T2, 06/07/2020 10:13

Săn cá ngừ mùa biển động – Kỳ 7: Đi vào vùng biển bão

Chưa có đánh giá về bài viết

Con cá ngừ đại dương đã trở thành thương hiệu mạnh của xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng cuộc đời những người kiếm được nó vẫn lam lũ như thủa nào. Cá ngày một ít đi, giá cá tăng không đuổi kịp giá dầu. Vàng câu ngày một dài, giờ đã tới 40 km, gấp đôi so với cách đây 10 năm, chuyến câu cũng dài cả tháng, gấp đôi xưa…

Kỳ 1: Ngàn dặm khơi

Kỳ 2: Ánh đèn côi cút trên biển đêm

Kỳ 3: Bủa câu

Kỳ 4: Ngôi nhà giữa lênh đênh

Kỳ 5: Những mảnh đời trên sóng

Kỳ 6: Vận đen

Con tàu “ốm” vào vùng biển bão

Đêm 24/6, tàu chúng tôi men theo đường Kinh tuyến 112 để ngược lên vùng Bắc Trường Sa, khu vực nằm giữa vĩ tuyến 11 đến 13. Vùng biển sâu mấy ngàn mét, năng lượng nhiều, là rốn bão của Biển Đông. Các vùng thấp hình thành, quẩn quanh ít ngày ở đây thành áp thấp nhiệt đới, rồi thành bão. Đây cũng là vùng biển mà bão Thái Bình Dương sau khi vượt qua Philippines thường chọn để vào Biển Đông. Cơn bão nào mạnh thì đâm thẳng vào bờ, cơn nào yếu chọn vùng này làm nơi dừng, “thong thả chơi” vài ngày để tiếp thêm sức nóng, mạnh lên rồi mới đổ bộ vào đất liền tàn phá. Ngư dân sợ nhất cái trò quẩn quanh của áp thấp, của bão, lắm khi tưởng đã ra khỏi bão rồi mà vẫn không thoát.

Cá heo (nược) nhảy lên báo cho ngư dân biết biển sắp động (chụp tại mẻ lưới thứ 5)

Đã qua cơn bão số 2, chuyển lên hướng Bắc thời điểm này tốn thêm 2 ngày đường và chừng 400 lít dầu, chắc đến 9 phần sẽ dính áp thấp hay bão. Lên Bắc Trường Sa lúc này nguy cơ gặp “tàu lạ” cũng rất lớn, những con tàu lạ đợt này như hung hãn hơn. Con tàu chúng tôi giờ đã thực sự là con tàu “ốm”, đã hơn gần 20 lần máy hỏng với hàng loạt bệnh: bơm cao áp hỏng, đường dẫn dầu hỏng, biến thế hỏng… Cả những cơn bão lòng đang hình thành trong anh em thuyền viên. Cuối mùa cá mà nhiều người tiền để dành chuẩn bị cho những tháng mùa đói tới đây chưa có. Bác cả Chung chuyến này về cần tiền cho vợ sinh đứa con gái thứ tư, anh Lượm trước chuyến đi để lại cho vợ được 400 ngàn đồng, gia cảnh ai cũng gắn với cái chữ nghèo, thiếu mọi bề. Cá lúc này cần hơn là tránh bão.

Vượt qua vĩ tuyến 11, chiều 26/6 anh Giành quyết dịnh dừng lại để bủa mẻ lưới thứ 12. Có tin một vùng thấp đang hình thành, vùng thấp trải rộng từ vĩ tuyến 11 – 13, nơi tàu chúng tôi đang ở. Từ ngày đó đến ngày cuối chuyến đi, vùng thấp cũng được thông tin đậm nét hơn trong những bản tin. Ngày 28/6 máy bộ đàm trên tàu chúng tôi lại hỏng, từ ngày ấy chỉ nghe chứ không nói được, tàu thế là “câm”, nếu xảy ra sự cố gì thì chịu, không gọi được cho ai đến cứu. Mẻ cá thứ 12 cũng không được con cá nào, đây đã là mẻ câu thứ 9 không cá liên tiếp.

 

Cứ như… đi câu

Chiều 27/6 mẻ câu thứ 13 bắt đầu được kéo lúc 13 giờ, đây cũng là ngày thứ 13 không được con cá nào, thực sự là u ám. Những con số 13 đen đủi chồng lên nhau, tôi ngại, ngại đến độ không chuẩn bị máy ảnh như mọi mẻ câu trước đó. Ngồi trong khoang tàu cạnh thuyền trưởng Giành đôi lúc thấy mồ hôi túa ra trên trán. Buổi sáng nay đến lượt cà phê cũng hết, rau hết đã 2 ngày, nước ngọt còn ở mức 5 lít/người/ngày, tắm, tất nhiên nước biển, tuyệt đối không được dùng nước ngọt để tráng lại đầu.

