Thị trường tiềm năng của tôm Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), nhập khẩu tôm đông lạnh nguyên liệu vào Australia 5 năm qua tăng trưởng khả quan từ 7,5 đến 37%. Năm 2013, nhập khẩu tôm đông lạnh của Australia đạt trên 232,8 triệu USD, tăng 14,9% so năm 2012. Đây là cơ hội cho các nước sản xuất tôm trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cơ hội mới

Hiện tại, Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ ba tại Australia, sau Trung Quốc và New Zealand, chiếm 20% thị phần, riêng xuất khẩu tôm chiếm 16% thị phần, đứng thứ ba sau Trung Quốc và Thái Lan. Xuất khẩu tôm sú Việt Nam năm 2013 sang Australia vẫn ổn định và duy trì ở tỷ trọng trên 60%. Chỉ riêng quý I/2014, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường này đạt 37,904 triệu USD, tăng 85,9% so cùng kỳ.

Theo thống kê của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), năm 2011, Việt Nam dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú, với sản lượng nguyên liệu khoảng 300.000 tấn/năm. 5 năm qua, Việt Nam luôn là nước cung cấp tôm chế biến lớn nhất cho Australia. Số lượng các nước cung cấp tôm chế biến cho Australia giảm mạnh, từ 19 xuống 10, tạo thêm “động lực” cho Việt Nam tiếp tục duy trì và mở rộng thị phần tại Australia. Bên cạnh đó, chính sách duy trì đồng nội tệ mạnh hơn so với USD cũng hậu thuẫn cho nhập khẩu thủy sản vào nước này.

Tôm là sản phẩm được ưa chuộng tại Australia

 

Thách thức không nhỏ

Australia được biết tới như một thị trường đấu giá theo lệnh – một sàn giao dịch điện tử, trong đó giá cả được quyết định bởi giá niêm yết do các nhà tạo lập thị trường đưa ra. Mặc dù các chào bán và chào mua của các cá nhân tham gia trên thị trường không được niêm yết công khai nhưng các nhà tạo lập thị trường sẽ tự cân nhắc giá cả cho các đơn hàng, hoặc xem xét yêu cầu mua và bán khác nhau của nhiều khách hàng, từ đó sẽ ra quyết định về giá. Ưu điểm chính của mô hình thị trường này là khả năng thanh khoản cao, nhưng  nhược điểm là thiếu minh bạch. Cũng theo ông Norman Grant – Chủ tịch Hiệp hội Nhập khẩu thủy sản Australia, muốn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, các nhà cung cấp phải có giá cạnh tranh. Chính điều này cũng tạo sức ép lớn cho các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam, trong bối cảnh chi phí sản xuất tại Việt Nam liên tục tăng.

Nhìn chung, các mặt hàng thủy sản nhập khẩu làm thực phẩm sẽ không phải chịu thuế tại Australia, nhưng các chi phí khác liên quan việc kiểm tra chất lượng cũng không ít. Theo Cục kiểm dịch Australia (AQUIS), các doanh nghiệp có ý định xuất khẩu thủy sản sang thị trường này nên tìm hiểu kỹ thông tin về hệ thống kiểm dịch sản phẩm nhập khẩu của Australia (hệ thống  ICON). Theo đó, các nhà xuất khẩu tại thị trường Australia phải xuất trình hệ thống truy xuất nguồn gốc đáng tin cậy. 100% sản phẩm được dãn nhãn, ghi rõ trọng lượng tịnh, tên từng loại sản phẩm phải chính xác, tham chiếu theo hệ thống dữ liệu tên sản phẩm thủy sản của Australia -AFN.

Một số sản phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật sẽ được lấy mẫu phân tích; nếu kết quả dương tính với virus WSSV (bệnh đốm trắng) và YHD (bệnh đầu vàng) thì các lô hàng đó sẽ bị trả lại. Mỗi lô hàng sẽ được kiểm dịch riêng rẽ. Các sản phẩm tôm đã qua quá trình chế biến kỹ lưỡng sẽ tránh được quá trình phân tích mẫu như trên; tuy nhiên, những sản phẩm này phải có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền tại nước xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn VSATTP, tiêu chuẩn về nhiệt độ, thời gian chế biến, bảo quản…  Như vậy, các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam cũng phải hết sức lưu ý vấn đề này, để đảm bảo hơn nữa ATVSTP, đồng thời cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giúp thủy sản Việt Nam nói chung và sản phẩm tôm nói riêng tiến xa hơn trên thị trường Australia.

>> Thủy sản nội địa chiếm 50% tổng sản lượng thủy sản của Australia, tuy nhiên, chủ yếu được sử dụng cho hoạt động xuất khẩu. Do đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, Australia đã tăng cường nhập khẩu từ các nước châu Á. Trong danh sách thủy sản được tiêu thụ chính tại Australia, tôm luôn dẫn đầu, gồm cả tôm nuôi và tôm tự nhiên.

MT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!