T5, 22/09/2022 10:11

Tàu hậu cần kết nghĩa để giảm phí tổn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trước tình hình giá dầu tăng cao, ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam quay sang bán luôn hải sản trên biển cho tàu hậu cần. Chủ tàu hậu cần thì theo phương châm “kết nghĩa để giảm phí tổn”.

Bài toán đi biển

Trên biển vào ngày đầu tháng 7, đoàn tàu làm nghề lưới vây rút, chụp mực của ngư dân Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi đánh bắt cách bờ hơn 120 hải lý, nên các thuyền trưởng tính toán làm sao đỡ chạy đi, chạy về hao tổn nhiên liệu khi giá dầu tăng cao.

Tại cửa biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên – Huế, tàu cá TTH 94899 TS đang vận chuyển đá xuống hầm tàu để tranh thủ chạy ra biển thu mua cá. Thuyền trưởng Lê Văn Ngọc ngồi ở cabin và chờ đá xếp đầy 18 hầm. Chiếc tàu hậu cần được đóng kiểu thân vỏ suôn như vỏ thuyền truyền thống, 2 đầu đều nhọn như múi cam. Nhìn sơ qua thấy kích thước của tàu có vẻ không lớn, nhưng tổng chiều dài lên tới 24 m, toàn bộ 18 hầm tàu chứa đủ 800 cây đá đã được xay nhỏ.

Cá nục được ngư dân đánh bắt trên biển và đang chờ tàu hậu cần tới thu mua. Ảnh: Lê Chương

Nhìn tốc độ nhân công vận chuyển đá từ nhà máy lên tàu, tôi hiểu con tàu này chỉ chờ khỏa đầy các hầm đá là tàu nhổ neo ra khơi ngay lập tức. Vì tàu đang nằm trong bến, nhưng thuyền trưởng vẫn mở máy Icom, máy định dạng sóng AIS và nghe âm thanh từ ngoài biển vọng về. Trên làn sóng điện, các ngư dân nói chuyện đánh đầy hầm cá nục và chờ tàu thu mua ra chở vô bờ. Vì tình hình giá dầu tăng cao, ngư dân muốn bán cá tươi ngay trên biển cho được giá, bên cạnh đó đỡ phải chi phí thêm tiền dầu để chạy lòng vòng.

Anh Ngọc cho biết, chiếc tàu hậu cần có công suất máy là 929 CV, máy hiệu Mitsubishi. Tàu làm nghề thu mua phải lắp máy “khủng” như vậy thì mới liên tục di chuyển dọc ngang trên biển theo kiểu đi chợ. Nếu ở khu vực đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị có thông tin về việc tàu ngư dân đánh bắt được khoảng 10 tấn cá nục, con tàu này phải di chuyển nhanh nhất tới đó để thu mua. Nhưng tiếp đến lại nhận được tin cách đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam có tàu mới đánh bắt được 10 tấn cá nục, tàu thu mua phải lao vút về hướng đó.

Khi chiếc tàu vừa chất đầy đá xay nhỏ xuống hầm, thuyền trưởng Ngọc nổ máy và chỉ một thoáng sau chiếc tàu đã khuất ngoài cửa biển. Khi chiếc tàu này vừa rời đi, con tàu hậu cần mang số hiệu TTH 99613 TS lập tức thế chỗ để lấy đá ra biển thu mua cá. Chiếc tàu này có chiều dài và chiều ngang lớn hơn, nên phải mất hơn nửa ngày mới có thể lèn đầy 1.000 cây đá lạnh xuống hầm tàu để con tàu “chạy chợ” trên biển.

Những con tàu kết nghĩa

Chuyện toan tính làm sao để đi thu mua nhưng vẫn trụ được trước giá dầu tăng cao được thuyền trưởng Lê Văn Ngọc tính toán bằng bài toán “anh em kết nghĩa”. Thời gian trước đây, mỗi khi ra khơi đi thu mua cá, chiếc tàu hậu cần di chuyển rất nhanh và chỉ hơn 4 ngày là trở về bờ với khoảng 25 tấn cá. Để thu mua trong thời gian ngắn và hoạt động trên vùng biển rộng, thuyền trưởng cho tàu di chuyển tốc độ trên 12 hải lý/giờ, di chuyển cửa biển Thừa Thiên – Huế tới đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi rồi lại quay ngược vô đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam. Còn hiện nay thì tàu vừa đi thu mua, nhưng phải kéo dài chuyến đi hơn và chủ yếu kẹp sát 2 tàu đánh cá kết nghĩa ở Quảng Bình.

Anh Ngọc cho biết, máy tàu có công suất gần 1000 CV vì vậy cứ đi 5 ngày trên biển đã chi phí tới 40 triệu đồng, khi giá dầu tăng thì đội lên thêm 20 triệu nữa, vì vậy nếu không phối hợp với tàu anh em kết nghĩa để hạn chế chạy, tổ chức thu mua ở cự ly gần thì chuyến ra khơi sẽ lỗ tổn. Anh Ngọc cũng chia sẻ niềm vui về việc 2 con tàu kết nghĩa ở Quảng Bình đánh bắt rất thành công, nếu phiên nào ra thả neo sát bên thì 2 – 3 hôm đã mua được số lượng cá lớn.

Trên chiếc tàu vừa cập vào lấy đá (thay tàu anh Ngọc), ngư dân Trần Văn Tuấn, thuyền trưởng tàu hậu cần TTH 99613 TS chỉ chiếc máy tàu có công suất lên tới 1.040 CV rồi kể, máy có công suất quá lớn nên bây giờ phải tính toán kỹ khi đi thu mua. Anh Tuấn cho biết, đi thu mua cá khắp trên biển, nhưng cũng có những vùng trọng điểm để đỡ tốn nhiên liệu. Ví dụ từ tháng 2 đến tháng 3 thu mua ở khu vực đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi, tháng 5 đến tháng 6 thu mua ở khu vực đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị và đảo Cù Lao Chàm tỉnh Quảng Nam, còn tháng 4 đến tháng 5 thì chạy 2 ngày 2 đêm ra thu mua cá ở khu vực đảo Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng.

>> Các thuyền trưởng tàu thu mua cho biết, họ kết nghĩa với các tàu đánh bắt thành công và giữ mối quan hệ bằng cách tặng vài thùng bia, trái cây. Cuối mùa đánh bắt hải sản, thì tới quê hương của các thuyền trưởng đóng góp 5 - 7 triệu cho vạn chài vào dịp mở biển đầu năm.

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!