T2, 06/07/2020 11:13

Tép rong – đặc sản mùa nước nổi

Chưa có đánh giá về bài viết

Hằng năm, mùa nước nổi cũng là dấu hiệu đến mùa tép rong. Sau mùa nước nổi, tép rong phát triển, sinh sôi rất nhanh. Đây là loài vừa có dinh dưỡng cao vừa rẻ tiền, dễ nuôi phù hợp với điều kiện vùng đồng ruộng. Nuôi tép rong sẽ là một nghề mới rất có tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không những vậy, tép rong còn là thực phẩm giàu đạm, cung cấp đầy đủ các loại axit amin cần thiết và cung cấp canxi, phốt pho cho cơ thể từ lớp vỏ mềm ăn được. Với vị ngọt thanh của thịt tép rong có thể chế biến thành nhiều món được thực khách rất ưa chuộng như: tép rang, tép nấu canh bầu, tép nấu canh rau tập tàng, mắm tép và gần đây nhiều địa phương nổi tiếng với món gỏi tép rong với bong điên điển trộn với bông súng. Trong đó, phải kể đến mắm tép, một món ăn truyền thống của nhiều gia đình vùng đất miền Tây. Cách chế biến món ăn này cũng khá cầu kỳ và công phu. Tép rong bắt về, lựa những con còn tươi làm sạch, để ráo. Ướp muối hột và rượu khoảng một ngày một đêm, sau đó đem xả nước lạnh vài lần. Riềng rửa sạch, cạo vỏ, bằm nhuyễn, xắt tỏi, ớt thành từng lát mỏng. Riềng phải nhiều một chút cho mắm tép có mùi thơm, sau đó trộn đều tất cả nguyên liệu trên (tép rong + tỏi, ớt + riềng) với nhau để sẵn vào keo sạch. Kế tiếp, nấu nước mắm ngon với đường cát theo phân lượng (1 bát đường cát + 1 bát nước mắm ngon) cho hòa tan, để nguội đổ vào xâm xấp với tép, đem ra phơi nắng 10 – 15 ngày (thời gian dài, ngắn tùy nắng nhiều hay ít) là mắm chín, muốn để lâu không hư nên cho vào ngăn lạnh…

Bên cạnh đó, tép rong còn là loại thức ăn tươi sống đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công trong ương nuôi nhiều loài thủy sản giá trị cao như cá bống tượng, thát lát, cá lóc… Đặc biệt là ở giai đoạn con giống sử dụng tép rong làm thức ăn tươi sẽ nâng cao được tỷ lệ sống khi ương.

Màu mắm tép đỏ au kết hợp hài hòa với màu vàng của đu đủ, màu đỏ của ớt, màu xanh của rau răm, màu trắng của những sợi riềng tạo nên ngũ sắc đẹp mắt. Hơn thế vị ngọt của đu đủ gần chín, vị cay của ớt, vị nhẫn nồng của riềng, tỏi vị chua, mặn của tép kết hợp thành hương vị đậm đà trong món ăn dân dã miền sông nước.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!