Sản xuất TĂTS: Tiên phong bằng công nghệ

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong những năm qua, Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể trong hoạt động NTTS, kéo theo đó nhu cầu về thức ăn cũng ngày càng lớn. Chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã thu hút được nhiều công ty trong nước và những tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các nhà máy chế biến thức ăn thủy sản.

Hiện trạng

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay nước ta có khoảng 120 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản với sản lượng 3,77 triệu tấn, đáp ứng 85,6% nhu cầu trong nước. Bên cạnh việc gia tăng nhanh chóng về số lượng các nhà máy thì công nghệ và dây chuyền sản xuất thức ăn thủy sản cũng ngày càng được hiện đại và tự động hóa. Nói về công nghệ sản xuất thức ăn thủy sản, khâu cốt lõi của mỗi nhà máy là quá trình ép viên thức ăn. Đây là hình thức nén các thành phần hay hỗn hợp nguyên liệu đã trộn để tạo ra hình dạng viên thức ăn bền vững đáp ứng được yêu cầu dinh dưỡng của động vật thủy sản.

Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm thức ăn thủy sản Ảnh: CTV

Hệ thống ép viên thường bao gồm các loại thiết bị: thùng nhận nguyên liệu, thiết bị ép viên, bộ phận làm nguội, nghiền, sàng và bộ phận chứa. Trong ép viên một bàn lỗ và trục cán được lắp ráp với nhau. Các vật liệu sau khi trộn được đưa qua bàn ép có chứa các lỗ và được trục cán ép thành viên. Sử dụng hơi nước, nhiệt độ và áp lực để tạo lực kết dính các nguyên liệu để sản xuất ra các viên có kích thước đồng đều. Hiện nay có hai công nghệ được sử dụng rộng rãi nhất để sản xuất thức ăn thủy sản là: Công nghệ ép đùn và công nghệ ép viên nén.

 

Công nghệ ép viên nén (Pelleting)

Ép viên nén là kỹ thuật nén các hạt nhỏ tạo thành hạt lớn hơn gọi là viên. Trong ép viên nén hỗn hợp trộn được làm nóng đến nhiệt độ khoảng 850C, độ ẩm 16% trong thời gian 5 – 20 giây, sau đó hỗn hợp được nén qua khuôn ép. Công nghệ này thường được sử dụng để ép viên thức ăn dạng chìm cho tôm. Các yếu tố ảnh hưởng đến viên ép nén là công thức thức ăn; thành phần muối khoáng; độ mịn của hạt nguyên liệu; độ hồ hóa nguyên liệu trước khi ép viên; khuôn ép; tốc độ quay của rotor; tốc độ thức ăn đi qua máy; áp lực của không khí.

Chất lượng của viên thức ăn ép nén lệ thuộc vào 40% công thức thức ăn; 20% độ mịn của nguyên liệu; 20% hồ hóa nguyên liệu; 15% khuôn ép và 5% làm nguội và sấy khô. Ưu điểm chính của thức ăn ép viên là chi phí sản xuất thấp hơn. Tuy nhiên, nhược điểm là thức ăn ép viên chìm nhanh hơn và tan nhanh trong nước, dễ gây ô nhiễm nguồn nước hơn.

 

Công nghệ ép đùn (Extrusion)

Là công nghệ ép viên ở áp lực và nhiệt độ cao (20 – 40 bar, 120 – 1250C) để tạo viên thức ăn. Thông qua việc điều chỉnh áp suất, nhiệt độ trong buồng ép và hàm lượng tinh bột và độ ẩm trong nguyên liệu, độ nở và tỷ trọng của viên thức ăn được kiểm soát để tạo ra các loại viên thức ăn nổi, chìm chậm hay chìm tùy theo đặc tính ăn của mỗi loài và mục đích của nhà sản xuất. Công nghệ ép đùn có nhiều ưu điểm như: nhờ độ ẩm, nhiệt độ và áp suất cao trong các máy đùn, dẫn đến sự hồ hóa gần như hoàn toàn (mức hồ hóa lên đến 80 – 95%) với các loại tinh bột. Phương pháp này phá vỡ, làm mềm thành tế bào và giải phóng một số chất dễ tiêu, do đó thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thu của con vật. Bên cạnh đó nó có khả năng loại bỏ một số yếu tố kháng dinh dưỡng trong nguyên liệu có nguồn gốc thực vật (đậu nành, cám gạo…); khử trùng được các loại vi khuẩn, nấm mốc có trong thức ăn. Tuy nhiên, công nghệ ép đùn có một số nhược điểm là: Nhiệt độ cao và áp suất cao trong ép đùn làm giảm nhiều vitamin trong thức ăn, đặc biệt Vitamin C; chi phí sản xuất cao hơn so với công nghệ ép viên nén (đầu tư ban đầu, chi phí cao vận hành).

Thức ăn ép đùn với nhiều lợi thế và cho những kết quả thử nghiệm trên vật nuôi tốt hơn so với thức ăn viên nén. Do đó, công nghệ ép đùn hiện nay được sử dụng phổ biến hơn trong sản xuất thức ăn thủy sản.

 

ThS Đỗ Văn Thịnh

Viện Nghiên cứu NTTS I

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!