Khi những con vượn hú vang khắp cánh rừng nhiệt đới Amazon cũng là lúc những tay săn hải tượng long bắt đầu công việc. Những chiếc cano lao vun vút qua làn nước sáng rực ánh bình minh. Cuộc truy lùng “quái thú” piracuru – loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới chính thức bắt đầu.
Một ngư dân gỡ lưới cá tại Lago do Macaco, hay còn gọi là hồ Monkey, gần Maraã, Brazil. Trong lưới là con cá pirarucu – loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới.
Gã khổng lồ Goliath
Suốt mùa khô, khi nước sông Amazon gần cạn, cũng là lúc ngư dân đổ ra sông để săn lùng cá pirarucu. Một khi phát hiện dấu vết pirarucu, những cuộc rượt đuổi càng trở nên náo nhiệt hơn. Những con cá khổng lồ được kéo lên dài gần nửa chiếc thuyền. “Sông Goliath năm nay có nhiều cá piracuru khổng lồ”, Da Silva, một ngư dân 44 tuổi cho biết. Cá hải tượng piracuru là nguồn thực phẩm ổn định cho gia đình với 8 đứa con của anh. “Mùa này, tôi săn được nhiều con hải tượng, con nào cũng to hơn hẳn các mùa trước”, Silva hào hứng khoe.
Ngư dân dùng cây lao nhắm vào đầu cá pirarucu. Khi bị giật mình, cá sẽ quẫy và bắn nước rất mạnh như một cách để phô trương ngoại hình.
Để tìm kiếm hải tượng, ngư dân phải tiến sâu vào lãnh địa của piranha – một loài cá nhỏ tấn công và ăn thịt động vật sống ở Nam Mỹ. Cá hải tượng thường trú độ sâu hơn 2 m và nặng tới 180 kg – ngang ngửa cá da trơn khổng lồ sông Mekong. Ngư dân thường sử dụng đến những thanh gỗ dài để đập mạnh vào đầu cá nhiều lần cho chúng khỏi quẫy mạnh rồi mới kéo lên thuyền.
Henrique Alcione Batalha, một ngư dân 46 tuổi từ cộng đồng São Francisco da Capivara, cho biết, ông và gia đình thưởng thức những bữa tiệc linh đình từ thịt cá pirarucu ngay sau buổi đi săn. Một số ngư dân khác còn sử dụng vảy cá làm đồ trang trí, trong khi phần lưỡi của con cá này được sử dụng làm nguyên liệu để chế biến dược phẩm có tác dụng tăng cường sinh lực. Năm 2003, thu nhập trung bình của ngư dân khai thác cá hải tượng lên đến 650 USD.
Sau khi cá hải tượng được kéo lên cano, ngư dân dùng chày gỗ đập đầu cá đến khi chúng chết hẳn.
Tuy nhiên, phần thịt của cá hải tượng là có giá trị thương mại lớn hơn cả, được tiêu thụ suốt nhiều thế kỷ qua và được coi là món ăn đặc trưng của vùng Amazon. Một số con cá pirarucu có giá tới 200 USD và được bán tại các khu chợ truyền thống ở vùng Amazone, mang lại thu nhập cao cho các hộ ngư dân nơi đây. Tuy nhiên, khai thác cá pirarucu trái phép vẫn tiếp diễn ở nhiều vùng thuộc Amazon, khiến giá cá tại chợ truyền thống giảm mạnh. Trước đây, thịt cá pirarucu được xẻ nhỏ, ướp muối và phơi dưới ánh nắng mặt trời để làm thực phẩm dự trữ lâu ngày cho người dân. Khô cá pirarucu tẩm muối rất phổ biến ở Brazil và mang hương vị không thua kém cá tuyết cod nhập khẩu từ Na Uy.
Chiến dịch bảo tồn
Do khai thác quá mức và môi trường sống suy thoái, cá pirarucu đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Các nhà sinh vật học đang nỗ lực bảo tồn nguồn lợi cá bằng cách cấm khai thác.
Khai thác quá mức cộng với môi trường sống bị suy thoái đang đe dọa quần thể cá hải tượng ở nhiều nơi trên thế giới. Do đó, người dân sống ở ven sông và các nhà sinh vật học tại Amazon đang chung tay bảo vệ cá pirarucu. Biện pháp ban đầu là cấm những người ngoài vùng đến săn bắt cá. Trong khi thực hiện chiến lược bảo vệ các loài cá nước ngọt đang bên bờ tuyệt chủng, các chuyên gia ngành thủy sản cũng luôn dõi theo diễn biến nguồn lợi các loài cá khổng lồ tại các dòng sông và hồ trên thế giới.
Nỗ lực bảo tồn cá pirarucu là câu chuyện thành công của Amazon, trong khi vẫn đề ra chiến lược bảo vệ loài cá trước nguy cơ tuyệt chủng.
“Cách đây không lâu, chúng tôi đã từng lo sợ cá hải tượng sống trong tự nhiên sẽ biến mất khỏi Amazon”, Ruiter Braga, một kỹ sư thủy sản tại Mamiraua cho biết. Thế nhưng, chúng tôi đã phát hiện ra cách duy nhất để cứu cá pirarucu phải bắt nguồn từ chính những người dân đang sinh sống cận kề những con cá này – những người từng coi cá hải tượng là nguồn sống. Chính quyền Brazil đã bắt tay vào cuộc bằng cách ban hành những lệnh cấm khai thác cá pirarucu vùng Amazon từ năm 1996.
Chính quyền Brazil từng cấm khai thác cá vào năm 1996 nhưng vẫn cho phép ngư dân độc quyền khai thác cá tại vùng họ sinh sống.
Nhiều làng chài ven sông cũng cấm sử dụng các loại lưới kéo để bẫy cá pirarucu. Và yếu tố quyết định để bảo tồn loài cá này xuất phát từ ý thức của cộng đồng ngư dân khi tự giác thả những con cá có chiều dài dưới 1,5 m trở lại tự nhiên. Thông thường, cá pirarucu trưởng thành sẽ mất thời gian 3 – 4 năm.
Một số con cái hải tượng có giá 200 USD khi được bán ở chợ ngoài vùng Amazon.
Hiện, hơn 1.400 ngư dân trong và quanh vùng Mamiraua đã tham gia chiến dịch quản lý và bảo vệ cá pirarucu bằng hạn ngạch và gắn thẻ cho mỗi con cá được đưa lên bờ. Các chuyên gia ngành thủy sản hiện nay vẫn nỗ lực ngăn chặn tình trạng khai thác cá quá mức ở một số vùng rừng rậm, thương mại trái phép, đặc biệt ở bang Para. Claudio Batalha, một điều phối viên của dự án này cho biết, nếu không có chiến lược khai thác bền vững, loài cá này sẽ sớm biến mất. Do đó, ngày nay, Brazil cũng đang bắt tay vào các dự án nuôi cá hải tượng thương phẩm.
>> Cá hải tượng thường trú độ sâu hơn 2 m và nặng tới 180 kg – ngang ngửa cá da trơn khổng lồ sông Mekong. Ngư dân thường sử dụng những thanh gỗ dài để đập mạnh vào đầu cá nhiều lần cho chúng khỏi quẫy mạnh rồi mới kéo lên thuyền. |