(TSVN) – Bài báo cung cấp những thông tin về một số công trình nghiên cứu ứng dụng RNT của Viện KH&CN Khai thác thủy sản nhằm bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản ở một số địa phương ven biển Việt Nam.
Khai thác thủy sản quá mức bằng những phương pháp đánh bắt mang tính hủy diệt không những phá vỡ cân bằng sinh học của hệ sinh thái mà còn nguy hại hơn vì hủy hoại nơi cư trú của các loài thủy sản. Từ những năm 1970 trở lại đây, nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu và sử dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm phục hồi nơi cư trú và tăng cường nguồn lợi của các loài thủy sản. Trong những giải pháp đang được các nhà bảo vệ nguồn lợi, môi trường cũng như nhà quản lý quan tâm là việc xây dựng các vùng rạn nhân tạo (RNT). Việc thả RNT được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm bảo vệ, phục hồi nguồn lợi, thu hút và tạo nơi sinh cư cho các loại thủy sinh, đặc biệt là các loại thủy sản.
RNT là những vật thể tự nhiên hoặc do con người tạo ra được lắp đặt xuống biển làm thay đổi điều kiện vật lý hải dương nhằm duy trì và phát triển nguồn lợi thủy sản (Dupnot, 2008) [6]. Theo nghĩa hẹp, RNT được hiểu là “ngôi nhà” cho các loài sinh vật biển đến sinh sống và phát triển nên có ý nghĩa lớn trong bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học biển (SDMRI, 2010) [7]. RNT được xây dựng tại một phạm vi, khu vực nào đó ở biển hay vùng ven bờ với nhiều mục đích khác nhau như: Bảo tồn, bảo vệ, tập trung và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi rạn san hô và phát triển du lịch biển.
Ở Việt Nam, từ năm 2011, Viện KH&CN Khai thác thủy sản là một trong những đơn vị nghiên cứu ứng dụng RNT nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại một số địa phương ven biển. Kết quả nghiên cứu của các công trình đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy xây dựng các giải pháp nhằm phục hồi và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản ven biển.
2.1 Nghiên cứu xây dựng bãi cá nhân tạo tại Ninh Thuận nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng bãi cá nhân tạo tại Ninh Thuận nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản” do ThS. Nguyễn Trọng Lương và công sự thực hiện từ năm 2011 – 2013 [1]. Nghiên cứu đã sử dụng 300 RNT bằng bê tông kết hợp bè nổi, xây dựng thành công một bãi cá nhân tạo.
Mô hình tổng thể hệ thống chà – RNT [2]
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng:
– Số lượng loài sinh vật trong bãi cá nhân tạo tăng lên đáng kể, trung bình tăng 10,1% (từ 89 lên 98 loài) so với trước khi xây dựng bãi cá nhân tạo.
– Đa dạng loài sinh vật ở cụm rạn hình trụ tròn tương đương với rạn hình lập phương (98 loài) và mức đa dạng loài tăng lên theo thời gian thả rạn.
– Mật độ sinh vật trong bãi cá nhân tạo tăng lên nhanh so với trước khi xây dựng, trung bình gấp 8,8 lần sau 8 tháng thả rạn (từ 107 lên 947 cá thể/100 m²).
– Mật độ sinh vật trong các cụm rạn hình trụ tròn cao hơn hình lập phương gấp 1,7 lần sau 1 tháng và 1,9 lần sau 8 tháng.
– Mức độ gia tăng mật độ ở rạn hình trụ tròn cao hơn rạn hình lập phương. Trung bình mật độ ở rạn hình trụ tròn là 3,3 lần (từ 372 lên 1.233 cá thể/100 m²) trong khi rạn hình lập phương là 3,0 lần (từ 219 lên 661 cá thể/100 m²).
Ngoài ra, mật độ sinh vật trong vùng biển cũng được tăng lên đáng kể và có khuynh hướng tăng theo thời gian thiết lập bãi cá. Như vậy, việc xây dựng bãi cá nhân tạo có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi không chỉ tại vùng biển thả rạn mà còn ở các khu vực xung quanh.
2.2 Nghiên cứu xây dựng mô hình chà – RNT nhằm khai thác bền vững và tái tạo nguồn lợi ven bờ tỉnh Quảng Nam
Năm 2013 – 2014, ThS Nguyễn Trọng Lương (2015) thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình chà – rạn nhân tạo nhằm khai thác bền vững và tái tạo nguồn lợi ven bờ tỉnh Quảng Nam” [2]. Đề tài đã tính toán và thiết kế được hệ thống chà – RNT, đáp ứng được các chỉ tiêu kỹ thuật, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại vùng biển nghiên cứu.
