Thừa Thiên – Huế: Phát triển bền vững nghề nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Thừa Thiên – Huế là tỉnh nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy sản; trong đó có nghề nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, nuôi sinh thái, nuôi tôm trên cát.

Khai thác thế mạnh tiềm năng

Thừa Thiên – Huế có ba vùng trọng điểm nuôi tôm là các huyện Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang. Năm 2012, tỉnh đã tiến hành giải tỏa 300 ha ao nuôi hạ triều vùng đầm phá ở vùng Rú Chá, huyện Hương Trà, phá Tam Giang của hai huyện Quảng Điền, đầm Sam Chuồn – Thủy Tú, huyện Phú Vang và đầm Cầu Hai, huyện Phú Lộc. Đã quy hoạch 30 ha tại vùng cát ven biển huyện Phong Điền để xây dựng nhóm trại sản xuất và dịch vụ cung ứng tôm giống cho vùng nuôi trên cát, củng cố hệ thống trại sản xuất và dịch vụ giống tôm sú tại huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc, phát triển mạng lưới ương (gièo) giống tại các xã nuôi trồng thủy sản trọng điểm. Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) vừa đưa Trung tâm thực hành, thực tập nuôi trồng thủy sản với nguồn vốn đầu tư hơn 33 tỷ đồng vào hoạt động, phục vụ đào tạo, nghiên cứu, sản xuất.

Dự kiến trong năm nay, toàn tỉnh sẽ thả nuôi 5.900 ha; trong đó, nuôi nước lợ, nước mặn 3.800 ha, nước ngọt hơn 2.100 ha. Trong quý 1, một số huyện có diện tích nuôi trồng nhiều như: Phú Lộc đưa vào cải tại 412 ha, Phú Vang 498 ha chuẩn. Theo đó, tổng diện tích đã đưa vào nuôi thả 120,8 ha chuyên tôm, nuôi xen ghép 1.160 ha.

Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đang được phát triển mạnh tại Thừa Thiên – Huế – Ảnh: Nam Anh

6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh đạt 7,5 triệu USD, tăng 73,9% so cùng kỳ năm ngoái… Xã Phong Hải (huyện Phong Điền) với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 65 ha, vụ thu hoạch đầu năm 2012, thu được 1.300 tấn, trị giá 170 tỷ đồng. Đây là vụ tôm trên cát được mùa nhất từ trước đến nay của xã. Nhiều hộ trúng lớn thu 2 – 3 tỷ đồng. Nguồn thu từ nuôi tôm hiện chiếm 45% tổng thu nhập toàn xã, giải quyết việc làm cho 300 lao động.

 

Chú trọng phát triển bền vững

Xác định nguồn giống ảnh hưởng tới chất lượng tôm nuôi, đầu vụ nuôi, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản (NTTS) cùng Chi cục Thú y Thừa Thiên – Huế kiểm tra điều kiện an toàn vệ sinh ở các trại sản xuất tôm giống, cơ sở nào đảm bảo tiêu chuẩn Ngành mới được phép sản xuất tôm giống.

Chi cục NTTS cùng Phòng NN&PTNT các huyện tổ chức kiểm tra bất thường nguồn tôm giống tại chỗ và mua từ tỉnh khác. Đối với nguồn tôm giống tại chỗ, chủ trại giống phải kiểm dịch trước khi xuất bán; tôm giống ngoại tỉnh, người dân phải có giấy kiểm dịch trước khi thả nuôi. Chi cục NTTS cùng Phòng NN&PTNT các huyện thường xuyên bám sát các hồ nuôi tôm; hộ nuôi nào mua giống không có xuất xứ và không có giấy kiểm dịch PCR sẽ không được phép thả nuôi và bị phạt.

Cùng đó, tỉnh hỗ trợ các địa phương đầu tư công trình cấp nước ngọt cho vùng nuôi tôm trên cát, kênh thoát nước tự nhiên, hệ thống cấp và xử lý nước thải tập trung; hỗ trợ giải tỏa; làm thông thoáng luồng lạch, vùng bảo vệ đê đầm phá và các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng ao nuôi, hệ thống cấp, thải nước từ kênh mương cấp, thoát nước cấp 2; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng bảo đảm điều kiện áp dụng quy trình nuôi sạch theo tiêu chuẩn GAP… Đối với những hộ đã đào hồ nuôi tôm, yêu cầu phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải và xả thải đúng quy trình, kỹ thuật nuôi; một số mô hình khu nuôi tôm mẫu, có hệ thống xử lý nước thải khép kín, hiện đại cũng được áp dụng.

>> Thừa Thiên – Huế phấn đấu đến năm 2015, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 24.116 tấn; trong đó, tôm thẻ chân trắng 12.116 tấn, tôm sú 3.000 tấn. Đến năm 2020, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 24.116 tấn; trong đó tôm thẻ chân trắng 12.116 tấn, tôm sú 3.000 tấn.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!