Rô phi Trung Quốc – Nuôi dễ, bán khó

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Khi người nông dân Trung Quốc vẫn đang chật vật vì giá rô phi rớt thảm hại, thì các nhà máy xuất khẩu cũng liên tiếp đối mặt nhiều hệ lụy nghiêm trọng do thiếu đơn hàng.

2 nông dân và 20 ha

Trại nuôi cá của ông Lou ở Huệ Châu, Quảng Đông, một lão nông 60 tuổi, rộng 20 ha nhưng chỉ có hai vợ chồng ông quản lý. Nếu đây là một trại nuôi tôm rộng 2 ha thì hai vợ chồng sẽ cần thuê thêm nhân công. Điều này cho thấy nuôi rô phi dễ hơn nhiều so với vài năm trước. Trước đây, nông dân trong vùng thường nuôi 2 vụ rô phi/năm và thu hoạch rải rác. Nhưng ngày nay, nông dân tại Huệ Châu chỉ thả cá và thu hoạch 1 lần trong năm. 

Trại nuôi 20 ha chỉ cần 2 lao động. Ảnh: ST

Năm ngoái, một ao cá của ông Lou sản xuất 2,2 kg/m³, gần mức năng suất trung bình. Ông Lou chia sẻ họ không nuôi thêm vì không bán nổi. Hiện nay, tìm “đỏ mắt” nửa tháng mới có thương lái, và dù có đến thì họ cũng chỉ mua 2.000 kg cá. Suốt khoảng thời gian này, cá trong ao to dần. Năm ngoái, cá rô phi trong một số ao nuôi của ông Lou vượt mức 3kg/m³.

Cá khó bán cũng làm tăng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR). Vài năm qua, tỷ lệ protein thô trong thức ăn của rô phi đã tăng từ 29% lên 33%. Nếu thu hoạch và tiêu thụ cá thuận lợi, thì FCR chỉ 1,1. Nhưng do ế ẩm, cá nằm trong ao cả năm trời khiến FCR tăng lên 1,3 – 1,4. Hiện, chi phí thức ăn cá rô phi tại Trung Quốc khoảng 6.000 tệ/tấn (841,98 USD), xấp xỉ 8 tệ/kg cá (1,12 USD). Cùng đó, nhiều chi phí khác gồm lao động, điện, đất nông nghiệp, đóng gói cũng đẩy chi phí sản xuất thêm 1 – 2 tệ trong khi giá bán chỉ 9 tệ/kg (1,26 USD). 

Năm nay, các chợ dân sinh ở Trung Quốc chỉ thu mua cá đạt cỡ 0,75kg trở lên. Ảnh: China Daily

May mắn là chất lượng cá rô phi giống và công nghệ nuôi ngày càng được cải tiến, nên tỷ lệ thành công của các vụ nuôi đạt tới 90%. Nhưng liên cầu khuẩn Steptococcus và viêm ruột vẫn là những dịch bệnh thường xuyên đe dọa ngành rô phi Trung Quốc, đặc biệt vào mùa hè. Khi nhiệt độ nước ao trên 30°C, các đợt liên cầu khuẩn sẽ bùng phát khiến cá chết hàng loạt. Nhiều nông dân đang sử dụng thuốc kháng khuẩn sulfonamide, cách nhanh nhất để kiểm soát dịch bệnh, kéo theo nguy cơ kháng thuốc rất cao. 

Ông Lou cho biết, đối với những con cá bán cho nhà máy, tôi không dùng kháng sinh phòng trị bệnh, mà sử dụng men vi sinh như mannan polysaccharides hoặc chiết xuất thực vật. Tuy nhiên, giá rô phi năm nay rất rẻ trong khi chi phí sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho cá như chất kích thích miễn dịch vẫn đắt đỏ. Những người nuôi cá rô phi lâu năm như ông Lou vẫn đang trăn trở: nuôi cá rô phi hiện nay khó lời lãi, vậy có cách nào phòng chống liên cầu khuẩn Steptococcus không tốn kém và không dùng kháng sinh?

Đại lý thức ăn cũng bế tắc

“Sự thật là người nuôi cá rô phi hiện nay không lời lãi bao nhiêu”, ông Huang,  một đại lý thức ăn rô phi hơn 20 năm trong vùng cho biết. Hiện nay, có hai kênh tiêu thụ rô phi tại Trung Quốc gồm nhà máy chế biến và chợ hoặc siêu thị địa phương. Năm ngoái, một nhà máy chế biến thu mua cá rô phi tại ao cỡ 0,5 – 0,6 kg với giá 8,6 tệ/kg (1,20 USD). Do đó, nông dân lời ít, nhưng vẫn lãi nếu biết quản lý trại nuôi đúng cách. 

