T2, 11/07/2022 09:38

Thị trường tôm giống 2022: Chạy đua tăng tốc chiếm thị phần

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sau chặng đường 6 tháng, thị trường tôm giống thế giới 2022 chứng kiến sự phục hồi ngoạn mục của nhiều hãng sản xuất. Đáng chú ý, hãng API đã phục hồi về mức trước đại dịch và trở thành hãng TTCT giống lớn nhất thế giới.

Xu hướng tôm khỏe

Robin Pearl, CEO của American Penaeid Inc. (API) cho biết, những khó khăn logistic do COVID-19 đã khiến xuất khẩu tôm giống của hãng này giảm từ 330.000 con năm 2019 xuống 227.000 con vào năm 2020. Công ty đã điều chỉnh chiến lược hoạt động và tăng khối lượng xuất khẩu lên 535.000 con vào năm ngoái. Con số ấn tượng này nhờ API chuyển sang sản phẩm mới hậu ấu trùng tôm bố mẹ (PPL), thay vì bán tôm bố mẹ trưởng thành như trước đây. Nhờ đó, công ty đã giảm chi phí vận chuyển, khai thác hiệu quả hơn các tuyến đường hàng không đang khan hiếm chỗ đồng thời đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

API mở rộng thị trường nhờ tung ra dòng sản phẩm tôm giống mới Dragon line™. Theo Robin, hiệu quả của dòng tôm này vượt kỳ vọng. Sản phẩm này đã được thử nghiệm tại Trung Quốc – thị trường lớn nhất của API cho đến nay, trong vụ nuôi năm 2020 và được bán thương mại đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2021. Giống tôm này đạt tỷ lệ sống gần tuyệt đối trong những môi trường nuôi bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất. Nông dân cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng của tôm rất tốt, FCR thấp và khả năng sinh sản được cải thiện đáng kể. Robin kỳ vọng Dragon line™ sẽ là “vũ khí” hỗ trợ công ty tiếp tục chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc và thâm nhập thị trường Ấn Độ, Indonesia. Tại những thị trường này, API cũng nhắm đến khách hàng mục tiêu gồm trại giống và trại nuôi bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Mặc dù các trại giống hay trại nuôi có nguy cơ bị dịch bệnh tấn công cũng khách hàng tiềm năng của các hãng tôm giống đối thủ khác nhưng Robin tin rằng hướng tiếp cận di truyền của API sẽ mang lại thành công. Thay vì tốn công sức tìm cách nâng cao hiệu suất tôm giống bằng phương pháp chọn lọc bộ gen như các hãng khác, API tiếp tục tập trung tìm ra những cá thể tôm khỏe và xác định bố mẹ của chúng và sử dụng chính những con tôm này để tạo ra thế hệ ấu trùng tôm đạt hiệu suất cao. API thực hiện toàn bộ công việc di truyền trong phòng thí nghiệm DNA tại Flordia, đây là một lợi thế bởi hầu hết các hãng tôm giống đều sử dụng nhà cung cấp dịch vụ bên thứ 3. Trong 3 năm qua, công ty này đã xác định cấu trúc di truyền cho hơn 1 triệu tôm, vượt xa các đối thủ. Theo Robin, di truyền học là trò chơi con số, càng thử nghiệm nhiều, áp lực chọn lọc càng cao.

Cạnh tranh tại Trung Quốc

Năm 2019, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 600.000 TTCT bố mẹ, trong đó một nửa nhập khẩu hợp pháp, còn lại là nhập lậu. Ngoài ra, những công ty liên kết dọc như Haid và Evergreen sản xuất thêm 400.000 tôm bố mẹ nội địa, nâng tổng số TTCT bố mẹ tại thị trường Trung Quốc lên 1 triệu, vượt xa Ấn Độ và Việt Nam nếu tính trên mỗi tấn tôm nuôi.

Năm 2020, tôm bố mẹ nhập khẩu hợp pháp tại Trung Quốc đạt trị giá 20 triệu USD, tăng so mức 15 triệu USD của năm 2019. Với chi phí mỗi con tôm giống cũng tăng từ 50 USD lên 65 USD, tổng số lượng nhập khẩu vẫn tương đối ổn định. Năm 2021, tuy nhiên, nhập khẩu tôm bố mẹ trong 11 tháng đầu năm lại thấp hơn năm 2002 tới gần 5 triệu USD trong khi chi phí bình quân 1 sản phẩm không đổi do một số tuyến vận chuyển như Hồng Kông và Thượng Hải đóng cửa vào tháng 4/2022 để ngăn chặn COVID-19.

