm bệnh, ngành chức năng thị xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và địa phương xử lý dứt điểm, không để lây lan diện rộng.

Ảnh minh họa. Ảnh: Grobest

Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết, từ đầu năm đến nay, người dân trên địa bàn tỉnh đã thả nuôi khoảng 1.220 ha; trong đó, tôm thẻ chân trắng khoảng 690 ha, tôm sú gần 200 ha, còn lại là các loài thủy sản khác. Tình hình nuôi trồng thủy sản đến nay cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn có một số diện tích nuôi trồng thủy sản có thủy sản nuôi bị bệnh, trong đó khoảng 13,5 ha tôm nuôi bị bệnh hoại tử gan tụy cấp và khoảng 2,3 ha cá mú nuôi bị bệnh hoại tử thần kinh.

Để nuôi tôm nước lợ năm nay đạt hiệu quả cao, các địa phương cần tổ chức nuôi thủy sản trên diện tích mặt nước đã được quy hoạch; khuyến cáo người nuôi thực hiện tốt khung lịch thời vụ của tỉnh nuôi một số đối tượng thủy sản nước lợ, nước mặn năm 2023; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản của cơ quan chuyên môn. 

Đồng thời, cần ưu tiên phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, dễ mở rộng thị trường tiêu thụ như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm, cá biển và thủy đặc sản nước mặn, nước ngọt. 

Các địa phương cũng cần tăng cường vận động ngư dân giảm dần đến ổn định diện tích nuôi thủy sản trên đầm, vịnh, vùng biển ven bờ chiếm khoảng 15 – 20% diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản; phát triển tương ứng nuôi trồng thủy sản tại vùng biển mở và một số vùng trên bờ để thay thế sinh kế cho các hộ nuôi đầm, vịnh bị giải tỏa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, tăng cường quản lý, giám sát mã số cơ sở nuôi thủy sản gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong nuôi trồng thủy sản.

Mộc Trà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!