T2, 12/10/2020 01:29

Đánh thức tiềm năng kinh tế biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Kinh tế biển xanh thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững dựa trên tăng cường đầu tư vào duy trì và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tự nhiên biển, các dịch vụ hệ sinh thái biển, ven biển và đảo. Đây cũng là luận điểm cơ bản của Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược biển 2030).

Quán triệt 4 yêu cầu

Chiến lược biển 2030 xem kinh tế biển xanh là một phương thức phát triển mới và trở thành xu hướng chủ đạo của phát triển bền vững kinh tế biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Chiến lược này đang được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước, tiềm năng kinh tế biển nước ta đang được đánh thức trong bối cảnh các đe dọa từ thiên tai và nhân tai vẫn hiện hữu, khó lường.

Vì thế, để đạt được các mục tiêu đề ra, các ngành, các cấp cần quán triệt bốn yêu cầu cơ bản: Một là, phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững trên cơ sở giải quyết đồng bộ các mối quan hệ: giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển; giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội và các giá trị văn hóa biển, đảo; giữa phát triển kinh tế với sử dụng hợp lý tài nguyên biển, đảo; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển; giữa phát triển vùng biển, ven biển, đảo với phát triển vùng nội địa. Hai là, phát triển nền khoa học – công nghệ biển hiện đại, tiên tiến và nguồn nhân lực biển chất lượng cao sẽ tạo động lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển xanh. Nhà nước khuyến khích đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ sạch hơn, thân thiện với môi trường biển. Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và triển khai thực chất công cụ quy hoạch không gian biển để thực hiện thành công phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất đối với biển, đảo. Bốn là, duy trì môi trường hòa bình trong khu vực Biển Đông tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển bền vững. Điều này không chỉ thể hiện thái độ thiện chí của dân tộc ta, mà còn là một trong ba nguyên tắc chỉ đạo ghi trong Luật Biển Việt Nam (2012).

Hành trình “ra biển lớn”

Từ các yêu cầu trên, cần tiếp tục thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, tạo bước đột phá. Phát huy đầy đủ, có hiệu quả các nguồn lực bên trong, tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển theo cách tiếp cận liên ngành. Xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện thành công các mục tiêu, chủ trương và giải pháp đột phá của Chiến lược biển 2030 nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế biển xanh hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển. Chú trọng áp dụng các giải pháp khai thác các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển, ven biển và đảo. Khẩn trương kiểm kê và đánh giá “nguồn vốn tự nhiên biển” làm căn cứ triển khai quy hoạch không gian biển quốc gia dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái. Trên cơ sở đó phân bổ “không gian biển” cho các ngành, địa phương ven biển để quy hoạch chi tiết phát triển kinh tế – xã hội ngành và địa phương trong phạm vi “chỉ tiêu” không gian được phân bổ. Chú trọng mối liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển và ven biển để phát huy sức lan tỏa của các khu kinh tế biển, giảm thiểu các mâu thuẫn trong phát triển của các địa phương ven biển trên cơ sở phát triển “chuỗi đô thị ven biển” và xây dựng “chuỗi đô thị đảo”. Bên cạnh đó, cần quản lý, kiểm soát và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm từ các lưu vực sông và ở các khu kinh tế ven biển trước khi đổ ra biển.

Xây dựng năng lực giám sát, quan trắc, giảm thiểu và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển và đảo. Lồng ghép các vấn đề môi trường, tài nguyên biển và các rủi ro vào các dự án đầu tư phát triển, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở vùng ven biển, biển và đảo. Ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các sinh cảnh biển – ven biển đã bị mất, các hệ sinh thái biển quan trọng (rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển) đã bị suy thoái. Quy hoạch mở rộng và quản lý hiệu quả mạng lưới bảo tồn biển nước ta đến năm 2030 để phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển bền vững; tiếp tục đánh giá các vùng biển, đảo, ven biển giàu, đẹp có các giá trị quốc gia, quốc tế để trình cấp có thẩm quyền hoặc các tổ chức quốc tế công nhận, vinh danh. Bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản, nguồn giống hải sản tự nhiên… đang giảm sút. Khuyến khích các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương tham gia vào tiến trình quản trị biển, đảo thông qua cách tiếp cận quản lý biển theo không gian và đồng quản lý biển, đảo. Bên cạnh đó, thường xuyên nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư ven biển và trên các đảo về kinh tế biển xanh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững kinh tế biển.

Chú trọng cải thiện sinh kế và xóa đói giảm nghèo cho người dân ven biển, trên đảo để giúp họ thay đổi hành vi cá nhân trong cách đối xử với môi trường và tài nguyên biển. Xây dựng và triển khai lộ trình áp dụng công nghệ biển sạch hơn, ít carbon, ít chất thải trong các ngành kinh tế biển và các lĩnh vực dịch vụ biển. Nghiên cứu và sử dụng năng lượng thay thế và tái tạo từ biển, như: năng lượng gió biển, năng lượng mặt trời trên đảo, năng lượng biển (sóng biển, dòng chảy). Áp dụng các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái và cộng đồng, trong đó ưu tiên đầu tư bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái ven biển – cơ sở hạ tầng tự nhiên trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các thiên tai biển. Cần phải xác định: Phát triển bền vững kinh tế biển và xây dựng kinh tế biển xanh là việc làm lâu dài, phức tạp, đôi khi rủi ro khó lường và đòi hỏi đầu tư lớn. Nên, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, khả năng cụ thể hóa các chủ trương và yêu cầu của chiến lược, đặc biệt các ngành và địa phương phải tổ chức tốt khâu giám sát, đánh giá để kịp thời điều chỉnh các mục tiêu chiến lược cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Biển luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng với dân tộc Việt Nam và Chiến lược biển 2030 đã tạo một làn sóng mới đưa “Con tàu Việt Nam” ra biển lớn với tâm thức mới, trong tư thế mới; khẳng định vị thế của biển với cộng đồng đại dương thế giới.

>> Phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta không chỉ là đi theo xu hướng tất yếu toàn cầu, mà còn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, khi nền “kinh tế biển nâu” như là “vật cản” trên chặng đường phát triển bền vững. Kinh tế biển xanh lấy môi trường và tài nguyên làm “chất xúc tác” cho tăng trưởng, thoát dần nền “kinh tế biển nâu”, chú trọng tăng cường phúc lợi xã hội lâu dài.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!