Nông dân Quảng Đông, Trung Quốc chỉ nuôi và thu hoạch 1 vụ rô phi/năm. Ảnh: China Daily

Tuy nhiên, năm nay do ít đơn hàng xuất khẩu nên giá rô phi cùng cỡ chỉ 7,2 tệ/kg (1,01 USD). Giá này hầu như không gồm chi phí thức ăn. Nông dân phải chịu chi phí thức ăn với mỗi kg cá mà họ bán cho nhà máy chế biến. Năm ngoái, cá rô phi hơn 0,7 kg có giá 12,6 tệ/kg (1,76 USD) nếu chọn kênh tiêu thụ là các khu chợ dân sinh. Nhưng năm nay, các chợ dân sinh chỉ thu mua cá đạt cỡ 0,75kg trở lên. Cùng đó, các nhà phân phối cùng yêu cầu ít nhất 30% rô phi trong ao đạt cỡ trên 1kg nhưng nghịch lý là giá cá rô phi lại giảm xuống 10,6 tệ/kg (1,48 USD). “Phân phối bây giờ khó quá. Nông dân phải đặt trước một hoặc hai tuần để người mua đến xem cá. Và các nhà phân phối đang lợi dụng tình hình này để ép giá”, ông Huang chia sẻ. Nhưng nông dân không còn sự lựa chọn nào khác bởi bán cho nhà máy chế biến thì giá còn thấp hơn. 

Người nuôi cá rô phi và nhà phân phối thức ăn cho cá rô phi đang đối mặt khó khăn chung. Khi nông dân chật vật tìm đầu ra thì các cửa hàng thức ăn cho cá rô phi cũng vậy. Số lượng nông dân nuôi cá rô phi tại Lilin và Tonghu đã giảm 20% do lợi nhuận liên tục thấp. Nhiều hộ phải treo ao. Tiền nợ thức ăn cũng tăng lên. Ông Huang cho biết, nông dân nuôi rô phi trong vùng không dư giả nên họ nợ tới hơn 90% tiền thức ăn cho cá. Có hộ nông dân nợ từ năm ngoái vẫn chưa trả được. Các cửa hàng thức ăn chỉ lãi 6 – 7% nhưng nếu nông dân không bán được cá và trả nợ tiền thức ăn, thì doanh nghiệp như của ông Huoang cũng sớm đóng cửa. Một số đại lý đã chuyển sang bán thức ăn cho tôm.

Gần đây, nghề nuôi cá nước ngọt gồm cá trắm cỏ, cá chép và rô phi không còn lợi nhuận cao như trước do phát triển quá nóng trong khi xuất khẩu đi xuống và tiêu thụ nội địa cũng suy yếu. Thị trường thủy sản nuôi của Trung Quốc tiêu thụ hơn 70 loài thương mại. Rô phi là đối tượng cá nuôi có độ phủ sóng toàn cầu, đồng thời là xương sống của ngành nuôi trồng thủy sản Trung Quốc. Ông Yufan Zhang, Giám đốc phát triển kinh doanh tại Alltech, Trung Quốc cho biết, về quy trình nuôi, chế biến, tiếp thị, ngành rô phi Trung Quốc có bề dày lịch sử và minh bạch hơn các loài cá nước ngọt khác. Nông dân vẫn còn khả năng sản xuất rô phi ổn định ở cả hiện tại và tương lai nên dù đối mặt nhiều khó khăn, ngành rô phi Trung Quốc cũng khó sụp đổ. 

Tuấn Minh

(Tổng hợp)

Ngành nuôi cá rô phi du nhập từ Việt Nam vào tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc năm 1957. Năm 2018, sản lượng rô phi hàng năm của Trung Quốc đạt 1,8 triệu tấn, đứng thứ hai sau cá trắm cỏ, cá chép và cá diếc - 3 giống cá nước ngọt nuôi phổ biến nhất Trung Quốc từ hàng nghìn năm trước. Theo số liệu ngành thủy sản Trung Quốc công bố năm 2022, quốc gia này đã sản xuất 1,66 triệu tấn rô phi năm 2021, tăng nhẹ so mức 1,65 tấn của năm trước. 

Năm 2020, sản lượng rô phi nuôi của tỉnh Quảng Đông đạt 740.000 tấn, chiếm 44% tổng sản lượng rô phi của cả nước. Quảng Đông là vựa rô phi lớn nhất Trung Quốc nhờ thời tiết và giao thông thuận lợi. Hai thị trấn Tonghu và Lilin thuộc thành phố Huệ Châu dẫn đầu về nuôi cá rô phi tại tỉnh Quảng Đông, với tổng diện tích lên tới 2.000 ha, sản lượng rô phi cung cấp cho thị trường đạt 40.000 tấn.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!