Quần đảo Falklands: Kinh nghiệm quản lý bền vững nghề cá Tây Nam Đại Tây Dương

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nghề cá Tây Nam Đại Tây Dương khá “trẻ” so với mặt bằng chung toàn cầu, nhưng được quản lý cực kỳ hiệu quả, đóng góp 64% vào GDP của quần đảo Falklands qua hoạt động quản lý khai thác hai loài mực và 11 loài cá vây.

Nghề cá hùng mạnh

Quần đảo Falklands gồm 778 hòn đảo nhỏ, cách Argentina 480 km về phía Đông Nam Đại Tây Dương. Trên quần đảo hiện có khoảng 3.700 cư dân sinh sống, chủ yếu tập trung ở thị trấn Stanley phía Đông Falklands. Do địa hình xa xôi đất liền, và gần Nam Cực, Falklands là nơi trú ẩn của nhiều loài sinh vật biển, đồng thời là một trong những ngư trường “giàu có” nhất thế giới. 

Nghề cá đóng góp 64% vào GDP của quần đảo Falklands. Ảnh: Getty Images

Falklands bắt đầu quản lý ngư trường dồi dào nguồn lợi từ năm 1987 bằng cách thành lập Khu bảo tồn nội vi Falklands (FICZ) cùng với hệ thống quy định phù hợp. Năm 1990, chính quyền địa phương xây dựng thêm Khu bảo tồn ngoại vi Falklands kéo dài tới 200 dặm tính từ ven biển, có chức năng giống như vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của quần đảo. Quyết định này được thực thi ngay sau khi người dân địa phương lo ngại nguồn lợi hải sản bị khai thác cạn kiệt bởi các tàu cá Tây Ban Nha, Ba Lan và Nga. Doanh thu từ hoạt động cấp phép đánh cá cho tàu nước ngoài đã giúp doanh thu của chính quyền địa phương tăng 500%. Nhờ đó, quần đảo Falklands cũng độc lập về tài chính với vương quốc Anh, trừ các vấn đề đối ngoại và quốc phòng. Năm 2022, doanh thu từ phí giấy phép đánh cá mang lại cho Falklands 30,5 triệu bảng Anh. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu cá và hải sản sang châu Âu giai đoạn 2014 – 2020 đạt mức trung bình 143,7 triệu bảng Anh. 

Một công nhân ở cảng Vilagarcia de Arousa, Tây Ban Nha dỡ lô hàng mực ống từ quần đảo Falklands. Ảnh: Getty Images

Falklands chỉ cho phép sử dụng 3 phương pháp đánh bắt trong khu vực thuộc quyền quản lý, gồm câu jigging với đối tượng mực vây ngắn Argentina (Illex argentinus); câu vàng longlining với các loại cá đáy như cá tuyết Nam cực; và lưới kéo đáy với mực ống Patagonian (Doryteuthis gahi) và các loài cá vây khác gồm lươn mào hồng (Genypterus blacodes), cá tuyết hake Argentina (Merluccius hubbsi), cá tuyết đỏ (Salilota australis). Hiện có khoảng 135 tàu cá của Đài Loan, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Vanuatu và Falklands thường xuyên hoạt động trên các ngư trường thuộc Falklands nhưng thời điểm ra khơi phụ thuộc vào đối tượng khai thác. Đối tượng đánh bắt chủ lực vẫn là mực ống, trong đó mực ống vây ngắn Argentina và mực ống Patagonian chiếm 75% tổng sản lượng khai thác. Do đó, gần 50% mực ống Patagonian được tiêu thụ trên thị trường châu Âu đều nguồn gốc từ vùng biển Falklands

Bảo vệ nguồn lợi biển

Cơ quan giám sát nghề cá đảo Falkland (FIFD) chịu trách nhiệm quản lý hoạt động khai thác hải phận thuộc Khu bảo tồn Quần đảo Falkland. Công cụ quản lý nghề cá của cơ quan này là hệ thống Hạn ngạch chuyển nhượng cá nhân (ITQs) được áp dụng từ năm 2006. Năm 2021, chính quyền đảo đã quyết định rà soát lại tính hiệu quả của ITQs sau 15 năm triển khai. Sau đợt rà soát này, nhà chức trách nâng cấp ITQs lên một phiên bản cao cấp hơn là ITBQ. Trước đó, chính phủ cũng phát triển Hiệp định nghề cá vào năm 2020 bao gồm Kế hoạch hành động chung 6 năm một lần nhưng phải báo cáo tiến độ thực hiện theo định kỳ 6 tháng một lần. Hiệp định cũng đưa ra mốc thời gian cốt lõi và một loạt các mục tiêu cụ thể nhằm mục đích sau cùng đó là xây dựng ngành thủy sản cạnh tranh lành mạnh, đồng thời đảm bảo an toàn cho môi trường biển và ngư dân. 

