“Sóng ngầm” thâu tóm doanh nghiệp?

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2012 đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù kim ngạch tăng nhưng điều nghịch lý là hàng loạt doanh nghiệp thủy sản đang lâm vào cảnh khốn đốn. Điều này cũng dấy lên những cơn “sóng ngầm” thâu tóm của những doanh nghiệp lớn.

Phá sản hàng loạt

Hàng loạt doanh nghiệp chế biến thủy sản ở ĐBSCL hiện đang co cụm hoạt động, thậm chí tuyên bố phá sản theo hiệu ứng sụp đổ dây chuyền. VASEP cho biết, từ đầu năm đến nay đã có hơn 400 doanh nghiệp trong tổng số 800 doanh nghiệp thủy sản buộc phải chấp nhận “đổ vỡ”, nặng nề nhất là các doanh nghiệp cá tra. Khoảng 80% số doanh nghiệp cá tra rơi vào tình trạng phá sản, chỉ còn 20% số doanh nghiệp trụ được thì phải tìm mọi cách bán hàng ra để quay vòng vốn, kể cả ồ ạt chào bán sản phẩm với giá thấp ở các thị trường.

Nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam lâm vào tình thế khó khăn là do không tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng, bị các ngân hàng thúc ép siết nợ vay trước đó, trong khi thị trường xuất khẩu đang ngày càng thu hẹp, giá nhân công và nguyên liệu không ngừng tăng cao…

Thiếu vốn cho sản xuất, hàng loạt doanh nghiệp thủy sản đang trông chờ các nguồn hỗ trợ – Ảnh: Việt Anh

Để vượt qua thách thức, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các giải pháp khác nhau như hạ giá thành, cắt giảm những khâu không cần thiết… Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp trước mắt còn về lâu dài vẫn cần sự hỗ trợ của nhà nước.

 

“Giải cứu” trước khi quá muộn

Thiếu vốn phục vụ sản xuất là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp thủy sản hiện nay. Do đó, việc ưu tiên các gói hỗ trợ ngành thủy sản là quan điểm chung của Bộ NN&PTNT. Theo đó, Bộ đã trình Chính phủ các gói giải pháp hỗ trợ người nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra. Đến nay, gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng dành cho ngành cá tra đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Mặc dù vậy, vẫn còn sự “lấn cấn” giữa các ngân hàng và doanh nghiệp về triển khai cho vay.

Còn đối với các doanh nghiệp thủy sản khác, theo VASEP, trong quý II/2012, hơn 90% doanh nghiệp thủy sản đang có nhu cầu vay vốn khẩn từ 10 – 500 tỷ đồng để duy trì được sản xuất, chờ cơ hội, đầu tư các vùng sản xuất nguyên liệu, thức ăn cho vùng nuôi. Nếu không kịp thời được vay vốn, 30% doanh nghiệp thủy sản có khả năng phá sản trong năm nay, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc hàng nghìn lao động sẽ mất việc làm, cũng như ảnh hưởng thu nhập của các hộ nuôi trồng thủy sản.

Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP cho biết, hiện có 70 – 80% doanh nghiệp thủy sản lệ thuộc gần như 100% vào vốn vay ngân hàng, trong đó nhiều doanh nghiệp đang “hấp hối”. Vì vậy, việc hỗ trợ cứu doanh nghiệp thủy sản và người nuôi cần phải làm ngay thời điểm này, càng để lâu sẽ càng bất lợi.

 

Thâu tóm có thể mở ra cơ hội mới

Bên cạnh việc phải đối đầu với nguy cơ phá sản, các doanh nghiệp thủy sản hiện nay còn phải đứng trước nỗi lo bị thâu tóm bởi doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, việc thâu tóm doanh nghiệp là hoạt động bình thường tại nhiều nước trên thế giới và đây cũng là quy luật cạnh tranh, đào thải trên thị trường.

Không thể không nhắc đến những vụ thâu tóm trong những năm gần đây của Công ty CP Hùng Vương (HVG). Điển hình là vụ mua thêm cổ phiếu của Công ty CP XNK Thủy sản An Giang (Agifish) năm 2010. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HVG cho rằng, Agifish có nền tảng của một doanh nghiệp tốt, có cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh doanh số xuất khẩu. Điểm yếu của Agifish là cách quản trị doanh nghiệp, dẫn đến hiệu quả làm ăn thấp. Do đó, sự hợp nhất giữa HVG và Agifish có thể tận dụng được lợi thế của nhau, từ đó nâng cao hiệu quả.

Các công ty thuộc hệ thống Hùng Vương

Sau hợp nhất với HVG, lợi nhuận của Agifish tăng lên đáng kể. Năm 2011, Agifish là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 84 triệu USD, lợi nhuận sau thuế vượt 1,5 lần kế hoạch đề ra đầu năm. 6 tháng đầu năm 2012, mặc dù các doanh nghiệp khác đang đối diện với khó khăn thì Agifish vẫn đạt lợi nhuận hơn gần 32 tỷ đồng, trong đó riêng quý II/2012 ước đạt hơn 20 tỷ đồng.

Mới đây, cuối tháng 6/2012, HĐQT của HVG đã quyết định mua 25% cổ phần của Công ty CP Chế biến Thủy sản XK Tắc Vân và Công ty Thực phẩm Sao Ta (FMC). Tình hình xuất khẩu tôm đang gặp nhiều khó khăn, nên lợi nhuận của FMC cũng bị sụt giảm khá nhiều. Tuy nhiên, nếu FMC về với HVG có thể tình thế sẽ khác. Còn nhớ, năm 2010 Công ty XNK Lâm thủy sản Bến Tre lỗ hơn 51 tỷ đồng nhưng sang năm 2011, khi HVG trở thành cổ đông chiến lược, Công ty này đã lãi hơn 6 tỷ đồng.

>> Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp không nên lo lắng thái quá khi cho rằng doanh nghiệp mình đang bị “thâu tóm”. Bởi bị thâu tóm cũng có thể sẽ mở ra một cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp và đây là xu thế tất yếu của sự phát triển.

Hải Băng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!