Quy định mới giao khu vực biển và 4 kiến nghị phát triển nuôi trồng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BNNMT năm 2025, có hiệu lực từ ngày 2/5/2025, hợp nhất các quy định về việc giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Văn bản mở ra hy vọng tháo gỡ vướng mắc 4 năm qua. Trong bối cảnh mới, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nêu 4 kiến nghị thúc đẩy nuôi biển phát triển tương xứng tiềm năng.

Giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản không quá 50 năm 

Theo văn bản mới, thời hạn giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản không quá 50 năm. Thời hạn giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ nuôi trồng thủy sản không quá thời hạn nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thời hạn giao khu vực biển có thể được gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian của các lần gia hạn không quá 20 năm.

Về thẩm quyền giao biển, tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền và các đảo theo quy định, Bộ Nông nghiệp và Môi trường quyết định giao khu vực biển nằm ngoài vùng biển 6 hải lý; khu vực biển liên vùng; khu vực biển giao cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để nuôi trồng thủy sản. Trong phạm vi vùng biển 6 hải lý, UBND cấp tỉnh có biển quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.

Giao quyền sử dụng khu vực biển lâu dài tạo điều kiện giúp người nuôi trồng thủy sản đầu tư công nghệ tiên tiến và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn để sản xuất đạt hiệu quả cao, ổn định

Việc hợp nhất thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường và văn bản mới này đang mở ra thuận lợi trong việc giao khu vực biển cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Bởi vướng mắc lớn nhất trong phát triển nuôi biển những năm qua là vấn đề giao khu vực biển, vì muốn được cấp giấy phép nuôi trồng phải có khu vực biển, nhưng để được giao khu vực biển lại cần có giấy phép nuôi trồng, liên quan 2 hệ thống quản lý nên rất khó khăn. Bây giờ chỉ còn một hệ thống quản lý, hy vọng vướng mắc trong nuôi biển được tháo gỡ.

4 kiến nghị phát triển nuôi biển

Với hy vọng nuôi biển được tháo gỡ vướng mắc, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cũng nêu 4 kiến nghị để thúc đẩy phát triển.

Một là, sớm bổ sung quy định cụ thể, đơn giản hóa trình tự thủ tục, đảm bảo việc giao khu vực biển diễn ra thuận lợi, giúp người dân an tâm đầu tư và sản xuất lâu dài. Chấm dứt tình trạng suốt 4 năm qua, chưa có địa phương nào giao được khu vực biển với thời hạn 30 năm cho người nuôi. 

Hai là, thay đổi cách tiếp cận trong đánh giá tác động môi trường. Ở nhiều nước, cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu môi trường và hệ sinh thái của từng khu vực biển, xác định mức tải trọng tối đa để phân bổ cho các đơn vị hoạt động nuôi. Trong khi đó, Việt Nam lại yêu cầu người dân, doanh nghiệp tự lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dù chưa được cấp phép, chưa triển khai nuôi trồng, dẫn đến nhiều bất cập. Hơn nữa, đây là hoạt động khoa học công nghệ có yêu cầu chuyên môn rất cao, đa số các tổ chức và cá nhân nuôi biển không đủ khả năng thực hiện. Do đó, nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể về tác động môi trường của hoạt động nuôi biển thay vì đẩy trách nhiệm này cho người dân.

Ba là, xem xét lại mức phí giao khu vực biển. Hiện nay, Quảng Ninh đã chủ trương áp dụng mức phí cao nhất trong khung quy định. Nhà nước có quyền lựa chọn mức phí, nhưng điều quan trọng là phải hợp lý và phù hợp với thực tế. Mức phí cần tính đến loại hình nuôi trồng, bởi nuôi cá cao sản có thu nhập cao hơn và tác động môi trường lớn hơn so với nuôi cá quảng canh hay các đối tượng có giá trị thấp như hàu, rong biển. Việc áp dụng một mức phí chung và cao cho mọi hình thức nuôi trồng là bất hợp lý.

Bên cạnh đó, cần xem xét cách tính phí dựa trên diện tích thực tế sử dụng thay vì toàn bộ diện tích khu vực được giao. Hệ số sử dụng diện tích của từng mô hình nuôi trồng các đối tượng khác nhau sẽ rất khác nhau, ví dụ nuôi cá sử dụng tối đa khoảng 65% diện tích, nuôi hàu chỉ 25%, trồng rong còn thấp hơn. Người dân cũng cần để lại khoảng lưu không. Giả sử, nếu áp mức phí 7,5 triệu đồng/ha/năm cho khu vực 100 ha được giao, tổng phí sẽ là 750 triệu đồng/năm – con số cực kỳ cao so với doanh thu nuôi biển hiện nay. 

Bốn là, quy định rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể mà người nuôi phải thực hiện khi giao quyền sử dụng khu vực biển. Nếu vi phạm, nhà nước có quyền thu hồi. Đặc biệt, trong các tiêu chuẩn này, cần có yêu cầu về nhân lực. Mỗi cơ sở nuôi biển ít nhất phải có một người được đào tạo chuyên môn về nuôi biển để đảm bảo quản lý và phát triển bền vững.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!