Thừa Thiên – Huế: Nan giải nguồn cung giống thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Với diện tích NTTS lớn, nên nhu cầu về con giống thủy sản ở tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng tương đối cao. Tuy nhiên, đến nay năng lực sản xuất giống thủy sản ở địa phương vẫn chưa đáp ứng được thực tiễn sản xuất của người nuôi.

Phụ thuộc tự nhiên

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, nguồn giống thủy sản nuôi phần lớn phụ thuộc vào tự nhiên, ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu thời vụ trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu. Điển hình như giống cá nâu, kình… ngoài tự nhiên thường chỉ khai thác được theo từng thời điểm, nên gây khó khăn trong việc cân đối mùa vụ để tránh mùa bão, lũ, hoặc hạn hán. Ngoài ra, con giống khai thác từ tự nhiên còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường ảnh hưởng lớn đến chất lượng, tỷ lệ hao hụt trong quá trình ương dưỡng, nuôi thương phẩm khá cao.

Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thừa Thiên – Huế cho biết, hiện nay, số lượng giống tôm, cá nước lợ tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh rất ít, chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Do con giống trong tỉnh không đủ nhu cầu nên người dân phải mua từ các địa phương khác. Tuy nhiên, việc mua giống ở các tỉnh xa khiến chất lượng con giống khó đảm bảo, lại tăng chi phí đầu tư. Chẳng hạn như các cơ sở cung cấp giống tôm sú, TTCT chủ yếu ở phía Nam, quá trình vận chuyển đường xa ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nên người dân mua về thường thả giống ngay, không qua khâu kiểm tra bằng máy PCR. Trong khi, việc kiểm định chất lượng giống bằng mắt thường, kinh nghiệm rất khó và hoàn toàn không thể phát hiện mầm bệnh.

Cần đầu tư đúng hướng

Trại giống thủy sản Vân Nam ở xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) là cơ sở giống thủy sản đầu tiên, có quy mô khá lớn trên địa bàn toàn tỉnh. Theo ông Lê Ngọc Tấn (phụ trách trại giống), sau hơn 10 năm hoạt động nhưng đến nay quy mô ương dưỡng mới chỉ khoảng 100 triệu con tôm giống và một số loại giống cá nước lợ. Trong khi đó, bình quân mỗi vụ nuôi toàn tỉnh cần trên 2 tỷ con giống thủy sản các loại. Trại giống đang hướng đến đầu tư sản xuất giống thủy sản tại chỗ, quy mô lớn, nhưng do thiếu mặt bằng và nguồn vốn đầu tư thiết bị, giống bố mẹ, trình độ kỹ thuật cao là khó khăn lớn đối với cơ sở. Đây cũng là trở ngại chung khiến trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa có cơ sở nào sản xuất tôm giống và một số loại giống thủy sản nuôi vùng nước lợ.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế cho biết, điều kiện sản xuất nguồn thủy sản tại chỗ trên địa bàn tỉnh tuy khó nhưng có thể thực hiện được nếu có sự đầu tư đúng hướng, thỏa đáng, nhất là nguồn kinh phí, nhân lực, thiết bị kỹ thuật, mặt bằng phù hợp… Ngành nông nghiệp cũng đã định hướng, có kế hoạch đầu tư hạ tầng, kêu gọi và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, địa phương sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, một lợi thế hiện nay là Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 bổ sung, sửa đổi Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó quy định ngân sách Trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung; trung tâm giống thủy sản cấp vùng… cũng là cơ hội để đầu tư sản xuất giống tại chỗ.

>> Hàng năm, các cơ sở sản xuất giống trên địa bản tỉnh Thừa Thiên - Huế cung ứng khoảng trên 200 triệu con giống thủy sản; trong đó khoảng 120 triệu con tôm sú, 50 triệu con TTCT, 2,1 triệu con cá giống, 2,58 triệu con cua…

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!