Sẵn sàng cung ứng giống cho vụ mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong năm 2022 này, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định đang tập trung chỉ đạo các cơ sở sản xuất và cung ứng giống đảm bảo chất lượng và kịp thời vụ.

Chuyển biến tích cực

Trong năm 2021, hoạt động sản xuất và cung ứng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có sự chuyển biến tích cực. Các loại giống nhập vào tỉnh cơ bản được kiểm dịch, đảm bảo chất lượng, số lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu thả nuôi của người dân. Các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trong tỉnh đã quan tâm hơn tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng điều kiện sản xuất. Sản xuất giống mặn lợ tiếp tục phát triển mạnh, tập trung tại các xã ven biển của các huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng, với các đối tượng chủ yếu là ngao, hàu, tôm sú, cua biển, cá bống bớp… Một số cơ sở đã sản xuất thành công và xuất bán con giống ốc hương ra thị trường, đạt hiệu quả kinh tế khá tốt.

Theo kế hoạch, năm 2022, toàn tỉnh Nam Định phấn đấu sản xuất khoảng 15.400 triệu con giống các loại; trong đó có 14.400 triệu con giống nước mặn, lợ và 1.000 triệu con giống nước ngọt. Để đảm bảo chất lượng con giống, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát nhu cầu giống thủy sản các loại để có kế hoạch sản xuất và quản lý chặt chẽ việc nhập giống, nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất. Sau dịp Tết Nguyên đán 2022, thời tiết ấm áp nên các cơ sở sản xuất giống đã đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao, tuyển chọn cặp bố mẹ sản xuất phục vụ cho vụ nuôi mới. Cơ sở sản xuất cá giống của anh Trần Vũ Hải ở TP Nam Định từ nhiều năm nay là một trong nhiều cơ sở sản xuất giống cá uy tín trên địa bàn tỉnh. Với diện tích ao nuôi khoảng 1,8 ha và gần 30 bể ương giống, cơ sở cung cấp ra thị trường các loại cá nước ngọt truyền thống, cá chép Koi cho người nuôi trong tỉnh và các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế… Thời vụ sản xuất chính của cá giống từ tháng 2 đến hết tháng 9, nên ngay từ trước tháng 2, cơ sở đã tổ chức phân loại các cặp cá bố mẹ và áp dụng chế độ ăn phù hợp theo từng loại cá. Bên cạnh các cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ngọt, các cơ sở sản xuất giống thủy sản nước mặn, lợ cũng tích cực chuẩn bị giống cũng như các điều kiện cho vụ nuôi thả mới.

Đảm bảo giống chất lượng

Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định, để vụ nuôi mới thành công, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, phải lựa chọn mua con giống ở địa chỉ uy tín, có giấy kiểm dịch chất lượng của cơ quan chức năng; chọn con giống bảo đảm các tiêu chuẩn như khỏe mạnh, bơi lội nhanh. Ngoài ra, cần lựa chọn thức ăn phù hợp với từng đối tượng và giai đoạn nuôi; không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh cấm trong NTTS; tập trung phát triển sản xuất giống các đối tượng nuôi chủ lực như ngao, hàu, tôm nước lợ, cá bống bớp và các loại có giá trị kinh tế cao trong nuôi nước ngọt như cá trắm đen, cá lăng… nhằm đáp ứng nhu cầu của người nuôi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tiếp tục quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh nhất là giống tôm nước lợ, ngao; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra chất lượng giống, đảm bảo cung cấp giống có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, không mang mầm bệnh.

>> Năm 2021, sản lượng giống thủy sản các loại sản xuất được trên địa bàn tỉnh Nam Định ước đạt 14.800 triệu con, tăng 11,5% so năm 2020. Trong đó, sản xuất giống nước ngọt được 1 tỷ con, chủ yếu là các loại cá truyền thống; một số đối tượng nuôi như lươn, cá chạch đồng, ếch Thái Lan, ốc nhồi... cũng đã được sản xuất thành công, cung cấp cho người nuôi trong và ngoài tỉnh.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!