Cá con tập trung ở chà – rạn [2]
Kết quả giám sát về số lượng các loài thủy sản bắt gặp trong khu chà – rạn cho thấy:
– So với số lượng loài động vật bắt gặp trước khi xây dựng mô hình thì sau 5 tháng lắp đặt số lượng loài tăng lên 62,2% (từ 45 lên 73 loài).
– Tần suất bắt gặp các loài cá trong khu chà – rạn có chiều hướng gia tăng theo thời gian thả. Thời gian càng dài thì tần suất bắt gặp các đối tượng càng tăng, điều này cho thấy mật độ của các loài cá càng lớn.
– Số lượng loài bắt gặp trong khu chà – rạn khá cao, từ 64 lên 73 loài, tăng 14%.
Bên cạnh các nguồn lợi về cá, kết quả khảo sát cũng cho thấy sự xuất hiện rong biển, rêu phát triển trên rạn và chà. Rong và rêu là một những mắt xích trong chuỗi thức ăn của nhiều loài sinh vật biển.
2.3 Nghiên cứu xây dựng RNT tại Vịnh Nha Trang nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản
Năm 2013 – 2015, ThS. Nguyễn Văn Nhuận đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng rạn nhân tạo tại Vịnh Nha Trang nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản” [3].
Kết quả giám sát về độ phong phú về thành phần loài cá cho thấy:
Thành phần loài cá ghi nhận được có 91 loài, thuộc 36 họ, 10 bộ. Trong đó, các họ cá có số lượng loài chiếm đa số là họ cá Sơn (Apogonidae) có 8 loài, họ cá Bàng chài (Labridae) có 7 loài, họ cá Thia (Pomacentridae) có 6 loài, họ cá Lượng (Nemipteridae), họ cá Phèn (Mullidae) và họ cá Bướm (Chaetodontidae) mỗi họ có 5 loài,…
So sánh với thời điểm trước khi thả RNT thành phần loài cá ở khu vực này tăng lên hơn gấp 3 lần.
Kết quả khảo sát cũng ghi nhận được 13 loài sinh vật đáy cỡ lớn bao gồm các nhóm thân mềm, giáp xác, da gai, xoang tràn, rong mơ và động vật có bao.
Cá và san hô tập trung ở RNT tại vịnh Nha Trang [3]
Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học và giải pháp khai thác hợp lý, bảo vệ nguồn lợi hải sản vùng biển Quảng Nam và lân cận
Tại Quảng Nam, năm 2016 – 2019, Trường Đại học Nha Trang thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học và giải pháp khai thác hợp lý, bảo vệ nguồn lợi hải sản vùng biển Quảng Nam và lân cận” do TS. Trần Đức Phú làm chủ nhiệm [5]. Một trong những nội dung của đề tài là xây dựng mô hình bảo vệ nguồn lợi hải sản, đề tài đã tính toán thiết kế cấu trúc RNT và vật liệu phù hợp cho vùng biển với quy mô lắp đặt 500 đơn vị rạn. Kết quả như sau:
– So với số lượng loài động vật bắt gặp trước khi xây dựng mô hình thì sau 12 tháng lắp đặt số lượng loài tăng từ 44 lên 78 loài, tương ứng với 77%.
– Tần suất bắt gặp các loài cá trong khu rạn có chiều hướng gia tăng theo thời gian thả rạn. Thời gian càng dài thì tần suất bắt gặp các đối tượng càng tăng, điều này cho thấy mật độ của các loài cá càng lớn.
Như vậy, việc “Thả RNT làm nơi cư trú cho các loài thủy sản” là một trong những giải pháp nhằm thực hiện nội dung của Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành [4]. Điều này cho thấy, vai trò của việc ứng dụng RNT (RNT) trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật của Việt Nam.
ThS. Nguyễn Văn Nhuận
Viện KH&CN Khai thác thủy sản – Trường Đại học Nha Trang
1. Nguyễn Trọng Lương (2013), Nghiên cứu xây dựng mô hình chà – rạn nhân tạo nhằm khai thác bền vững và tái tạo nguồn lợi ven bờ tỉnh Quảng Nam, Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh.
2. Nguyễn Trọng Lương (2015), Nghiên cứu xây dựng bãi cá nhân tạo tại Ninh Thuận, Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh.
3. Nguyễn Văn Nhuận (2016), Nghiên cứu xây dựng rạn nhân tạo tại Vịnh Nha Trang nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh.
4. Thủ Tướng Chính phủ (2024), Quyết định số 76/QĐ-TTg, ngày 18 tháng 01 năm 2024 phê duyệt Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030.
5. Trần Đức Phú (2019), Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học và giải pháp khai thác hợp lý, bảo vệ nguồn lợi hải sản vùng biển Quảng Nam và lân cận, Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia.
6. Dupont (2008), “Artificial reefs as restoration tools: a case study on the West Florida shelf. Coastal Management 36(5):495-507”.
7. SDMRI (2010), “The final progress report of the AR project.30”.