API tuyên bố dòng tôm mới Gragon line thống trị thị trường Trung Quốc và là sản phẩm chủ lực giúp công ty trở thành hãng cung cấp tôm bố mẹ lớn nhất thị trường Trung Quốc. Nhưng nhiều nguồn tin khác xác nhận rằng cả 2 hãng tôm giống Hendrix Genetics – Kona Bay và Shrimp Improvement Systems (SIS) đều tăng lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Tương tự, Blue Genetics cũng nhanh chân đẩy hàng sang Trung Quốc sau khi mất cơ hội tiếp cận thị trường Ấn Độ. Cả 3 công ty này đã chiếm được thị phần từ CP Foods khi doanh nghiệp này đang loay hay bán dòng tôm giống lớn nhanh vốn đang ế ẩm tại Trung Quốc khi hầu hết vùng nuôi bị dịch bệnh tấn công.

Rút ngắn khoảng cách thị trường

Cũng như API, SIS cũng phải vật lộn với các khó khăn về logistics do COVID-19 gây ra, đặc biệt tại Hawaii. CEO của SIS, David Leong xác nhận từ năm 2019, SIS ghi nhận tăng trưởng liên tục về xuất khẩu tôm bố mẹ: 291.000 con vào năm 2020, 346.000 con vào năm 2021 và dự kiến 400.000 con trong năm 2022. Công ty này tiếp tục vận chuyển tôm giống từ 2 cơ sở sản xuất tại Florida và Hawaii, trong đó Hawaii chiếm phần lớn doanh thu. Ấn Độ và Việt Nam là hai thị trường lớn nhất của SIS với thị phần năm 2021 lần lượt 52% và 54%.

Theo David, SIS không ngừng nỗ lực cải thiện hiệu suất của các dòng tôm mới nhằm tăng cường tính trạng tăng trưởng và đề kháng. Các sản phẩm mới của SIS đã có chỗ đứng vững chắc tại các thị trường quan trọng. Doanh thu của SIS tại Trung Quốc cũng tăng gấp đôi từ năm 2020 nhờ dòng sản phẩm tôm giống đề kháng tốt và khỏe mạnh. Đây là thị trường tiềm năng và có sức tiêu thụ khổng lồ, mà theo David thì việc thâm nhập vào thị trường này sẽ giúp công ty tôm giống như SIS thực hiện được tham vọng tăng trưởng.

Trước thông tin BMC JV, công ty liên doanh của Hendrix Genetics – Kona Bay với Sapthagiri Group vừa ra mắt tại Ấn Độ, người đứng đầu SIS cũng phải thừa nhận rằng Kona Bay đã phát triển được một chiến lược tuyệt vời để rút ngắn khoảng cách địa lý với các thị trường mục tiêu. SIS cũng đang xem xét chiến lược này bởi các thách thức về vận tải, logistics ngày càng tăng trong bối cảnh chiến sự và dịch bệnh chưa chấm dứt. SIS cũng đang lo ngại khách hàng ở Việt Nam hoặc Ấn Độ cũng có thể thành lập các trung tâm nhân giống tôm bố mẹ tại địa phương (BMC) để duy trì an toàn sinh học cao nhằm đảm bảo tôm giống sạch bệnh.

Trong khi đó, Hendrix Genetics – Kona Bay cũng tìm cách mở rộng thị trường châu Á. Từ năm 2019 đến 2022, nguồn cung tôm bố mẹ của công ty này tại châu Á đã chiếm gần 50% và dự kiến tăng thêm 15  – 20% vào năm 2023. Trong năm nay, công ty này sẽ bán khoảng 270.000 – 330.000 tôm bố mẹ sang châu Á. Dấu mốc phát triển lớn nhất của Hendrix Genetics – Kona Bay là thành lập Kona Bay Indonesia, một công ty liên doanh với JAPFA. Kona Bay Indonesia là một BMC nhập khẩu tôm PPL từ Hawaii để nuôi thành tôm bố mẹ trước khi bán cho trại giống địa phương. Trong năm đầu tiên sau khi thành lập, công ty này đã sản xuất 60.000 – 80.000 tôm giống bố mẹ. Cơ sở mới tại Bali với công suất 100.000 tôm bố mẹ hàng năm cũng sẽ sớm đi vào vận hành cuối năm nay.

>> Theo Willem, chuyên gia ngành tôm tại Shrimpinsight, về lâu dài, cạnh tranh với những công ty toàn cầu lớn như Hendrix Genetics - Kona Bay, CP Foods và Benchmark Genetics không hề dễ dàng với các hãng nhỏ hơn như API hay SyAqua. Do đó, hợp nhất hay sáp nhập sẽ là xu hướng khó tránh trên thị trường tôm giống toàn cầu trong thời gian tới.

Vũ Đức

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!