Ban ngành thủy sản trên đảo Falkland hợp tác chặt chẽ với đối tác trong ngành để tối đa hóa tiềm năng kinh tế nghề cá, đồng thời duy trì quan hệ với các viện khoa học như Viện nghiên cứu Môi trường Nam Đại Tây Dương (SAERI), Cơ quan bảo tồn Falklands, Trường đại học… nhằm quản lý nghề cá bền vững nhất. 

Các đội tàu câu mực jigging gồm 106 tàu treo cờ Đài Loan và Hàn Quốc, tập trung khai thác mực ống vây ngắn Argentina từ tháng 2 hàng năm. Do số lượng tàu đánh bắt mực này rất lớn nên doanh thu cấp phép chiếm một nửa tổng doanh thu từ hoạt động khai thác hải sản, mặc dù sản lượng đánh bắt mực Patagonian ở quần đảo Falklands nhiều hơn. 

Tàu tuần tra Lilibet đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ. Ảnh: Humanrightatsea

Chính quyền Falklands cũng đánh giá trữ lượng mực ống cẩn thân để duy trì nguồn lợi ổn định và làm căn cứ để đưa ra hạn ngạch khai thác ở các mùa tiếp theo. Cụ thể, các chuyên gia tại Falklands đã sử dụng mô hình tính toán ước lượng mật độ quần thể mực ống theo thời gian bằng cách đánh giá mức độ phong phú, và khối lượng có thể khai thác. Ví dụ, năm 2019, vụ khai thác mực ống Patagonian buộc phải kết thúc sớm do sinh khối ước tính giảm xuống dưới ngưỡng bảo tồn. Nhờ mô hình quản lý này Falkland duy trì nghề khai thác mực ống Patagonia ổn định qua nhiều năm, đồng thời được đánh giá là một trong những nghề cá được quản lý tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, nghề khai thác mực ống vây ngắn Argentina khó quản lý hơn do khó đánh giá chính xác nguồn lợi nằm ở các vùng đặc quyền kinh tế và hải phận khác nhau, đồng thời khó đạt được hợp tác quốc tế về cơ chế quản lý chung. 

Quản lý loài dễ bị tổn thương 

Trên hành trình quản lý nghề cá bền vững, Falklands luôn nỗ lực bảo vệ mòng biển và động vật biển có vú, cũng như giảm thiểu sản lượng khai thác không mong muốn. Công cụ pháp lý chính là Pháp lệnh động vật biển có vú năm 1992, nghiêm cấm giết hoặc bắt động vật biển có vú; và Pháp lệnh Thủy sản năm 2022, quy định thực hiện biện pháp ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tỷ lệ tử vong hoặc thương tích trên động vật biển có vú và mòng biển trong quá trình khai thác cá. 

Sau khi phát hiện tỷ lệ hải cẩu tử vong tăng đáng kể trong năm 2017, FIFI đã thực hiện thử nghiệm các biện pháp giảm thiểu tỷ lệ chết không mong muốn trên loài động vật biển này. Sau thử nghiệm, chính quyền đảo Falklands cũng yêu cầu các tàu khai thác mực ống Patagonian phải lắp đặt thiết bị loại trừ hải cẩu (SEDs). Chính quyền đảo Falklands đã mua sắm và thay mới tàu tuần tra cũ, trang bị công nghệ giám sát hiện đại. Ví dụ tàu tuần duyên FPV Lilibet đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ. 

Cá tuyết Nam Cực, còn gọi là cá chẽm Chile, là loại cá biển sâu có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là đối tượng “đầu bảng” của nạn khai thác trái phép (IUU). Để quản lý bền vững nguồn lợi cá tuyết Nam Cực, chính quyền Falklands chỉ cho phép khai thác bằng nghề câu vàng để giảm thiểu tác động đến môi trường biển. Từ năm 2007, các tàu khai thác cá tuyết Nam cực phải sử dụng ngư cụ có trang bị thêm thiết bị giảm thiểu tỷ lệ tử vong của mòng biển. Do đó, nghề cá tại khu vực này đã được chứng nhận MSC vào năm 2014, 2018 và có hiệu lực đến tháng 5/2024. 

Tuấn Minh

(Theo Eurofish)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!