Thủ tướng chỉ đạo triển khai ứng phó khẩn cấp bão số 9

Chưa có đánh giá về bài viết

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 9 (bão Molave) mạnh cấp 12 – 13, giật cấp 15. Từ đêm mai 27/10, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền khu vực Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Công điện cho biết theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia,bão số 9 (bão Molave) là cơn bão có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão khi ở trên biển có thể đạt tới cấp 12, 13, giật cấp 15, sóng biển cao từ 8 – 10 m.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo triển khai ứng phó khẩn cấp bão số 9

Sau khi vào Biển Đông, bão số 9 sẽ di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta. Từ đêm mai 27/10, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền các tỉnh khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng (khi đổ bộ vào đất liền mức độ tàn phá của cơn bão này có thể tương đương hoặc mạnh hơn bão số 12 năm 2017 đã đổ bộ vào các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, gây thiệt hại nặng nề).

Để chủ động ứng phó với bão số 9, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng và nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, tập trung một số nhiệm vụ sau:

Vị trí và dự báo đường đi của bão số 9 – Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia

Tập trung bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển, đảo, nhất là bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú; an toàn đối với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động nuôi trồng thuỷ, hải sản và các hoạt động khác trên biển; rà soát phương án, chủ động sơ tán người, phương tiện tại các khu vực nguy hiểm trên biển, đảo vào đất liền. Tùy theo diễn biến của bão và tình hình cụ thể, các địa phương quyết định việc cấm biển.

Trên đất liền, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân: Sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm hoặc không bảo đảm an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp; triển khai công tác bảo vệ nhà cửa, công trình, đê điều, hồ đập, bảo vệ cơ sở các sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp.

Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại những nơi xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; Thường xuyên cập nhật vùng nguy hiểm, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp cụ thể ứng phó với bão, lũ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của bão, lũ rà soát phương án, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên – Huế đến Ninh Thuận để bàn biện pháp ứng phó bão số 9 diễn ra sáng nay 26/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương tuyệt đối không tổ chức các cuộc họp không cần thiết, phải dành thời gian tập trung họp và chỉ đạo ứng phó bão số 9.

Văn Duẩn

Nguồn: Người Lao động

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!