T6, 16/02/2024 08:00

Thị trường nội địa – Khi bụt chùa nhà không thiêng?

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Là một nhà báo viết về thủy sản, tôi nhớ mãi một lần có đồng nghiệp người nước ngoài cùng tác nghiệp hỏi: “Bạn có thể dẫn tôi đi tham quan những cánh đồng nuôi trồng thủy sản, phục vụ cho người dân của nước bạn được không?”

Thị trường nội địa cần được xem là thước đo uy tín cho một quốc gia xuất khẩu. Nguồn: 123rf

Chuyện rằng, một phóng viên nước ngoài khi tới Việt Nam, thì sáng chiều đều được dẫn đi quay phim chụp ảnh những cánh đồng thủy sản, các nhà máy và dây chuyền hiện đại phục vụ cho xuất khẩu. Anh rất vui và thán phục sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam dành cho mũi nhọn xuất khẩu. 

Chỉ còn một câu hỏi, anh nhà báo này chưa tìm được câu trả lời: “Vậy các bạn không sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản, cho chính người dân các bạn sao?”. Câu hỏi này, được phóng viên nước ngoài đặt ra, khi một lãnh đạo doanh nghiệp chế biến thủy sản nói với phóng viên kia rằng: “Hơn 90% sản phẩm của chúng tôi dành cho xuất khẩu”… 

“Nhịn miệng đãi khách” 

Nhà báo nói trên, cũng như một số chuyên gia thị trường nước ngoài, khi tới Việt Nam đều tò mò muốn tìm hiểu: Đất nước Việt Nam đang xuất khẩu thủy sản đi hơn 170 quốc gia. Vậy thì người Việt Nam đang ăn con cá gì, ăn con tôm nào? Người Việt Nam có những tiêu chuẩn gì dành riêng cho mình không? Rồi có người còn tò mò xem con tôm người Việt Nam ăn, liệu có ngon hơn tôm xuất khẩu ra thế giới? 

Cần phát huy tối đa lợi thế của thị trường nội địa cho sản phẩm thủy sản. Ảnh: Shutterstock

Một lần, làm việc tại một doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản nổi tiếng, chúng tôi nghe lãnh đạo doanh nghiệp này, thao thao bất tuyệt về sản phẩm của họ, đã đạt những chứng chỉ thế giới nào, các vùng nuôi nhận được chứng nhận quốc tế gì. 

Cuối cùng, các chuyên gia thị trường nước ngoài lại đặt câu hỏi: “Vậy các vùng nuôi trồng thủy sản này, có đạt được các chứng nhận của Nhà nước Việt Nam không?”. Câu trả lời là: “Các vùng nuôi đã nhận được chứng nhận VietGAP, với tiêu chuẩn tương đương quốc tế”. Thế là các chuyên gia nước ngoài đều gật đầu tán thưởng. 

Một triết lý đơn giản mà rất chí lý đó là người nuôi trồng, chế biến thủy sản, nếu cả đời không được ăn, không được thưởng thức những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, thì làm sao họ có thể biết và làm ra những sản phẩm có tiêu chuẩn cao như vậy? Tựa như người chưa biết chữ, thì làm sao sáng tạo được các bài thơ? Bởi vậy, thị trường nội địa, cần được xem là thước đo uy tín cho một quốc gia xuất khẩu. 

Chẳng phải ngẫu nhiên, mà những nước như Nhật Bản và Mỹ, thì tiêu chuẩn cho sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa của họ luôn cao ngang bằng, thậm chí cao hơn nhiều quốc gia khác. 

Đôi khi, trên các phương tiện truyền thông, người ta lại nghe thấy cụm từ “bỏ quên thị trường nội địa”, để nói về việc các doanh nghiệp và vùng nuôi thủy sản, đã dành sự “ưu ái, thiên vị” quá nhiều cho thị trường xuất khẩu. 

Dường như, chỉ khi xuất khẩu bị đình trệ, sản phẩm xuất khẩu ế ẩm, thì khi đó nhiều doanh nghiệp mới quay lại với những siêu thị trong nước, tìm về chợ quê, để kêu gọi “giải cứu” chính mình. 

Liệu các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản có suy nghĩ gì, khi mức tiêu thụ thủy sản của người dân Việt Nam hiện chỉ bằng 1/2 người dân Malaysia? 

