Quảng Trị: Sản lượng thủy sản giảm mạnh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tháng 10/2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng tỉnh Quảng Trị giảm mạnh so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do trước đó môi trường nuôi bị ô nhiễm nên phải dừng thả giống để xử lý ao.

Nuôi tôm gặp bất lợi

Theo Cục Thống kê Quảng Trị, sản lượng thủy sản tháng 10/2023 ước tính đạt 1.691 tấn, giảm 12,86% so với cùng kỳ năm trước; bao gồm: cá 1.224 tấn, tăng 2,34%; tôm 126 tấn, giảm 66,84%; thủy sản khác 341 tấn, giảm 5,88%. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 30.825 tấn, giảm 0,93% so với cùng kỳ năm trước; bao gồm: cá 21.489 tấn, giảm 8,52%; tôm 3.269 tấn, giảm 20,40%; thủy sản khác 6.067 tấn, tăng 72,60%. 

Nghề nuôi tôm ở Quảng Trị đang gặp nhiều bất lợi. Ảnh: ST

Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 10/2023 ước tính đạt 417 tấn, giảm 37,32% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: cá 284 tấn, tăng 11,37%; tôm 118 tấn, giảm 68,28%. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 6.562 tấn, giảm 7,26% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: cá 3.238 tấn, tăng 5,54%; tôm 3.125 tấn, giảm 20,40%.

Tôm nuôi là một trong những loài chủ lực của tỉnh Quảng Trị. Tôm ở địa phương này thường được thả nuôi từ tháng 4 – 9 hàng năm. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi tôm ở Quảng Trị gặp nhiều bất lợi như dịch bệnh diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài làm cho môi trường nuôi biến động khiến năng suất tôm giảm mạnh.

Neo đậu lồng bè phải tuân thủ các yêu cầu phòng chống lụt bão của cơ quan quản lý. Ảnh: Lê Trường

Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2023, dịch bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi đã xảy ra tại địa bàn 7 xã, phường của 04 huyện, thành phố (Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh, TP Đông Hà) với tổng diện tích bị bệnh 38,19 ha. Ngành Nông nghiệp đã cấp cho các địa phương số hóa chất 17.247 kg Chlorine từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ dập dịch góp phần ngăn chặn và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Ngoài ra, có 323,47 ha tôm bị chết không xác định nguyên nhân.

Bên cạnh đó, môi trường nuôi bị ô nhiễm là nguyên nhân làm tôm chết hàng loạt, ảnh hưởng đến năng suất nuôi. Điển hình là xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh có trên 170 ha ao, hồ nuôi tôm nhưng tôm đã chết đến 99% ngay đầu vụ thả nuôi, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Sau phản ánh của người dân, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị kiểm tra chất lượng nguồn nước mặt sông Sa Lung liên quan đến việc nguồn nước phục vụ vùng nuôi tôm ở huyện Vĩnh Linh có dấu hiệu bị ô nhiễm. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy 3/5 mẫu nước có các thông số vượt giới hạn B1 của QCVN 08 – MT: 2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt).

Tuân thủ khuyến cáo

Dù có giá trị kinh tế cao nhưng tôm là loại thủy sản rất nhạy cảm với thời tiết. Hiện, miền Trung đang mùa mưa lũ, các yếu tố môi trường trong ao nuôi như độ pH, độ mặn… trong nước thay đổi làm tôm nuôi dễ bị sốc, tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy phát triển mạnh. Bên cạnh đó, với những loài thủy sản đang nuôi, nếu mưa to, thủy triều dâng cao thì nguy cơ thiệt hại là rất lớn. 

Để hạn chế thiệt hại, hàng năm, trước khi bước vào mùa mưa lũ, ngành chức năng Quảng Trị khuyến cáo người dân cần thu hoạch ngay đối với những diện tích nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm. Cùng với đó, các hộ nuôi tôm cần tập trung gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở do mưa lũ làm thất thoát sản phẩm; nạo vét, khơi thông kênh mương đảm bảo thoát nước tốt khi xảy ra mưa lũ; thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi lũ lụt xảy ra.

Đối với những ao nuôi có khả năng vượt lũ, cần gia cố lại bờ ao chắc chắn đủ khả năng chống chịu với mưa lũ lớn. Đặt ống xả tràn để thoát nước khi mưa lũ kéo dài và khi mực nước trong ao quá lớn; đặt lưới chắn xung quanh ao nhằm giảm thất thoát khi mưa lũ kéo dài.

Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ cọc tre, lưới, đăng chắn, máy phát điện, phao cứu sinh… để chủ động gia số, sửa chữa ao nuôi khi có tình hống xấu xảy ra.

Đối với nuôi lồng bè, cần chủ động gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển lồng nuôi vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây hư hỏng lồng. Bố trí neo đậu phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu phòng chống lụt bão của cơ quan quản lý địa phương. Tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè khi có mưa bão xảy ra.

Nguyễn Hằng

Tỉnh Quảng Trị có hơn 3.450 ha ao, hồ nuôi thủy sản với đối tượng nuôi chính là tôm và cá nước ngọt. Những ngày qua, mưa lớn kéo dài đã làm thiệt hại khoảng 2 ha diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh (tính đến 8h ngày 15/11).

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!