Ai đó gào lên… C…á, lúc ấy là 14 giờ 20 phút. Anh Giành và tôi lao ra boong tàu, trên biển xa xa là chùm phao trắng, thẳng đứng. Cá, chắc chắn rồi. Cầu mong cá mập, Ông nhà táng, đừng cướp của chúng tôi như đã từng cướp. Chú bò gù nổi lên, chừng 35 kg, rất dễ dãi để anh em đưa lên tàu.

Những nụ cười rạng rỡ, đã lâu lắm rồi, như cả thế kỷ, mới được thấy tất cả anh em cùng cười như thế, ai đó bảo: Bà, Cậu thương cho rồi. Buổi kéo thêm 2 lần dây câu đứt, vùng này trong đường đi của tàu lớn, dây câu thường xuyên đứt, thêm 2 lần hỏng máy, tất thảy không sao bởi cuối buổi câu thêm 1 chú bò gù. Mẻ câu thứ 14 cũng được 2 chú bò gù.

Chiến lợi phẩm lúc rạng đông

Mẻ câu thứ 15 bủa lúc 1 giờ sáng ngày 29/6, kéo lúc 10 giờ. Ngay từ những tay đầu tiên đã thấy cá, cá to, cứ thế cá theo nhau chui lên, chú nào cũng to 40 – 50 kg, có chú tới hơn 60 kg cả thảy 9 chú. Trong cái may, lại may thêm, chú cá thứ 8 tưởng đã mất với cá mập khi thấy bóng nó lao lên đớp lấy, cũng nhoằng một cái nhưng chỉ mất cái đuôi cá cùng vài vết rạch sâu hoắm trên thân cá. Chúng tôi đã gặp một chú cá mập vụng về. Chú cá mập ấy còn vụng về hơn, khi cứ lượn đi lượn lại quanh tàu, tiếc nuối con mồi để tôi “săn” được nó vào ống kính. Một ngày đẹp đến như mơ, thuyền trưởng Giành cười giãn hết cả nếp nhăn, anh em thì thầm “đã qua cái tổn”. Qua được cái mốc hòa vốn, bắt đầu từ đây, làm để ăn, để cho vợ con chứ không phải “đi bán dầu không công cho ông đại lý”. Mẻ câu 16 được thêm 4 con bò gù. Con tàu ốm rạo rực vui mặc cho cái tin vùng thấp đang mạnh lên, biển bắt đầu lặng sóng.

Vận may đến thật bất ngờ, khi người ta bắt đầu mất lòng tin rằng nó vẫn tồn tại, nó đến như cơn dông biển, nhanh, mạnh đến choáng váng. Rồi cũng như cơn dông nó ra đi cũng nhanh như vậy. Đang khi mọi người tin chắc đã vào mạch cá, thì cá lại biến mất. không thể hiểu nổi. Bốn mẻ cá nữa trắng tay, bất ngờ đến độ ngơ ngác. Thật đúng, cứ như… đi câu. Mẻ cá thứ 20 ngày 4/7, mẻ cá cuối cùng lặng lẽ kết thúc mà không có thêm lấy một lần anh em thuyền viên được reo lên… C…á. Buổi tối lại thả thúng, không phải câu mực làm mồi nữa, câu lấy ít mực về làm quà cho mỗi gia đình. Trong chuyến đi quăng cả tạ mực làm mồi câu, thấy cũng thường thôi chứ lên bờ con cá mực tươi quí lắm, vợ đi chợ mấy khi dám bỏ tiền ra mua. Đã thành lệ, trước khi về câu mẻ mực cuối cùng cho gia đình, cho những đứa trẻ được ăn đến thỏa thuê, làm tí quà của biển cho anh em hàng xóm. Sáu cái thúng lại lao xuống biển trong hi vọng, để rồi lại thất vọng, đêm câu thất bại đến thảm hại, mỗi người được 2 – 3 con mực nhỏ. Đường về buồn rã người, đến cửa biển lại hỏng máy thêm lần chót. Chỉ có một cái may, vùng thấp chưa thành bão.

Xuân Trường

(Còn nữa)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!