Tiên trách kỷ hậu trách nhân 

Các doanh nghiệp, các nhà phân phối thường đưa ra nhiều lý do biện hộ cho việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản tại thị trường nội địa thấp. Các nguyên nhân phổ biến như: Tâm lý người tiêu dùng, hệ thống phân phối chưa phù hợp, thói quen sử dụng sản phẩm tươi sống… Điều này chắc chắn sẽ cần phải được giải quyết, cải thiện, để sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam, có chỗ đứng tốt hơn trên chính quê hương mình. 

Song nhìn ở góc độ nhập khẩu, thì việc chúng ta “bỏ quên thị trường nội địa”, đã và đang khiến các doanh nghiệp Việt Nam, có nguy cơ mất vị trí vào tay đối thủ nước ngoài ngay trên sân nhà. 

Nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2022 đạt 2,72 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2021. Ấn Độ, Na Uy, Indonesia, Trung Quốc và Đài Loan là các thị trường chủ yếu cung cấp thủy sản cho Việt Nam. Ấn Độ xuất khẩu vào Việt Nam không chỉ tôm sú, TTCT, mà còn cả mực, cá tra, cá hồi… 

Từ tháng 1 đến tháng 11/2023, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,24 tỷ USD, giảm 18,9%; nhưng giá trị nhập khẩu đạt 2,41 tỷ USD, chỉ giảm 3,4%. 

Trong các mặt hàng nước ta có thặng dư thương mại từ tháng 1 đến tháng 11/2023, thì mặt hàng tôm giảm 24,7% so với cùng kỳ, cá tra giảm 27,5%. 

Ngược lại, nhiều sản phẩm thủy sản nước ngoài đang “dần trở nên quen thuộc” với thị trường Việt Nam với mức tăng trưởng chóng mặt. 

Chỉ từ tháng 1 đến tháng 9/2023, Việt Nam đã chi 142 triệu USD để nhập khẩu tổng cộng hơn 42.000 tấn thủy, hải sảntừNaUy.Consốnàygia tăng khoảng 8% về lượng và 23% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, chiếm khoảng 10% tổng giá trị thủy hải sản của Na Uy xuất khẩu từ tháng 1 đến tháng 9/2023. 

Trong khi, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 9/2023, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Na Uy chỉ đạt gần 4,8 triệu USD. Cả năm 2022 trước đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Na Uy chỉ vỏn vẹn đạt khoảng 10 triệu USD. 

Ưu tiên cho thị trường nội địa 

Bài toán thành công của sản phẩm thủy sản Na Uy tại Việt Nam, được phía Na Uy lý giải là đã “cung cấp nguồn hải sản chất lượng cao và đáng tin cậy cho người tiêu dùng Việt Nam”. 

Có thể thấy, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng xuất khẩu những sản phẩm chất lượng cao nhất của mình, thì các doanh nghiệp thủy sản nước ngoài lại nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, những sản phẩm có chất lượng cao nhất của họ. 

Ông Diane Lebouthillier, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Canada cho biết: Năm 2022, thương mại song phương giữa 2 nước đạt 14 tỷ USD và Việt Nam trở thành là đối tác lớn nhất của Canada ở Đông Nam Á, bất chấp việc Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 thế giới. Tôm hùm, cua tuyết, ốc vòi voi Canada, đã và đang là những sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng và luôn tăng trưởng ở mức 2 – 3 con số. 

Đại diện đơn vị nhập khẩu chính ngạch thủy sản Canada lý giải việc thủy sản Canada được ưa chuộng tại Việt Nam, ngoài chất lượng tốt, thì sản phẩm có giá rẻ hơn nhập từ nước khác, có thời điểm lên tới 40%. 

Người ta không còn ngạc nhiên trước cảnh tôm hùm Việt Nam loay hoay tìm đường xuất khẩu, thì các nhà hàng, các siêu thị lại sẵn sàng cung cấp tôm hùm ngoại với mức giá hợp lý, cho người tiêu dùng trong nước. 

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam cho biết: “Hội Thủy sản Việt Nam đang hỗ trợ các hội viên như Hiệp hội cá tra, Hiệp hội cá ngừ, các vùng nuôi tôm… chú trọng hơn nữa vào thị trường nội địa. Đã đến lúc cần phải coi trọng thị trường nội địa ngang với thị trường xuất khẩu. Người dân Việt Nam phải được thụ hưởng những sản phẩm tốt nhất của ngành thủy sản của chính mình. Làm sao để nâng mức tiêu thụ thủy sản trên đầu người của Việt Nam, ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới?”. 

Trần Nguyễn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!