Tham vấn đề án phát triển chế biến đến năm 2030

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng nay, tại TP Hải Phòng, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở NN&PTNT Hải Phòng và các tổ chức WWF Việt Nam, IDH Việt Nam, IUCN tổ chức Hội thảo tham vấn Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản đến năm 2030. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân và Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hải Phòng Vũ Bá Công đồng chủ trì Hội thảo.

Mục đích của Hội thảo là lấy ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp… để hoàn thành bản dự thảo Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản đến năm 2030 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bản dự thảo Đề án hướng đến việc phát triển hệ thống cơ sở chế biến thủy sản hiện đại, có trình độ công nghệ tiên tiến gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Áp dụng công nghệ cao, tăng năng suất lao động; đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến sâu thủy sản của khu vực và thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hải sản đứng vững trong số 5 nước hàng đầu thế giới. Đa dạng hóa, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm thủy sản chế biến được phục vụ tiêu thụ nội địa góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.

Cụ thể, đến năm 2030, có ít nhất 60% số lượng cơ sở chế biến thủy sản đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất trung bình tiên tiến trở lên; có quy mô lớn, hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới; Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt bình quân trên 10%; Tỷ trọng giá trị sản phẩm thủy sản thông qua chế biến sâu đạt 45 – 50%; Tốc độ tăng năng suất lao động trong công nghiệp chế biến thủy sản dạt trên 7%/năm; Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 18 – 20 tỷ USD; giá trị sản phẩm thủy sản chế biến tiêu thụ nội địa đạt 31.500 tỷ đồng.

Để hoàn thành được mục tiêu này, dự thảo Đề án tập trung vào 3 nhiệm vụ và 4 giải pháp, trong đó cần nâng cao trình độ và năng lực công nghệ trong chế biến thủy hải sản; ưu tiên phát triển chế biến các sản phẩm chủ lực; phát triển thị trường…

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề mà dự thảo Đề án này đưa ra, trong đó một số ý kiến lo ngại chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu, bởi đây giai đoạn tới sẽ có nhiều khó khăn, điển hình là đại dịch Covid-19 vẫn đang rất phức tạp. Cùng đó, là vấn đề nguyên liệu chưa đáp ứng đủ công suất chế biến của các doanh nghiệp, đề xuất quy hoạch vùng nuôi đồng thời với quy hoạch chế biến; tạo cơ chế chính sách để doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu…

Kết luận Hội thảo, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên ngành thủy sản xây dựng đề án chế biến để nhìn xem 10 năm tới chế biến thủy sản sẽ ở đâu. Xây dựng đề án này không dễ, nhưng cần thiết để tiến tới hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành thủy sản. Xác định xem hiện trạng như thế nào, vấn đề nằm ở đâu để tháo gỡ… Và để Đề án hoàn thiện thì rất cần các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đóng góp nhiều ý kiến hơn nữa.

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!